Động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ, Syria: Trên 7.800 người thiệt mạng; Tổng thống Erdogan ban bố tình trạng khẩn cấp ở 10 tỉnh
Theo thông tin mới cập nhật sáng 8/2, số người thiệt mạng trong trận động đất lớn ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã tăng lên hơn 7.800 người trong ngày 7/2. Đến nay, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại 10 tỉnh.
Dự kiến số nạn nhân thiệt mạng sẽ còn tiếp tục tăng lên khi độ lớn của thảm họa này trở nên rõ ràng hơn. Một quan chức Liên hợp quốc nhận định có thể hàng nghìn trẻ em đã thiệt mạng.
Ông Raed Ahmed - Giám đốc Trung tâm Động đất quốc gia Syria - cho biết đây là trận động đất mạnh nhất mà cơ quan này ghi nhận kể từ khi được thành lập vào năm 1995. Rung chấn của trận động đất lan tới cả Liban và CH Cyprus.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 7/2 đã ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 3 tháng tại 10 tỉnh phía Đông Nam của nước này vừa chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của trận động đất độ lớn 7,8.
Trong tuyên bố phát sóng trên truyền hình, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp nêu trên nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho công tác cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả của trận động đất.
Theo đó, một loạt các biện pháp khẩn cấp sẽ được thực thi để nhanh chóng đưa lực lượng cứu trợ nhân đạo và những hỗ trợ tài chính kịp thời cho người dân và chính quyền địa phương bị nạn.
Tại thành phố cảng Iskenderun, tỉnh Haitay, miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ, một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề của trận động đất độ lớn 7,8 xảy ra một ngày trước đó, vào lúc 17h (giờ địa phương) ngày 6/2, hỏa hoạn đã xảy ra do một trong những container tại cảng bị lật do dư chấn sau trận động đất và đến ngày 7/2 vẫn chưa được dập tắt.
Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đã cử một tàu bảo vệ bờ biển đến hỗ trợ dập lửa tại cảng Iskenderun. Sealand, một đơn vị thuộc Công ty vận tải container Maersk, thông báo đã có "thiệt hại đáng kể về cơ sở hạ tầng giao thông và hậu cần xung quanh tâm chấn Pazarcik, Kahramanmaras, bao gồm cả tại cảng Iskenderun".
Mọi hoạt động của công ty sẽ bị tạm dừng cho đến khi có thông báo mới do "thiệt hại nghiêm trọng về cấu trúc". Sealand cho biết sẽ chuyển hướng vận chuyển hàng hóa đến các cảng khác, bao gồm cả cảng Mersin gần đó.
Hiện công tác cứu hộ, cứu nạn vẫn đang khẩn trương được tiến hành, song gặp nhiều khó khăn do thời tiết giá lạnh khắc nghiệt kèm mưa lớn. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cho biết triển khai hơn 50.000 nhân viên cứu trợ tới khu vực bị ảnh hưởng và dành khoản ngân sách 100 tỷ libra (5,3 tỷ USD) khắc phục hậu quả trận động đất.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc hàng nghìn người thiệt mạng ở cả Thổ Nhĩ Kỳ và Syria do động đất đã vượt quá năng lực cứu hộ, cứu nạn của bất kỳ quốc gia riêng lẻ nào. Chính vì thế, cộng đồng quốc tế cũng đẩy nhanh công tác hỗ trợ cho hai nước.
Ngày 7/2, Quốc vương Salman và Thái tử Mohammed bin Salman của Arab Saudi đã chỉ đạo Trung tâm Cứu trợ và viện trợ nhân đạo King Salman thiết lập một cầu hàng không để trợ giúp các nạn nhân của trận động đất ở Syria và Thổ Nhĩ Kỳ.
Cầu hàng không sẽ giúp cung cấp các dịch vụ y tế, chỗ ở, thực phẩm và hỗ trợ hậu cần để giảm thiểu tác động của trận động đất đối với người dân ở Syria và Thổ Nhĩ Kỳ. Quốc vương và Thái tử của Saudi Arabia cũng ra lệnh tổ chức một chiến dịch từ thiện thông qua Nền tảng Sahem của KSrelief.
Cùng ngày, Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi đã chỉ thị cử 5 máy bay quân sự chở hàng viện trợ y tế khẩn cấp tới Thổ Nhĩ Kỳ và Syria để đóng góp cho các nỗ lực cứu trợ.
Trong hai cuộc điện đàm riêng rẽ với Tổng thống Syria Bashar al-Assad và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, Tổng thống El-Sisi đã gửi lời chia buồn về những tổn thất về người do trận động đất gây ra, đồng thời nhấn mạnh Cairo sẵn sàng gửi viện trợ nhân đạo và hàng cứu trợ để giúp đỡ người dân Syria và Thổ Nhĩ Kỳ.
Cũng trong ngày 7/2, các chuyến máy bay cứu trợ đầu tiên của Jordan và Kuwait đã cất cánh chở đầy thiết bị cứu hộ, lều, vật liệu hậu cần và y tế cho các nạn nhân của trận động đất ở Syria và Thổ Nhĩ Kỳ.
