Động đất ở Nhật Bản: Thực hiện công tác bảo hộ người Việt Nam tại các vùng bị ảnh hưởng
Cục Quản lý lao động ngoài nước đề nghị các doanh nghiệp đưa thực tập sinh/lao động Việt Nam đến làm việc tại các tỉnh Ishikawa (nhất là vùng bán đảo Noto), Toyama, Niigata và Fukui khẩn trương thống kê số lượng người bị ảnh hưởng (nếu có) bởi trận động đất mạnh xảy ra tại khu vực này vào ngày 1/1/2024.
Khẩn trương hỗ trợ thực tập sinh/lao động Việt Nam bị ảnh hưởng động đất ở Nhật Bản
Vào 16 giờ 10 phút ngày 1/1/2024, tại bán đảo Noto, tỉnh Ishikawa, Nhật Bản đã xảy ra động đất có cường độ 7,6 độ richter, làm rung chuyển nhiều tỉnh, thành phố vùng Hokuriku. Cơ quan khí tượng Nhật Bản ban bố cảnh báo sóng thần và yêu cầu người dân sống ở gần bờ biển, nhất là các tỉnh Ishikawa, Toyama, Niigata lập tức sơ tán. Các tỉnh duyên hải tây Nhật Bản gồm Yamagata, Hokkaido, Tottori, Saga... cũng được cảnh báo sóng thần. Chiều tối cùng ngày, sóng thần cao 1,2m đã ập vào Ishikawa, các sóng thần khác nhỏ hơn đã ập vào Niigata, Toyama, Hokkaido.
Để thực hiện công tác bảo hộ thực tập sinh/lao động, xác định sự an nguy của thực tập sinh/lao động Việt Nam ở các vùng bị ảnh hưởng và kịp thời ứng phó trước các tình huống khẩn cấp, ngày 2/1/2024 Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và xã hội) đã ban hành Công văn số 03/QLLĐNN-NBĐNA đề nghị các doanh nghiệp đưa thực tập sinh/lao động đến làm việc tại các tỉnh Ishikawa (nhất là vùng bán đảo Noto), Toyama, Niigata và Fukui khẩn trương thực hiện các việc sau:
Liên lạc ngay với thực tập sinh, người lao động đang làm việc tại các vùng bị ảnh hưởng bởi động đất để nắm tình hình người lao động; thống kê số lượng thực tập sinh, lao động đang làm việc bị ảnh hưởng (nếu có) và những khó khăn gặp phải, cần được hỗ trợ gấp theo đường link.
Phối hợp chặt chẽ với nghiệp đoàn quản lý, công ty tiếp nhận và các bên có liên quan nắm tình hình lao động và phương án ứng phó, hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do động đất, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người lao động như tạm thời không cho ở trong các nhà cũ, không chắc chắn, có nguy cơ đổ sập do động đất...
Duy trì liên lạc với thực tập sinh/lao động để kịp thời hướng dẫn các biện pháp phòng chống động đất, lánh nạn trong trường hợp khẩn cấp; thông báo tới người lao động số điện thoại liên lạc khẩn cấp tại Nhật Bản của Ban quản lý lao động: +81.70.1479.6888 và Đại sứ quán Việt Nam tại Tokyo: +81.80.3590.9136
Thường xuyên báo cáo Cục Quản lý lao động ngoài nước và Ban Quản lý lao động Nhật Bản về những khó khăn, vướng mắc gặp phải trong quá trình hỗ trợ thực tập sinh/lao động vùng bị động đất để được hướng dẫn và phối hợp giải quyết.
Đến 21 giờ ngày 2/1, theo thông tin từ Cơ quan Cảnh sát quốc gia Nhật Bản cung cấp cho Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, hiện chưa có thương vong của người Việt do động đất. Tổ chức Phát triển nhân lực quốc tế Nhật Bản (IM Japan) cho biết toàn bộ thực tập sinh Việt Nam do tổ chức này tiếp nhận làm việc tại các tỉnh Toyama, Fukui và Ishikawa đều an toàn. Đại sứ quán khuyến cáo tất cả công dân Việt Nam đang sinh sống, làm việc và học tập tại Nhật Bản theo dõi chặt chẽ các thông báo, tuân thủ hướng dẫn của cơ quan chức năng Nhật Bản, di chuyển tới các trạm lánh nạn được chính quyền địa phương chỉ định để được hỗ trợ như cung cấp thức ăn, nước uống, giữ ấm, chỗ ngủ, sơ cứu và chăm sóc y tế.
