Động đất bất thường tại Kon Tum: Thủ tướng yêu cầu khẩn trương làm rõ nguyên nhân
Theo Công điện Thủ tướng vừa ban hành, Bộ Công Thương có nhiệm vụ bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước, công trình giao thông, nhất là các hồ đập, hồ chứa nước, công trình giao thông tại khu vực gần tâm chấn động đất.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký ban hành Công điện số 73/CĐ-TTg ngày 29/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm tra, chủ động khắc phục hậu quả động đất tại địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.
Công điện gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Quảng Ngãi, Quảng Nam; Văn phòng Ban chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia; các Bộ: Quốc phòng, Công an, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Giao thông vận tải, Khoa học và Công nghệ; Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Công điện nêu: Theo tin từ Viện Vật lý địa cầu, trong các ngày 28 và 29 tháng 7 năm 2024 đã liên tiếp xảy ra nhiều trận động đất tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, trong đó trận động đất lớn xảy ra lúc 11 giờ 35 phút 10 giây ngày 28 tháng 7 năm 2024 với độ lớn M = 5.0, cấp độ rủi ro thiên tai cấp 2 ở khu vực tâm chấn và lân cận (đây là trận động đất có cường độ lớn nhất quan trắc được từ năm 1903 tới nay tại khu vực); theo thông tin sơ bộ, động đất đã gây một số thiệt hại về nhà ở, ảnh hưởng đến tâm lý người dân trong vùng, đặc biệt là khu vực gần tâm chấn động đất.
Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi đến nhân dân khu vực bị ảnh hưởng bởi động đất và yêu cầu:
1. Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum và các địa phương trong khu vực:
a) Thông tin kịp thời về động đất và dư chấn do động đất, hướng dẫn kỹ năng ứng phó, ổn định tâm lý cho nhân dân trong vùng bị ảnh hưởng bởi động đất, tránh tâm lý hoang mang, nhất là đối với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
b) Chỉ đạo cơ quan chức năng và chính quyền cơ sở khẩn trương kiểm tra nắm tình hình, đánh giá thiệt hại, ảnh hưởng của động đất đến công trình nhà ở của nhân dân và công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn; kịp thời phát hiện, triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả (trong trường hợp xảy ra sự cố) để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.
c) Chủ động tổ chức sơ tán, bố trí chỗ ở tạm cho các hộ có nhà bị hư hại nặng không bảo đảm an toàn; huy động lực lượng tại chỗ hỗ trợ nhân dân sửa chữa nhà; bố trí ngân sách địa phương và huy động các nguồn lực hợp pháp khác để hỗ trợ các hộ bị thiệt hại nặng về nhà ở, ổn định cuộc sống theo quy định và khắc phục cơ sở hạ tầng thiết yếu bị thiệt hại (nếu có).
d) Chỉ đạo kiểm tra các công trình cơ sở hạ tầng, nhất là các hồ đập thủy lợi, thủy điện, công trình giao thông để kịp thời phát hiện, có biện pháp ứng phó và khắc phục các sự cố, hư hỏng (nếu có) để bảo đảm an toàn cho công trình.
2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải theo chức năng quản lý nhà nước được giao chỉ đạo kiểm tra, triển khai công tác khắc phục sự cố (nếu có), bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước, công trình giao thông, nhất là các hồ đập, hồ chứa nước, công trình giao thông tại khu vực gần tâm chấn động đất.
3. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng đóng quân trên địa bàn sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả động đất theo yêu cầu của địa phương.
4. Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chỉ đạo Viện Vật lý địa cầu tiếp tục tổ chức theo dõi diễn biến và các dư chấn động đất, phối hợp với các cơ quan chức năng, huy động các chuyên gia, nhà khoa học làm rõ nguyên nhân động đất gia tăng bất thường trong khu vực, kịp thời thông tin đến các cơ quan chức năng và người dân để phục vụ công tác truyền thông và chỉ đạo ứng phó, tránh để các đối tượng xấu lợi dụng gây hoang mang, bất ổn trong nhân dân.
5. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan truyền thông kịp thời thông tin về động đất, tăng cường truyền thông, hướng dẫn nhân dân kỹ năng ứng phó với động đất, tránh hoang mang và giảm thiệt hại do động đất.
6. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Văn phòng Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia theo nhiệm vụ được giao theo dõi chặt chẽ tình hình, chủ động chỉ đạo triển khai công tác ứng phó, cứu hộ cứu nạn, khắc phục hậu quả động đất theo quy định, kịp thời tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý các vấn đề vượt thẩm quyền.
Tính đến 20h ngày 28/7, tại khu vực huyện Kon Plông (Kon Tum) xảy ra 13 trận động đất có độ lớn từ 2,5 đến 5 độ Richter. Chuyên gia nhận định đây là những trận động đất kích thích gây ra do hồ chứa nước, cơ bản liên quan đến việc tích nước, xảy ra theo chu kỳ, có những đợt dồn dập xảy ra trong vòng mấy ngày, sau đó dừng lại.
Riêng sáng 28/7 đã xảy ra 4 trận động đất tại huyện Kon Plông. Trong đó, đáng chú ý là trận động đất 5 độ Richter xảy ra vào 11h35, tại vị trí có tọa độ 14.827 độ Vĩ Bắc, 108.245 độ Kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8,1 km. Trận động đất này có cấp độ rủi ro thiên tai cấp 2 ở khu vực tâm chấn và lân cận.
Trận động đất này đã gây rung lắc mạnh ở vùng tâm chấn và khu vực lân cận. Nhiều người dân ở Đông Giang, Hiệp Đức, Điện Bàn, Hội An… (tỉnh Quảng Nam) và ở TP. Đà Nẵng cho biết cảm nhận rất rõ một đợt rung lắc mạnh từ 5-7 giây. Theo Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, đây là trận động đất mạnh nhất từ trước đến nay ghi nhận được ở khu vực này; đạt ngưỡng độ lớn trung bình.
Đại diện UBND huyện Kon Plông cũng cho biết, trận động đất này đã gây nứt một số công trình trường học, trụ sở y tế, công an... trên địa bàn huyện.
Liên tiếp sau đó, trong chiều và tối 28/7 đã diễn ra 9 trận động đất, trong đó gần đây nhất là trận có độ lớn 3,8 độ Richter xảy ra vào khoảng 19h53 tại vị trí có tọa độ 14.935 độ Vĩ Bắc, 108.216 độ Kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8,1 km, cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0.
Theo chuyên gia Viện Vật lý địa cầu, nguyên nhân gây ra trận động đất ở Kon Plông là do động đất kích thích, xảy ra do quá trình tích nước của hồ chứa thủy điện tác động lên hệ thống đứt gãy hoạt động bên dưới.