Jordan đã cử một đội cứu hộ gồm 99 nhân viên thuộc Đội tìm kiếm và cứu nạn quốc tế của nước này cùng với 5 bác sĩ thuộc Dịch vụ y tế hoàng gia Jordan tham gia các hoạt động cứu nạn.
Hãng thông tấn Jordan (JNA) dẫn một tuyên bố của Bộ Ngoại giao và Kiều dân nước này khẳng định tổ chức từ thiện Jordan Hashemite (JHCO) đã liên hệ với chính quyền Syria và Thổ Nhĩ Kỳ để gửi hàng viện trợ đến các khu vực bị ảnh hưởng và cử các đội cứu hộ tham gia công tác tìm kiếm những người còn sống sót sau thảm họa động đất.
Trong khi đó, hãng thông tấn Kuwait (KUNA) đưa tin chuyến bay chở hàng viện trợ của nước này đã cất cánh tới Thổ Nhĩ Kỳ ngày 7/2, trong một nỗ lực trợ giúp các nạn nhân của trận động đất. Các nỗ lực cứu trợ của Kuwait được khởi động dưới sự chỉ đạo của Quốc vương Sheikh Nawaf Al-Ahmad Al-Jaber Al-Sabah.
Bộ Ngoại giao Kuwait giữ vai trò điều phối hoạt động viện trợ, trong khi quân đội chịu trách nhiệm vận chuyển nhân viên, máy móc và thiết bị cứu trợ tới Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Hoạt động cứu trợ cũng có sự tham gia của Tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ và Bộ Y tế nước này.
Bộ ngoại giao Qatar ngày 7/2 cũng thông báo nước này sẽ viện trợ 10.000 căn hộ di động cho Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, "trong nỗ lực của Qatar góp phần hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do động đất tại Syria và Thổ Nhĩ Kỳ". Trước đó, Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani đã ra lệnh lập cầu hàng không để hỗ trợ nạn nhân động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhằm hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ và Syria khắc phục hậu quả trận động đất, ngày 7/2, Tổng thống Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã công bố khoản viện trợ trị giá 100 triệu USD cho hai quốc gia trên.
Trước đó, ngày 6/2, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã điện đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu, thảo luận về các biện pháp hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ sớm khắc phục hậu quả thảm họa động đất sáng sớm cùng ngày gây ra tại nước này và khu vực Tây Bắc Syria.
Thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ hai ngoại trưởng đã thảo luận về các phương cách mà Mỹ và các đối tác có thể hỗ trợ tốt nhất cho Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Blinken xác nhận rằng những phản ứng hỗ trợ ban đầu của Mỹ đã được triển khai và cam kết sẽ làm tất cả những gì có thể để phối hợp với Ankara hỗ trợ các nạn nhân động đất ở cả Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.
Người phát ngôn Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết Tổng thống Joe Biden và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan dự kiến sẽ sớm có cuộc điện đàm sau trận động đất gây thương vong lớn này.
Phát ngôn viên Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby xác nhận nước này đã điều 2 đội tìm kiếm cứu hộ, mỗi đội gồm 79 thành viên tới Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi Bộ Quốc phòng Mỹ và Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) cũng đang tích cực phối hợp với các đối tác Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong khi đó, Algeria đã gửi lực lượng cứu hộ đến hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả thảm họa thiên tai. Chiều 6/2, nhóm đầu tiên của Lực lượng Bảo vệ Dân sự Algeria đã khởi hành từ căn cứ không quân Boufarik ở Blida đến Thổ Nhĩ Kỳ tham gia các hoạt động cứu hộ sau trận động đất kinh hoàng.
Tổng cục Bảo vệ Dân sự Algeria cho biết nhóm này gồm 89 đặc vụ trong lĩnh vực can thiệp và quản lý các rủi ro lớn. Ngoài ra, đội ngũ hậu cần còn được trang bị 17 tấn thiết bị chuyên dụng để có thể thực hiện sứ mệnh trong điều kiện tốt nhất.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Chính quyền địa phương và Quy hoạch lãnh thổ Algeria, ông Brahim Merad, cho biết một nhóm khác cũng sẽ được cử đến Syria để tham gia vào các hoạt động cứu hộ và cứu trợ tương tự.
Tối 6/2, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố nước này sẽ để quốc tang 7 ngày tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria sau thảm họa động đất xảy ra trước đó cùng ngày.
Trong một thông báo trên Twitter, Tổng thống Erdogan nêu rõ thời gian quốc tang sẽ kéo dài trong 7 ngày. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ treo cờ rủ tại tất cả các cơ quan chính phủ ở trong nước và các văn phòng đại diện tại nước ngoài cho tới ngày 12/2.
Liên đoàn Bóng đá Thổ Nhĩ Kỳ (TFF) cũng đã thông báo hoãn tất cả các trận đấu bóng đá do sau thảm họa động đất trên. Thông báo của TFF nêu rõ: “Tất cả các trận đấu sẽ tạm thời hoãn tổ chức cho tới thời điểm thông báo tiếp theo".