Động đất: Khi viện trợ đổ xô vào Thổ Nhĩ Kỳ, Syria có thể bị bỏ lại phía sau
Trận động đất mạnh tấn công Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã gây ra thiệt hại nặng nề về người và của; trong khi Thổ Nhĩ Kỳ nhận được rất nhiều viện trợ thì Syria dường như đang bị bỏ lại phía sau.
Trận động đất mạnh 7,8 độ richter xảy ra ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria vào sáng 6-2 kéo theo hơn 100 dư chấn và một trận động đất mạnh 7,5 độ richter đã khiến trên 12.000 người thiệt mạng và nhiều người vẫn còn mắc kẹt dưới đống đổ nát.
Theo đài CNN, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ đã nhận được viện trợ, hỗ trợ từ hàng chục quốc gia, thì viện trợ cho Syria lại kém nhiệt tình hơn, làm dấy lên lo ngại rằng các nạn nhân ở phía bên kia biên giới có thể bị bỏ rơi.
Bà Aya Majzoub - phó giám đốc khu vực Trung Đông và Bắc Phi của Tổ chức Ân xá Quốc tế nói với CNN: “Không được quên người dân Syria. Những người chịu thiệt hại nặng nề nhất do thiên tai là những người vốn đã dễ bị tổn thương”.
Chính trị là nguyên nhân “khổ chồng thêm khổ”
Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) có tầm vóc quốc tế dù chỉ mới phát triển trong những năm gần đây. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết ngày 7-2, 70 quốc gia và 14 tổ chức quốc tế đã đề nghị cứu trợ nước này sau động đất, bao gồm Mỹ, Anh, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Israel, Nga…
Trong khi đó, Syria với nhiều cuộc nổi dậy và trấn áp khiến quốc gia này bị quốc tế gạt sang một bên và phải chịu các lệnh trừng phạt nặng nề. Hiện có rất nhiều nhóm cùng kiểm soát Syria: Chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad, lực lượng đối lập do Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ hậu thuẫn, phiến quân người Kurd và nhóm chiến binh Hồi giáo dòng Sunni - Hayat Tahrir al-Sham (HTS).
Chính sự chia rẽ này khiến việc nhận viện trợ trở nên khó khăn hơn. Cho đến nay, UAE, Iraq, Iran, Libya, Ai Cập, Algeria và Ấn Độ đã gửi hàng cứu trợ trực tiếp đến các sân bay do chính quyền Syria kiểm soát. Những quốc gia khác như Afghanistan, Saudi Arabia, Qatar, Oman, Trung Quốc, Canada và Vatican đã cam kết viện trợ; tuy nhiên không rõ liệu khoản cứu trợ đó có được gửi trực tiếp cho chính quyền hay không.
Ông Charles Lister - Giám đốc chương trình Syria và Chống khủng bố & Chủ nghĩa cực đoan tại Viện Trung Đông (Middle East Institute) (Mỹ) nói rằng “Cơ chế viện trợ của Liên Hợp Quốc (LHQ) phức tạp” và sẽ phức tạp hơn với Syria - một đất nước vẫn đang trong xung đột.
Chính phủ Syria đã khẳng định tất cả viện trợ cho toàn bộ đất nước đều chuyển đến thủ đô Damascus do chính phủ quản lý. Theo LHQ, tuyên bố này khiến các nhà viện trợ lo ngại rằng hỗ trợ của họ sẽ khó đến các khu vực quân nổi dậy chiếm giữ do chính quyền có thể cản trở. Ngoài ra, quy trình viện trợ cho các khu vực đối lập cũng khá phức tạp.
Đường sá hư hỏng, dịch bệnh hoành hành
LHQ cho biết công tác viện trợ của cơ quan này cho Syria đã bị gián đoạn do động đất làm hư hỏng đường sá. Cửa khẩu Bab al-Hawa - hành lang viện trợ nhân đạo duy nhất từ Thổ Nhĩ Kỳ sang Syria đã hư hại nghiêm trọng.
Phát ngôn viên của Văn phòng LHQ về Điều phối Hỗ trợ Nhân đạo (OCHA) - bà Madevi Sun-Suon nói với CNN hôm 7-2: “Chúng tôi đang tìm mọi cách để tiếp cận những người có nhu cầu nhưng vấn đề đường sá hiện là một thách thức lớn”.
Hiện cư dân ở phía tây bắc do chính phủ kiểm soát đang “sống trong điều kiện kinh khủng, ít được tiếp cận với nơi trú ẩn, nước, vệ sinh và chăm sóc y tế”, còn khu vực do phiến quân quản lý cũng đang vật lộn với mùa đông khắc nghiệt và dịch tả bùng phát.
Bà Majzoub nói: “Người dân Syria phụ thuộc hoàn toàn vào viện trợ nhân đạo từ cơ chế xuyên biên giới của LHQ cho phép LHQ và các đối tác cung cấp viện trợ thông qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ mà không cần sự cho phép của chính phủ Syria”.
Về lâu dài, sau khi động đất qua đi thì vấn đề kinh tế, vốn đã khủng hoảng bởi lạm phát, nghèo đói và mất an ninh lương thực, sẽ là gánh nặng tiếp theo đè lên người dân Syria.
Theo LHQ, mức độ khẩn cấp ở Syria đang ở mức cao nhất kể từ khi xung đột bùng nổ 12 năm trước.