Đóng góp tích cực, chất lượng, hiệu quả

Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV sau 27 ngày rưỡi làm việc tập trung, dân chủ, trí tuệ, trách nhiệm đã hoàn thành khối lượng công việc vô cùng lớn, bao trùm nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, hướng đến sự phát triển bền vững của đất nước. Tại kỳ họp này, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đã tích cực tham gia sôi nổi trong các nội dung; thẳng thắn thể hiện rõ quan điểm trên cơ sở thực tiễn và nắm bắt đầy đủ tâm tư, nguyện vọng của cử tri. Những đóng góp của Đoàn được đánh giá là có chiều sâu, trọng tâm, trọng điểm được Chủ tọa kỳ họp, các ĐBQH và cử tri, nhân dân đồng tình, đánh giá cao.

Đóng góp có chiều sâu, trọng tâm, trọng điểm

Kỳ họp thứ Bảy là kỳ họp có khối lượng công việc rất lớn, nhiều nội dung quan trọng, cả về xây dựng pháp luật, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng quốc gia. Căn cứ nội dung, chương trình kỳ họp, các vị ĐBQH Đoàn Quảng Ninh đã tích cực nghiên cứu, tham gia ý kiến vào nội dung các phiên thảo luận; đã có 8/8 đại biểu đăng ký phát biểu với 35 lượt phát biểu trực tiếp tại tổ và hội trường.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các ĐQBH tỉnh Quảng Ninh tại phiên bế mạc Kỳ họp thứ Bảy. Ảnh: Trọng Quỳnh

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các ĐQBH tỉnh Quảng Ninh tại phiên bế mạc Kỳ họp thứ Bảy. Ảnh: Trọng Quỳnh

Tham gia nhiều nội dung quan trọng liên quan đến kết quả phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của nhiệm vụ hoàn thiện về hệ thống chính sách, pháp luật để thực hiện triệt để các giải pháp phát triển và ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh kinh tế khu vực, quốc tế có nhiều biến động. Cùng với đó, cần rà soát, đánh giá kỹ lưỡng các Chương trình mục tiêu quốc gia để rút kinh nghiệm và đưa ra hướng chỉ đạo, triển khai thực hiện hiệu quả trong thời gian tới…

Đại biểu Vũ Hồng Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế ngoài thực hiện phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ trì thẩm tra nhiều nội dung quan trọng trình kỳ họp, còn tham gia thảo luận hết sức tích cực; đề xuất nhiều nội dung quan trọng liên quan đến những bất cập, khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế; phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2022 và những nội dung còn ý kiến khác nhau trong một số dự thảo nghị quyết, dự thảo Luật...

Đáng chú ý, tại kỳ họp này, nhiều vấn đề thực tiễn được đúc kết, ghi nhận tại Quảng Ninh cũng đã được các ĐBQH tỉnh chuyển tải đến kỳ họp. Đơn cử như, trong phiên thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, đại biểu Đặng Xuân Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị, Chính phủ xây dựng cơ chế đặc thù, chương trình mục tiêu quốc gia riêng về xâm nhập mặn. Trong đó, việc xây dựng, đắp đê có thể tận dụng những nguồn đất đá thải mà tại Quảng Ninh, đây là nguồn vật liệu cung cấp hết sức dồi dào, hiệu quả…

Hay liên quan đến dự án Luật Địa chất và khoáng sản, từ thực tế Quảng Ninh, ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà đề nghị, cần điều chỉnh nội dung trong giấy phép khai thác khoáng sản là công suất khai thác phương án để phù hợp với điều kiện thực tế của các dự án khai thác đầu tư thống nhất, đồng bộ với thời hạn hoạt động của dự án đầu tư. Đại biểu cũng tham gia góp ý điều chỉnh nhiều quy định liên quan đến giám đốc điều hành mỏ; thời hạn hoạt động của dự án đầu tư cho khu kinh tế thực hiện tại địa bàn có điều kiện xã hội khó khăn hoặc các địa bàn khác...

Cùng cho ý kiến vào dự thảo luật này, ĐBQH Đỗ Thị Lan đã chỉ rõ một số bất cập cần phải được làm rõ và cụ thể phù hợp hơn về lập quy hoạch ngành chiến lược quốc gia về khoáng sản. Đồng thời, đề nghị dự thảo cần tập trung giải quyết được một số bất cập tại một số địa phương hiện nay. Trong đó, có tình trạng thiếu đất để đầu tư hạ tầng nhưng đất quy hoạch khoáng sản thì nhiều năm không sử dụng; chồng lấn giữa các quy hoạch...

Trách nhiệm trước những vấn đề cử tri quan tâm

Về hoạt động giám sát, các ĐBQH trong Đoàn thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trong nội dung chất vấn các thành viên Chính phủ, Tổng Kiểm toán nhà nước. Là ĐBQH đầu tiên trong Đoàn tham gia chất vấn, đại biểu Trần Thị Kim Nhung, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật đã chia sẻ mối quan tâm đối với lĩnh vực công thương thông qua nội dung tranh luận về các giải pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động thương mại điện tử; trong đó, có các giải pháp về kỹ thuật công nghệ. Nội dung tranh luận này nhận được sự tán thành rất cao từ phía "tư lệnh ngành" công thương, thông qua khẳng định: kỹ thuật công nghệ là một trong những giải pháp hết sức quan trọng. Việc triển khai cần trách nhiệm phối hợp của rất nhiều bộ, ngành; đặc biệt, cần có sự vào cuộc của cả doanh nghiệp, người dân.

Trong nội dung chất vấn thuộc lĩnh vực kiểm toán, thực trạng nhiều kiến nghị của kiểm toán Nhà nước chưa được thực hiện, kéo dài qua nhiều năm do đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh phản ánh đã được Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn tiếp thu, làm rõ nguyên nhân. Qua đó, khẳng định sẽ thực hiện quyết liệt các giải pháp nâng cao kết luận, kiến nghị kiểm toán. Đồng thời, tăng cường đôn đốc, công khai danh sách các tổ chức, cá nhân chưa thực hiện kết luận kiểm toán trên trang web của Kiểm toán Nhà nước.

Cũng liên quan đến lĩnh vực kiểm toán, ĐBQH Đỗ Thị Lan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, đã thẳng thắn chỉ rõ những mặt còn hạn chế trong công tác dự báo tình hình, thống kê tổng hợp đánh giá của cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm xây dựng báo cáo về ngân sách Nhà nước và các cơ quan đơn vị liên quan; việc sử dụng ngân sách có nơi chưa hiệu quả, nguồn lực bố trí cho nhiều nội dung không thực hiện được… Nêu bật thực trạng, đại biểu nhấn mạnh, những bất cập trong lập, thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước cần được đưa vào nghị quyết của Quốc hội về phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2022 và có giải pháp hữu hiệu để khắc phục.

TUẤN NGUYÊN

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/dong-gop-tich-cuc-chat-luong-hieu-qua-i378018/