Đồng đất ở Thổ Nhĩ Kỳ, Syria: Hạ tầng hư hại diện rộng cản trở cứu trợ
Giới chức Liên hợp quốc cho biết cơ sở hạ tầng bị hư hại trên diện rộng do động đất lớn ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đang cản trở các nỗ lực viện trợ của các cơ quan Liên hợp quốc.
Ngày 7/2, giới chức Liên hợp quốc cho biết cơ sở hạ tầng bị hư hại trên diện rộng do động đất lớn ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đang cản trở các nỗ lực viện trợ của các cơ quan Liên hợp quốc.
Phát biểu tại cuộc họp báo ở Geneva, Thụy Sĩ, các quan chức Liên hợp quốc cho biết các đội điều phối và đánh giá thảm họa quốc tế đầu tiên hiện đã đến sân bay Adana ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Các đội này dự kiến trong ngày 7/2 sẽ đến Gaziantep, tâm chấn của trận động đất đầu tiên; tuy nhiên, đường vào bị hạn chế và thiếu xe tải vận chuyển. Do vậy, các cơ quan phòng chống thiên tai Thổ Nhĩ Kỳ đang xem xét huy động máy bay trực thăng và xe tải từ các tỉnh khác xa hơn.
Một đại diện của Liên hợp quốc tại thực địa cho biết đến nay, các lực lượng tìm kiếm và cứu hộ đã giải cứu khoảng 8.000 người.
Trong khi đó, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) thông báo đang cung cấp bộ bếp, nệm và lều cho những người bị ảnh hưởng vì thảm họa động đất.
Theo UNHCR, hơn 1,7 triệu trong số 15 triệu người sinh sống tại 10 tỉnh của Thổ Nhĩ Kỳ bị ảnh hưởng nặng nề nhất là người tị nạn Syria. Thổ Nhĩ Kỳ là nước tiếp nhận lượng người tị nạn lớn nhất thế giới kể từ năm 2014. Khoảng 4 triệu người tị nạn và người xin tị nạn hiện đang ở Thổ Nhĩ Kỳ dưới sự bảo vệ tạm thời của quốc tế.
Các số liệu mới nhất do truyền thông cập nhật cho thấy thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria xảy ra ngày 6/2 vừa qua đã khiến hơn 7.800 người thiệt mạng và hàng chục nghìn người bị thương. Các quan chức Liên hợp quốc cho biết số người thiệt mạng có thể sẽ tiếp tục tăng.
Ngoài ra, nhiều tòa nhà trong các khu vực bị ảnh hưởng của động đất có cấu trúc không chắc chắn, có nguy cơ sụp đổ trong những ngày tới.
Cùng ngày, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc bày tỏ quan ngại về thiệt hại đối với các di sản của Syria và Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời cam kết hỗ trợ hai quốc gia bị động đất tàn phá.
Sau cuộc khảo sát ban đầu về thiệt hại đối với di sản, được thực hiện cùng với các cơ quan chức năng của Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, UNESCO cho biết tại Syria, UNESCO đặc biệt quan tâm đến tình hình ở thành phố cổ Aleppo nằm trong Danh sách Di sản Thế giới đang gặp nguy hiểm.
UNESCO cho biết đã ghi nhận thiệt hại đáng kể ở thành cổ này. Tòa tháp phía Tây của bức tường thành cũ đã sụp đổ và một số tòa nhà trong khu chợ đã bị suy yếu.
Trong khi đó, tại Thổ Nhĩ Kỳ, một số tòa nhà ở thành phố Diyarbakir đã bị sập. Thành phố này là nơi có "Pháo đài Diyarbakir và Cảnh quan Văn hóa Vườn Hevsel" được đưa vào Danh sách Di sản Thế giới. Đây là một trung tâm quan trọng của các thời kỳ đế chế La Mã, Sassanid, Byzantine, Hồi giáo và Ottoman.
Với sự hợp tác của các cơ quan chức năng Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, các chuyên gia của UNESCO đang nỗ lực lập một bản kiểm kê chính xác về thiệt hại đối với các địa điểm nằm trong Danh sách Di sản Thế giới.
Trong khi đó, Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) ngày 7/2 thông báo cơ quan này đang làm việc với giới chức Thổ Nhĩ Kỳ để mở rộng quy mô ứng phó khẩn cấp nhằm tiếp cận phụ nữ và trẻ em gái bị ảnh hưởng bởi trận động đất.
Giám đốc điều hành UNFPA Natalia Kanem nêu rõ: "UNFPA cam kết hỗ trợ người dân Thổ Nhĩ Kỳ và Syria chịu ảnh hưởng của trận động đất bao gồm cả những phụ nữ mang thai dự kiến sẽ sinh con trong những tuần tới trong những điều kiện khó khăn này."
Trận động đất đã làm sập hoặc hư hại nghiêm trọng hàng nghìn tòa nhà, bao gồm các cơ sở hộ sinh do UNFPA hỗ trợ, trung tâm thanh thiếu niên và không gian an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái.
Theo một thông cáo báo chí, ưu tiên trước mắt của UNFPA là thiết lập lại các dịch vụ quan trọng đối với sức khỏe, phúc lợi và bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái./.