Đồng đội, hai tiếng thiêng liêng

Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Cà Mau có một ngôi mộ đặc biệt, là nơi an nghỉ tập thể của 74 liệt sĩ. Thế nhưng, không người nhiều biết rằng, ngôi mộ ấy chứa đựng nhiều chiến tích bi hùng và gắn liền với tình đồng đội của người lính già Lâm Anh Lữ (Út Lữ).

Thương binh Lâm Anh Lữ đang cùng những đồng đội cũ tại nhà lưu niệm ở xã Hồ Thị Kỷ huyện Thới Bình Cà Mau (ảnh nhân vật cung cấp)

Thương binh Lâm Anh Lữ đang cùng những đồng đội cũ tại nhà lưu niệm ở xã Hồ Thị Kỷ huyện Thới Bình Cà Mau (ảnh nhân vật cung cấp)

74 đồng đội chưa biết tên

Ông Út Lữ kể, trong Tổng tấn công Mậu thân 1968, khi đó ông là cán bộ nội tuyến hoạt động mật ở Trường Dục Tài nội ô thị xã Cà Mau. Sáng mùng 1 Tết, sau nhiều trận đánh vang tiếng súng khắp nơi rồi dần im bặt, linh cảm chuyện chẳng lành nên vội ra đường thật sớm nắm tình hình.

Ông Út Lữ (bìa phải) cùng những cựu chiến binh thị xã Cà Mau bên ngôi mộ đặc biệt có 74 liệt sĩ chưa biết tên tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Cà Mau (ảnh nhân vật cung cấp)

Ông Út Lữ (bìa phải) cùng những cựu chiến binh thị xã Cà Mau bên ngôi mộ đặc biệt có 74 liệt sĩ chưa biết tên tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Cà Mau (ảnh nhân vật cung cấp)

“Đến ngã 5 (nay là Trường PTTH Hồ Thị Kỷ, phường 2 TP Cà Mau), tôi kinh hoàng rụng rời khi thấy giặc gom tập trung về chất đống hàng trăm thi thể bộ đội vừa hy sinh. Tất cả đều không quen biết, dù rất đau lòng, nhưng tôi lại không thể nán lại dò hỏi chúng sẽ đem chôn ở đâu, vì sợ giặc nghi ngờ dễ bị lộ.” – ông Út Lữ bồi hồi nhớ lại.

Sau đó, ông gửi báo cáo tình hình về Thị ủy Cà Mau, được lệnh phải điều tra chúng sẽ chôn ở đâu để sau này tìm cách đưa các anh về. Chưa kịp thực hiện, mấy hôm sau, ông được lệnh rút ra vùng giải phóng để trực tiếp chiến đấu đến tận ngày toàn thắng 30/4/1975, mang theo nỗi day dứt về thi thể những người lính hy sinh.

Ngay sau khi tiếp quản thị xã Cà Mau 1/5/1975, ông Út Lữ đã lập tức bàn bạc với ông Năm Đại (Thị đội trưởng Cà Mau lúc đó) nhanh chóng tìm kiếm quy tập những đồng đội hy sinh trận Mậu Thân mà ông chứng kiến ngày ấy.

Qua khai thác tù binh và dò hỏi người dân, được biết năm đó giặc đã thuê xe lam chở nhiều thi thể đi về hướng Cầu số 1. Sau nhiều ngày lần mò cuối cùng hai ông đã xác định, giặc đã chôn lấp tập thể những bộ đội hy sinh ngày đó tại một vị trí hoang vu nhiều ao lạng, cách đường chỉ 10m. Cùng nhiều anh em khác trực tiếp đào bới tìm kiếm, chỉ sau ít lớp đất đã lộ ra vô số hài cốt. Đếm được 70 hộp sọ, mọi người xem như đã tìm được 70 đồng đội. Cộng thêm 4 hài cốt bộ đội vừa quy tập ở nhà thương (Bệnh viện Sản Nhi ngày nay), những người lính vừa chiến thắng đã long trọng phủ cờ Tổ Quốc, làm lễ truy điệu cho 74 đồng đội liệt sĩ chưa biết tên. Theo dòng lịch sử, nơi tìm thấy mộ những đồng đội đó, đã dần trở thành Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Cà Mau ngày nay.

Dù hy sinh, cũng phải đưa đồng đội về

Ông Út Lữ kể, năm 1972, trên cương vị Tham mưu phó thị đội Cà Mau, ông được lệnh dẫn 1 đại đội chỉ hơn 30 tay súng đánh vào Căn cứ Giang thuyền của Hải quân Ngụy (nay là phường 8 TP Cà Mau). Theo kế hoạch tác chiến đã bàn với Đại đội trưởng Nguyễn Văn Nam (Ba Nam), sẽ bí mật tập kích địch lúc nửa đêm. Nhưng đến điểm tập kết chuẩn bị tiến công nhiều giờ vẫn chưa thấy người dẫn đường (là cơ sở nội tuyến) xuất hiện, đoán biết người này đã phản bội, ông và ông Ba Nam quyết định rút quân về điểm tập kết ban đầu cách đó chừng 10km.

Dù đã tính tới chuyện nội tuyến sẽ khai ra đường rút lui, nhưng mọi người cũng không thể ngờ giặc lại bố trí nhiều điểm phục kích hòng tiêu diệt hoàn toàn quân ta. Vượt qua điểm ban đầu, Ba Nam trúng đạn hy sinh, ông trực tiếp cõng liệt sĩ cùng 2 khẩu súng, chỉ huy đơn vị vừa đánh vừa rút, bằng mọi giá phải không để thi thể Ba Nam rơi vào tay giặc. Đến xã Phú Hưng huyện Cái Nước, lọt tiếp vào ổ phục kích của trung đội Cảnh sát Dã chiến Ngụy, người lính bảo vệ cũng hy sinh, ông trúng đạn gãy cánh tay, xác Ba Nam cùng 2 khẩu súng văng xa.

