Động đất 3.5 độ ở Quảng Nam gây rung lắc

Trận động đất ở Quảng Nam có cường độ 3.5 này gây rung lắc, người dân sống ở vùng gân tâm chấn có thể cảm nhận rõ. Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu vẫn đang tiếp tục theo dõi trận động đất này.

Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần, Viện Vật lý Địa cầu vừa phát đi thông báo động đất. Theo đó, vào lúc 22 giờ 10 phút 55 giây ngày 18/2, một trận động đất có độ lớn 3.5 xảy ra tại vị trí có tọa độ (15.087 độ vĩ Bắc, 108.112 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8.2 km. Động đất xảy ra tại khu vực huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0.

Vị trí xảy ra động đất ở Quảng Nam.

Vị trí xảy ra động đất ở Quảng Nam.

Cùng ngày, vào lúc 16 giờ 15 phút 58 giây, một trận động đất có độ lớn 3.2 xảy ra tại vị trí có tọa độ (14.962 độ vĩ Bắc, 108.173 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1 km. Động đất xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0.

Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Anh cho biết, các trận động đất tại khu vực này có độ lớn không quá 5.0, mức độ động đất dù xảy ra nhiều nhưng chưa đến mức cảnh báo rủi ro. Viện Vật lý Địa cầu thường xuyên thông tin về động đất đến chính quyền và người dân trong khu vực.

TS. Nguyễn Xuân Anh cũng cho biết, cho đến nay, trên thế giới chưa có nước nào có thể dự báo được chính xác khi nào động đất xảy ra, cũng như làm cách nào để chống lại động đất. Các nhà khoa học chỉ có thể đưa ra cảnh báo sớm là khu vực này, vùng kia có thể sẽ xảy ra động đất ở độ lớn nào đó, chứ không thể đưa ra thông tin chính xác thời điểm nào xảy động đất. Cách duy nhất để đối phó là làm sao giảm đến mức tối đa thiệt hại mà động đất gây nên.

Một trong những tác động trực tiếp của các trận động đất là rung cuộn mặt đất, gây ra hiện tượng nứt vỡ, làm sụp đổ các công trình xây dựng, gây sạt lở đất đá, lở tuyết. Mức độ nghiêm trọng của nó dựa trên cường độ, khoảng cách tính từ chấn tâm, và các điều kiện về địa chất, địa mạo tại nơi bị ảnh hưởng.

Tiến sỹ Nguyễn Xuân Anh khuyến cáo, khi xảy ra động đất, người dân nên bám chặt vào một khung cửa hoặc chui xuống gầm bàn trong trường hợp ở tòa nhà có kết cấu vững chắc. Nếu ở ngoài trời, người dân cần tránh xa các đường dây điện, cột điện, nên chạy tới vùng đất trống. Nếu đang lái xe, người dân cố gắng tấp vào bên đường và dừng lại.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/dong-dat-35-do-o-quang-nam-gay-rung-lac-169250219081711865.htm