Động đất trên Biển Đông, gần bờ biển Tuy Hòa
Trận động đất trên Biển Đông có độ lớn 3.4 vừa xảy ra ở khu vực cách TP Tuy Hòa (Phú Yên) 82km. Trận động đất không gây thiệt hại về người và tài sản.
h
Trung tâm Báo tin Động đất và Cảnh báo Sóng thần, Viện Vật lý Địa cầu vừa phát đi thông báo động đất. Theo đó, vào hồi 09 giờ 37 phút 14 giây (giờ GMT) ngày 28 tháng 3 năm 2023 tức 16 giờ 37 phút 14 giây (giờ Hà Nội) ngày 28 tháng 3 năm 2023 một trận động đất có độ lớn 3.4 xảy ra tại vị trí có tọa độ (13.159 độ vĩ Bắc, 110.146 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 12 km. Động đất xảy ra tại khu vực Biển Đông (Cách tp Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên khoảng 82 km). Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0. Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu vẫn đang tiếp tục theo dõi trận động đất này.
TS Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cho biết, đây không phải là lần đầu tiên ghi nhận động đất ở biển Đông. Trước đó, ngày 3/10/2021, một trận động đất có độ lớn 3.1 xảy ra tại vị trí có tọa độ (12.892 độ vĩ Bắc, 110.234 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8 km. Động đất xảy ra tại khu vực Biển Đông cách đất liền khoảng 90 km (TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên).
Đến 8h22 ngày 3/10/2021, một trận động đất có độ lớn 2.9 xảy ra tại vị trí có tọa độ (19.680 độ vĩ Bắc, 106.829 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8 km. Động đất xảy ra tại khu vực Biển Đông cách bờ biển TP Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa khoảng 90km.
Theo TS Nguyễn Xuân Anh, đây là trận động đất nhẹ nên không ảnh hưởng đến hoạt động của tàu thuyền. "Chỉ những trận động đất có cường độ từ 6,5 độ richter trở lên mới gây ra sóng thần và thiệt hại" - ông Anh cho biết.
Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Phương, chuyên gia địa chấn, Việt Nam nằm ở khu vực Thái Bình Dương, mà Thái Bình Dương là nơi có hiểm họa về sóng thần, đã được đánh giá là cao nhất trên thế giới.
Tuy nhiên, do đặc thù các vùng bờ biển ở Việt Nam được bao bọc bởi rất nhiều các quốc gia xung quanh như Trung Quốc ở phía bắc, Philippines ở phía đông, Thái Lan ở phía tây và Indonesia, Malaysia ở phía nam, vì thế các trận động đất gây sóng thần ở Thái Bình Dương đều không ảnh hưởng đến Việt Nam.
Hiểu đơn giản là các vùng bờ biển ở Việt Nam đã được chắn bởi bức "tường thành" chính là các quốc gia nêu trên.
Tuy nhiên, các nhà địa chấn Việt Nam đã xác định hiểm họa sóng thần vẫn có thể xảy ra đối với Việt Nam trong tương lai, hiểm họa đó có thể bắt nguồn ở ngay trong khu vực Biển Đông. Tức là trong khu vực Biển Đông vẫn xác định được các vùng phát sinh ra động đất có thể gây ra sóng thần, mà sóng thần xảy ra ngay trong Biển Đông thì có thể tác động tới vùng bờ biển Việt Nam.
Cụ thể, các nhà khoa học đã xác định được 9 vùng nguồn khác nhau ở khu vực Biển Đông có khả năng gây ra sóng thần ảnh hưởng tới vùng bờ biển Việt Nam.
Tuy nhiên, có hai vùng được xác định nguy hiểm tới Việt Nam gồm: vùng nguồn xa bờ nằm ở phía tây Philippines - ở đó có một đới hút chìm gọi là máng biển sâu Manila. Đó là vùng nguồn nguy hiểm nhất đối với Việt Nam. Thứ hai là vùng nguồn gần bờ - nằm ở ngay trên đới đứt gãy kinh tuyến 109 độ trên vùng thềm lục địa miền Trung và Nam Trung Bộ của Việt Nam.