Chính phủ Nhật Bản cảnh báo thông tin sai lệch về động đất lan truyền trên mạng xã hội
Chính phủ Nhật Bản đang kêu gọi công chúng thận trọng trước thông tin sai lệch liên quan đến trận động đất mạnh ở miền Trung Nhật Bản vào ngày 1/1 vừa qua.
Ngày 2/1, Thủ tướng Fumio Kishida khẳng định việc lan truyền thông tin sai lệch là "không thể chấp nhận được." Bộ Truyền thông Nhật Bản đã kêu gọi người dân "đánh giá cẩn thận" xem các bài đăng trực tuyến có đúng hay không trước khi phổ biến chúng.
Cụ thể, một số thông tin đang đang được lan truyền trên các nền tảng truyền thông xã hội cho rằng nguyên nhân của trận động đất có độ lớn 7,6 độ richter tại bán đảo Noto và vùng lân cận trên bờ biển Nhật Bản ngày 1/1 là do sử dụng "vũ khí động đất", đồng thời mô tả sự kiện địa chấn là một "trận động đất nhân tạo".
Nhiều bài đăng đã chia sẻ các video đã được chỉnh sửa với mục đích mô tả sóng thần do trận động đất mới nhất gây ra nhưng sử dụng cảnh quay về trận động đất và sóng thần lớn vào tháng 3/2011 từng gây ra thảm họa tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi.
Thông tin sai lệch trong thảm họa có thể cản trở hoạt động cứu hộ, gây nguy hiểm đến tính mạng. Sau trận động đất ở Kumamoto, Tây Nam Nhật Bản vào năm 2016, một người đàn ông đã bị bắt vì tung tin đồn thất thiệt rằng một con sư tử đã trốn thoát khỏi vườn thú.
64 người đã thiệt mạng trong thảm họa động đất ở Nhật Bản
Trận động đất độ lớn 7,6 độ richter xảy ra ngày 1/1 cùng hơn 200 dư chấn tiếp đó đã gây thiệt hại lớn về cấu trúc đô thị tại tỉnh Ishikawa và nhiều khu vực lân cận. Cơ quan Khí tượng Nhật Bản đã chính thức đặt tên cho loạt trận động đất mạnh này là "Trận động đất ở Bán đảo Noto năm 2024".
Tính đến sáng 3/1, Lực lượng phòng vệ trên không đã phối hợp với lực lượng cứu hộ tại chỗ giải cứu được 50 nạn nhân mắc kẹt, trong khi tàu khu trục Setogiri của Lực lượng phòng vệ trên biển cũng tham gia vận chuyển các mặt hàng nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân tại khu vực xảy ra thảm họa do nhiều tuyến đường bộ và đường sắt vẫn bị phong tỏa.
Lực lượng phòng vệ mặt đất đồn trú tại thành phố Kanazawa, tỉnh Ishikawa cũng hỗ trợ việc cung cấp nước ở những cơ sở cứu nạn tập trung và tiếp nhận khoảng 1.000 người đến sơ tán tại các doanh trại của đơn vị.
Tính đến 11 giờ ngày 3/1 (giờ địa phương), số nạn nhân thiệt mạng trong thảm họa động đất ở tỉnh Ishikawa là 64 người. Trong đó, có 31 người ở thành phố Wajima, 22 người ở thành phố Suzu, 5 người ở thành phố Nanao, 2 người ở thị trấn Anamizu, 2 người ở thị trấn Noto và 1 người ở thành phố Hakui và 1 người ở thị trấn Shika.
Số nạn nhân thiệt mạng có thể sẽ còn tăng do vẫn chưa xác nhận được thương vong trong các vụ sập nhà tại thành phố Wajima, thành phố Suzu và thị trấn Noto.
Nguồn: Cục Quản lý lao động ngoài nước, TTXVN, Kyodo News