Đông Địa Trung Hải – điểm nóng địa chính trị toàn cầu kế tiếp?
Phương Tây đã thoái lui khỏi Địa Trung Hải, tạo điều kiện để Nga và Thổ Nhĩ Kỳ nhảy vào lấp chỗ trống.
Khi nhiều nhà hoạch định chính sách đối ngoại Mỹ đang tập trung vào Trung Quốc, Biển Đông, cũng cần có người lưu tâm nhiều hơn đến Thổ Nhĩ Kỳ và Đông Địa Trung Hải, nơi có thể là điểm nóng địa chính trị toàn cầu kế tiếp, buộc châu Âu và NATO phải đối mặt.
Thổ Nhĩ Kỳ là quyền lực trỗi dậy ở Đông Địa Trung Hải, hành xử theo hướng gây rạn nứt, không giấu ý định của mình trong can dự ở Libya và Syria. Với phương Tây, sự táo bạo của Thổ Nhĩ Kỳ là một thách thức phức tạp. Một mặt, Thổ Nhĩ kỳ là thành viên NATO, một liên minh cũng đang đứt gãy. Mặt khác, Nga cũng tìm cách mở rộng ảnh hưởng tại khu vực trong bối cảnh phần lớn thế giới phương Tây đều ngần ngại can dự.
Đông Địa Trung Hải chưa bao giờ là nơi yên bình kể từ năm 2011 - thời điểm chính biến Mùa Xuân Arập đã dẫn tới sự mất ngôi của Muammar el-Qaddafi ở Libya, đẩy Syria dưới quyền lãnh đạo của Tổng thống Bashar al-Assad tới cuộc nội chiến.
Lybia trở thành vương quốc vô pháp, với các nhóm vũ trang đối lập, nơi mời gọi các phần tử cực đoan Hồi giáo. Bị chấn động mạnh bởi thất bại, cũng như vụ sát hại Đại sứ Mỹ cùng ba nhân viên ngoại giao khác của Mỹ ở Benghazi, Libya, hồi năm 2012, các quốc gia NATO gần như bỏ bẵng khu vực này.
Nga, Iran và sau đó là Thổ Nhĩ Kỳ nhảy vào thế chỗ tại Syria, giúp quân của ông Assad đánh lui lực lượng đối lập. Giờ đây, Tổng thống Vladimir Putin và đồng cấp người Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan lại tìm cách xác lập kịch bản tương tự ở Libya.
Libya ngày nay được chia ra làm hai phần. Dải phía Tây, vùng phụ cận thủ đô Tripoli nằm trong tay của Chính phủ thống nhất Libya (GNA) được Liên hợp quốc công nhận, thế lực trong tháng 5 vừa qua đã gượng dậy được sau đòn phản công kéo dài hơn một năm qua từ quân đối lập, mà chủ yếu là do có sự hậu thuẫn của Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara đã cung cấp vũ khí cho GNA và phái hàng nghìn lính đánh thuê từ Syria sang Libya.
Phía đối lập là chính quyền tự phong Quân đội Quốc gia Libya (LNA) của tướng Khalifa Haftar, phái kiểm soát đông Libya. Ông Haftar được Các Tiểu vương Quốc A rập Thống nhất (UAE), Ai Cập chống lưng, cùng với đó là trợ giúp của Moskva. Chặn được đà tiến của tướng Haftar, Thổ Nhĩ Kỳ giờ đây có chỗ đứng quyết định ở Tripoli.
Hoạt động mở rộng ảnh hưởng của Ankara tại khu vực còn có nhiều vòi bạch tuộc khác. Tranh chấp chưa được xử lý giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp liên quan đến đảo Cyprus phức tạp hơn, với yêu sách chủ quyền gần đây của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào các mỏ khí đốt. Điều này dẫn đến việc Ankara vào tháng 11/2019 đạt thỏa thuận với Libya về phân định ranh giới trên biển, tạo ra vùng đặc quyền kinh tế ăn vào phần lợi ích của Hy Lạp và Cyprus.
Đảng cầm quyền của ông Erdogan cũng có liên hệ với phong trào Anh em Hồi giáo (MB) và quan trọng hơn cả là Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát tuyến đường huyết mạch người di cư tới châu Âu.
Trong khi đó châu Âu lại chia rẽ. Pháp đi đầu, nhưng là đơn đầu, không muốn lôi kéo Italy, nước cũng có những liên kết lịch sử và lợi ích kinh doanh với Libya. Lo ngại bùng nổ xuất hiện các nhóm thánh chiến ở nam Libya, Pháp lúc đầu đặt cược vào tướng Haftar.
Nhưng đó là lựa chọn sai lầm. “Ông Haftar phạm phải sai lầm nghiêm trọng khi quyết định mở cuộc tấn công vào Tripoli”, một nhà ngoại giao Pháp nhận định. Pháp không thể ngăn Haftar dừng lại, người Mỹ không muốn thử can dự còn người Nga thì giúp ông ta.
Pháp giờ đây nhận thấy mình bị cô lập khi đối đầu với Thổ Nhĩ Kỳ tại Đông Địa Trung Hải. Khi tìm kiếm sự hậu thuẫn trong một cuộc gặp của NATO bàn về vụ đối đầu trên biển giữa một tàu khu trục của Pháp với một nhóm tàu chiến của Thổ Nhĩ Kỳ ở vùng biển này hôm 10/6, Pháp chỉ nhận được sự ủng hộ của 8 nước trên tổng số 30 nước, trong đó Mỹ, Anh không đứng về phía Pháp.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump cũng không nói là Pháp sai. Washington thậm chí còn chia sẻ quan ngại của ông Emmanuel Macron về “tình thế tồi tệ” Libya - như lời của Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Robert O’Brien. “Chúng tôi không muốn Libya bị Thổ Nhĩ Kỳ hay Nga thực dân hóa”, ông O’Brien phát biểu tại Paris trong ngày Quốc khánh Pháp 14/7.
Nhưng với Washington, sự hiện diện của người Nga mới đáng lưu tâm hơn Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Trump không muốn bất hòa với ông Erdogan. Ông chủ Nhà Trắng vui vẻ để Tổng thống Macron đảm nhận vai trò can dự “tồi”. Còn với những nước bạn bè của Pháp, họ gần như chắc chắn chờ đợi đến sau ngày 3/11 – thời điểm bầu cử Tổng thống Mỹ.