Thiếu tá Nguyễn Thanh Sơn (Năm Góp) nguyên chiến sĩ Biệt động thị xã Cà Mau, em ruột Đại đội trưởng Ba Nam đang kể lại cho phóng viên về trường hợp hy sinh của anh mình và người chỉ huy Út Lữ (Hoàng Nam).

Thiếu tá Nguyễn Thanh Sơn (Năm Góp) nguyên chiến sĩ Biệt động thị xã Cà Mau, em ruột Đại đội trưởng Ba Nam đang kể lại cho phóng viên về trường hợp hy sinh của anh mình và người chỉ huy Út Lữ (Hoàng Nam).

“Hôm sau tỉnh dậy mới, tôi mới biết đồng đội đã đưa tôi về, còn Ba Nam và những người khác nằm lại trận địa. Tôi dằn dặt buồn bã khi biết đồng đội bị thương rất nhiều. Nhưng đau đớn nhất là giặc treo xác Ba Nam bên bờ sông Căn cứ Giang thuyền để thị chúng. Sau khi hành hạ thể xác, giặc còn xẻo mất đôi tai người người chỉ huy anh dũng, hòng làm lung lay ý chí những người lính cách mạng” – ông Út Lữ nói.

Ông cùng đơn vị dự tính đánh vào để lấy xác Ba Nam, nhưng tương quan lực lượng quá chênh lệch, lại bị lộ địch sẽ đề phòng nên kế hoạch bãi bỏ. Sau nhiều ngày, cuối cùng chọn cách binh địch vận, cùng gia đình đưa tiền hối lộ cho bọn lính gác mới chuộc được xác Ba Nam không còn nguyên vẹn đem về. Nỗi đau đó đến giờ vẫn day dứt với ông, nên đến ngày giỗ Ba Nam (27/7 âm lịch hàng năm) ông đều nhắc lại với gia đình Ba Nam, như một vết thương lòng không quên.

Mỗi ngày đều là 27/7

Đã gần 80, nhưng ông Út Lữ vẫn luôn đau đáu về những đồng đội cũ từng hy sinh hay bị thương. Trên chiếc xe máy cà tàng, ông lại rong ruổi khắp các nơi đi thăm hỏi từng gia đình đồng đội cũ.

 Với thu nhập một nông dân sản suất giỏi, có thu nhập khá, người thương binh 3/4 Lâm Anh Lữ tự bỏ tiền túi để tổ chức đi thăm hỗ trợ thương binh, gia đình liệt sĩ... hay tổ chức họp mặt những đồng đội cũ nhân ngày 30/4 hàng năm (Hoàng Nam).

Với thu nhập một nông dân sản suất giỏi, có thu nhập khá, người thương binh 3/4 Lâm Anh Lữ tự bỏ tiền túi để tổ chức đi thăm hỗ trợ thương binh, gia đình liệt sĩ... hay tổ chức họp mặt những đồng đội cũ nhân ngày 30/4 hàng năm (Hoàng Nam).

Khi thì gói quà nhỏ, khi thì giúp ít tiền để họ trang trãi cuộc sống. Với ông, còn sống đến giờ đã là may mắn nhờ sự hy sinh của những đồng đội năm xưa.

“Nhà kỷ niệm Vùng căn cứ Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hướng Bắc thị xã Cà Mau (1961-1975)" trị giá gần 300 triệu đồng do ông Út Lữ quyên góp và vận động quyên góp. Nơi đây đang trở thành "địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ trẻ ở địa phương (ảnh nhân vật cung cấp).

“Nhà kỷ niệm Vùng căn cứ Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hướng Bắc thị xã Cà Mau (1961-1975)" trị giá gần 300 triệu đồng do ông Út Lữ quyên góp và vận động quyên góp. Nơi đây đang trở thành "địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ trẻ ở địa phương (ảnh nhân vật cung cấp).

Những năm dịch Covid – 19, ông Út Lữ bỏ ra 220 triệu đồng, rồi vận động thêm để xây dựng một công trình kỷ niệm về những hy sinh đó nhằm giáo dục thế hệ mai sau. Những lúc được phép đi lại, ông lại chạy ùa về phụ giúp, khi thì thiết kế, khi thì sưu tầm kỷ vật. Vậy mà công trình “Nhà kỷ niệm Vùng căn cứ Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hướng Bắc thị xã Cà Mau (1961-1975)" trị giá gần 300 triệu đồng cũng hoàn thành, ngay khi chưa hết lệnh giãn cách Covid-19.

Ông Lâm Anh Lữ đang trao đổi với phóng viên báo chiều 26/7/2024 (Hoàng Nam).

Ông Lâm Anh Lữ đang trao đổi với phóng viên báo chiều 26/7/2024 (Hoàng Nam).

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế và Đô thị, ông Út Lữ mong muốn rằng, sẽ còn sức khỏe để được gặp với những đồng đội còn sống, được thăm những gia đình đồng đội đã hy sinh. “Đó là vừa thỏa tâm nguyện tuổi già, vừa để có dịp giáo dục truyền thống yêu nước của con người Cà Mau với các thế hệ trẻ” – ông Út Lữ nói.

Hoàng Nam

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/dong-doi-hai-tieng-thieng-lieng.html