Động đất liên tục và những đồn đoán về thảm họa tại Nhật Bản
Trong những ngày qua, tại khu vực quần đảo Tokara thuộc tỉnh Kagoshima – miền Nam Nhật Bản liên tục xảy ra các trận động đất liên hoàn với tần suất dày đặc chưa từng có, khiến cư dân địa phương vô cùng lo sợ. Đặc biệt, đã xuất hiện những đồn đoán về siêu động đất tại Nhật Bản.
Theo Đài quan trắc khí tượng khu vực Kagoshima, liên tục trong 10 ngày qua, tính từ 21/6, tại khu vực quần đảo Tokara đã xảy ra tới 685 trận động đất với chấn độ dao động từ 3 đến 5,1 độ, trong đó, trận gần đây nhất vừa được ghi nhận lúc 7h30 sáng nay (1/7, theo giờ địa phương). Đây là tần suất động đất dày đặc chưa từng có trong lịch sử Nhật Bản, thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới chuyên môn.
Theo Phó giáo sư Yokose Hisayoshi thuộc Viện đại học Kumamoto - một chuyên gia về địa chất và địa chấn học, hiện tượng này là do cao nguyên đại dương Amami ở phía trên mảng kiến tạo dưới đáy biển Philippines tiếp tục chìm dần, va chạm với mảng kiến tạo Á – Âu (Eurasia Plate), tạo ra một “đới hút chìm” với dịch chuyển khó lường.

Bản đồ địa chấn quần đảo Tokara do Cơ quan khí tượng Nhật Bản lập
“Đới hút chìm đáy biển này đang ở trong tình trạng rất đặc biệt và được gọi là đới xung đột khi các mảng kiến tạo va chạm nhau. Không chỉ một mảng kiến tạo chìm xuống mà còn có khu vực trồi lên, dẫn tới xung động và tạo ra các sóng địa chấn”, Phó giáo sư Yokose nhận định.
Trong khi giới khoa học tập trung nghiên cứu để lý giải, hiện tượng dị thường này đang dẫn tới những đồn đoán mang mầu sắc thần bí. Trong vài ngày nay, trên các trang mạng xã hội tại Nhật Bản lan tràn những lời “tiên tri” được gọi là “Pháp tắc Tokara”. Những lời đồn đoán này viện dẫn những tiền lệ động đất đã xảy ra trong quá khứ làm cơ sở để dự báo sẽ xảy ra siêu động đất tại Nhật Bản trong tháng 7 này, thậm chí, còn cụ thể là vào ngày 5/7. Đáng chú ý là, cho dù những lời “tiên tri” này thiếu cơ sở khoa học, nhưng các nhà nghiên cứu cũng không đủ luận cứ để phản bác.
Trong khi đó, sự lo sợ đang lan rộng trong cộng đồng cư dân địa phương, và bài toán trước mắt của chính quyền tỉnh Kagoshima là phải tìm cách sơ tán 667 người đang sống trên các đảo thuộc quần đảo Tokara đến nơi an toàn càng sớm càng tốt, để đề phòng xảy ra trường hợp xấu nhất.