Phát hiện nhiều loài thạch sùng mới tại Campuchia
Một nhóm các nhà khoa học trong lĩnh vực bảo tồn vừa xác nhận những loài thạch sùng (gecko) mới được phát hiện tại các dãy núi đá vôi chưa được khám phá ở tỉnh Battambang, phía Tây Campuchia.

Loài thạch sùng lá Battambang (được đặt tên khoa học là Dixonius noctivagus). Ảnh: discoverwildlife.com
Theo thông cáo báo chí ngày 30/6 của nhóm các nhà khoa học trên, hoạt động khảo sát và nghiên cứu thực địa có sự tham gia của cán bộ thuộc Bộ Môi trường Campuchia, các chuyên gia nghiên cứu bò sát đến từ Đại học La Sierra (Mỹ) và đội ngũ của tổ chức bảo tồn động thực vật mang tên Fauna & Flora International - Chương trình Campuchia.
Trước hết, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy 4 quần thể thạch sùng sọc ở khu vực Kamping Poi thuộc tỉnh Battambang. Các mẫu vật sau đó được xác định là một loài mới, được đặt tên khoa học là Cyrtodactylus kampingpoiensis. Thông cáo có đoạn: “Dù được mô tả là một loài, nhưng sự cô lập địa lý của các dãy núi đá vôi (karst) cho thấy 4 quần thể này có thể đang phát triển theo các hướng tiến hóa riêng biệt. Các phân tích di truyền sâu hơn có thể cho thấy chúng thực chất là 4 loài riêng biệt, chứ không phải một loài”.
Ngoài ra, các nhà khoa học còn phát hiện loài thạch sùng lá Battambang (được đặt tên khoa học là Dixonius noctivagus) có hoa văn như đốm da báo kích thước nhỏ. Nhóm cũng phát hiện một loài khác được đặt tên khoa học là Hemiphyllodactylus khpoh. Loài này trước đó được xác nhận là loài mới và được mô tả trên tạp chí khoa học Zootaxa.
Cũng theo thông cáo báo chí, do phạm vi phân bố hẹp và đặc tính di truyền biệt lập, những loài thạch sùng mới nói trên có thể đáp ứng tiêu chí trong hạng mục về loài “cực kỳ nguy cấp” trong Danh sách Đỏ của Liên minh Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (IUCN). Đây là một danh sách toàn diện về tình trạng bảo tồn của các loài sinh vật trên toàn cầu.
Theo ông Pablo Sinovas, Giám đốc quốc gia của Chương trình Campuchia thuộc tổ chức Fauna & Flora International, đồng thời là thành viên nhóm khảo sát và nghiên cứu thực địa, các hệ sinh thái núi đá vôi tại Campuchia vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ, nhưng lại đang chịu sức ép lớn từ các hoạt động của con người. Ông Sinovas nhấn mạnh sự cần thiết ưu tiên bảo vệ những môi trường sinh học mong manh này trước khi các loài quý hiếm bị tuyệt chủng.