Đong đầy kỷ niệm tuổi thơ đi câu lươn
Làng tôi ngày xưa hầu như nhà ai cũng có một cái ao. Ao ở mọi vị trí. Có ao đào ở trước nhà, có ao phía sau, ao bên trái hoặc bên phải nhà. Nhưng chủ yếu ao được người dân quy hoạch ở phía trước nhà để tiện cho việc quan sát. Ngoài việc nuôi thả các loại cá kiếm thêm thu nhập và cải thiện bữa ăn khi cần, ao còn có rất nhiều tác dụng khác như làm nguồn dự trữ nước cho giếng khi nắng nóng kéo dài hoặc dùng để rửa chân tay khi đi làm đồng về; dùng để tưới cho các loại cây cối trong vườn thêm xanh tốt...
Lũ trẻ choai choai chúng tôi những lúc được nghỉ học thường í ới rủ nhau đi câu lươn ở các ao trong làng. Lươn ở ao thường to và thịt thơm ngon hơn lươn sống ngoài đồng. Dụng cụ đi câu lươn rất đơn giản, gọn nhẹ. Chỉ cần một chiếc câu, một chiếc giỏ làm bằng tre nho nhỏ xinh xinh hoặc chiếc xô nhỏ dùng để đựng lươn khi câu được, một chiếc ống đựng mồi. Lưỡi câu thường được làm từ thép của tanh xe bò (xe trâu). Đầu lưỡi câu được mài thật nhọn và dùng chiếc dũa bằng sắt tỉ mỉ khắc một chiếc “ngạnh” để khi lươn ăn mồi, kéo dây câu lên thì miệng của lươn sẽ bị phần “ngạnh” móc chặt vào sâu trong phần thịt ở cổ họng, không thể tuột ra được.
Lưỡi câu được buộc một đoạn dây cước hoặc dây dù dài khoảng 30-40 cm rồi gắn chắc chắn vào đầu cần câu to gần bằng ngón tay út. Dây câu nên dùng loại màu trắng vì như thế khi đặt xuống nước khiến cho lươn khó bề phát hiện hơn. Mồi câu có thể là giun đất đào ở vườn hoặc lấy thịt ốc sót loại nhỏ dùng dao cắt ra từng miếng. Câu lươn ngỡ tưởng dễ như ăn cơm bữa nhưng thực ra cũng khá khó.
Muốn câu được nhiều lươn đòi hỏi người câu phải có nghệ thuật và kinh nghiệm đi câu. Người dân quê tôi gọi hang lươn ở là “mà lươn”. Loài lươn cũng rất tinh ranh trong việc lựa chọn nơi trú ngụ. Chúng thường làm “mà” trú ẩn bên các gốc cây sát dưới mép nước hoặc chọn nơi có các loại cỏ, lá che khuất tầm mắt con người. Ban ngày, lươn thường ở trốn trong “mà”, tối đến mới trườn đi kiếm ăn.
Thời điểm câu lươn tốt nhất là vào khoảng 4 - 6 giờ chiều. Vì lúc này trời đã dịu nắng và lươn cũng đã đói bụng cồn cào nên rất háu khi thấy mồi câu thả xuống. Nếu đi câu vào lúc trời vừa mưa xong hoặc lúc thời tiết quá lạnh thì tỉ lệ phần trăm bạn phải xách giỏ không đi về là rất cao.
Trước khi đặt mồi câu vào “mà”, phải quan sát thật kỹ xem “mà” có khả năng có lươn đang ở trong hay không? Nếu cứ thấy “mà” là đặt câu bừa vào đó thì đôi lúc tốn công vô ích. Trong trường hợp thấy khả nghi nhưng chưa chắc chắn, phải dùng đầu ngón tay búng búng nhẹ lên mặt nước bên cạnh “mà” lươn ở hoặc thả câu nhắp nhắp nhẹ vài lần. Nếu nước trong “mà” từ từ dâng lên thì chắc chắc trong đó có lươn. Khi ấy, phải nhẹ nhàng thả mồi câu xuống rồi dùng hai đầu của ngón tay cái và ngón tay trỏ vê vê nhẹ dây câu để “nghi binh” và “nhử” lươn cắn câu.
Không phải con lươn nào thấy mồi cũng nhanh chóng lao vào đớp. Có con tính cảnh giác rất cao. Nó có thể bắt người câu phải tốn rất nhiều thời gian mới chịu ăn mồi. Khi lươn đã ngậm mồi thì dây câu ngay lập tức sẽ bị kéo căng như dây đàn. Đây là thời điểm thích hợp nhất để người câu từ từ kéo lươn ra khỏi “mà” của chúng một cách hiệu quả. Tuy ao chuôm trong làng nhiều, nhưng vì người đi câu khá đông nên có khi nhóm câu này vừa mới cất bước rời khỏi ao, nhóm khác không biết lại đến câu.
Mỗi khi câu được lươn, dù ít hay nhiều, lũ trẻ trâu chúng tôi cũng không bao giờ bán mà chia nhau đem về nấu ăn. Trong trường hợp được dăm ba con thì “dồn” cho một thằng; bữa đi câu khác lại đến phiên mình nhận “sản phẩm”. Thịt lươn chế biến được khá nhiều món ăn ngon và bổ dưỡng. Có thể dùng để nấu cháo hoặc om với quả chuối xanh, gốc củ chuối thái nhỏ...
Lũ trẻ chúng tôi thì khoái nhất là lấy lá chuối tươi quấn chặt con lươn lại rồi dùng rơm đốt lên để nướng. Khi mùi thơm đã bốc lên thì dừng lại, dùng tay phủi nhẹ lớp than tro bám trên người lươn, gỡ từng miếng nhỏ chấm muối trắng có rắc ít hạt mì chính và ớt để ăn. Chao ơi, vị ngon và mùi thơm đặc biệt của nó không chê vào đâu được.
Bây giờ, cuộc sống của người dân quê tôi đã khấm khá hơn trước, nhiều người đã tìm thêm được nhiều nghề phụ khác cho thu nhập cao hơn làm ruộng, ao hầu như bị lấp hết để trồng cây lưu niên hoặc trồng các loại rau sạch. Lũ trẻ con trong làng giờ có nhiều trò chơi hiện đại nên không thấy đứa nào rủ nhau đi câu lươn như ngày xưa nữa. Đôi lúc, có dịp về thăm quê, đi dạo loanh quanh trong làng, bỗng kỷ niệm tuổi thơ đi câu lươn cùng lũ bạn trong ký ức tôi lại ùa về. Tươi mới và vẹn nguyên. Và thoang thoảng đâu đây quanh tôi vẫn thơm phức mùi thơm thịt lươn nướng lá chuối...
Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/dong-day-ky-niem-tuoi-tho-di-cau-luon-post435961.html