Đóng góp vào công việc chung của CICA, thắt chặt quan hệ với Croatia và Kazakhstan
Chuyến thăm kết hợp song phương và đa phương của Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thắt chặt quan hệ của Việt Nam với Croatia và Kazakhstan, đồng thời khẳng định sự chủ động, có trách nhiệm và tích cực đóng góp của Việt Nam tại các diễn đàn đa phương khu vực và toàn cầu.
Từ ngày 9-14/10, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm song phương Croatia theo lời mời của Thủ tướng Andrej Plenkovic; tham dự Hội nghị Thượng đỉnh về Phối hợp hành động và các biện pháp xây dựng lòng tin ở châu Á (CICA) lần thứ 6, tiến hành một số hoạt động song phương tại Kazakhstan theo lời mời của Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev.
Thương mại Việt Nam-Croatia tìm đường bứt phá
Tại đất nước Croatia tươi đẹp, giàu lòng mến khách, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã hội kiến Tổng thống Zoran Milanović, hội đàm với Thủ tướng Andrej Plenković, gặp Phó Chủ tịch Quốc hội Ante Sanader, thăm Học viện Âm nhạc thuộc trường Đại học Tổng hợp Zagreb, gặp cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Hungary kiêm nhiệm Croatia.
Chuyến thăm của Phó Chủ tịch nước là dấu ấn quan trọng trong lịch sử quan hệ giữa hai nước. Đây là chuyến thăm đầu tiên của Lãnh đạo cấp cao Việt Nam tới Croatia kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao (1994), cho thấy Việt Nam coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt với Croatia. Phía Croatia nhấn mạnh luôn ủng hộ thúc đẩy quan hệ với Việt Nam trên mọi lĩnh vực và sẵn sàng làm cửa ngõ để Việt Nam tăng cường hợp tác với Liên minh châu Âu (EU).
Kim ngạch thương mại song phương tuy đã có những bước tiến triển vượt bậc nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và mong muốn của cả hai nước. Do vậy, hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư là điểm nhấn nổi bật trong các cuộc trao đổi giữa lãnh đạo hai nước.
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân chân thành cảm ơn Croatia đã sớm phê chuẩn EVIPA đồng thời đề nghị Croatia thúc đẩy các nước thành viên khác phê chuẩn Hiệp định này cũng như kiến nghị Ủy ban châu Âu dỡ bỏ thẻ vàng IUU đối với thủy sản Việt Nam.
Trên tinh thần quyết tâm khai phá mọi tiềm năng hợp tác, lãnh đạo hai nước đã nhất trí một số biện pháp nhằm tăng cường hiệu quả hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư, trong đó có việc xem xét thành lập cơ chế hợp tác liên Chính phủ, triển khai các dự án hợp tác trên những lĩnh vực nhiều tiềm năng như hàng hải, vận tải, công nghiệp nhẹ, năng lượng sạch... đồng thời phối hợp tận dụng những cơ hội mới mà Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA) mang lại, phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương đạt 200 triệu USD vào năm 2025.
Croatia là thành viên EU, ASEM, trung tâm du lịch, dịch vụ logistic ở châu Âu với các cảng biển nước sâu. Với lợi thế đó, hai bên nhất trí thúc đẩy hợp tác cảng biển để trở thành các đầu mối trung chuyển hàng hóa giữa khu vực ASEAN và châu Âu.
Các nhà lãnh đạo cũng trao đổi về việc mở rộng hợp tác trên lĩnh vực giáo dục - đào tạo, lao động, văn hóa, thể thao, du lịch, y dược trong bối cảnh Croatia chuẩn bị gia nhập khu vực đi lại tự do Schengen và khu vực đồng Euro từ 1/1/2023.
Trao đổi về tình hình quốc tế và khu vực, hai bên khẳng định tăng cường hợp tác, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế và nhất trí các vấn đề cần phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, đặc biệt là nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia.
Khẳng định uy tín trong xử lý các vấn đề quốc tế
Kết thúc tốt đẹp chuyến thăm Croatia, ngày 12/10, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã tới Kazakhstan dự Hội nghị CICA lần thứ sáu cũng như tiến hành một số hoạt động song phương.
Tại buổi tiếp Đại sứ Kairat Sarybay, Giám đốc điều hành Ban Thư ký CICA, Phó Chủ tịch nước đánh giá cao những nỗ lực của CICA vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực châu Á trong 30 năm qua; tin tưởng Hội nghị sẽ là dịp quan trọng để các nước thành viên trao đổi các biện pháp thúc đẩy lòng tin chiến lược, phối hợp xử lý các vấn đề quan tâm chung, nhất là trong bối cảnh thế giới và châu Á đang phải đối mặt với nhiều thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống.
Phó Chủ tịch nước mong muốn CICA tiếp tục đề cao các tôn chỉ, mục đích và nguyên tắc hoạt động, ủng hộ lập trường của ASEAN và Việt Nam tại Biển Đông nhằm bảo đảm hòa bình, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. Đồng thời, Phó Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp tích cực, trách nhiệm vào công việc chung của CICA.
Phát biểu tại Hội nghị CICA, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân chia sẻ nhiều quan tâm, đánh giá của các nước thành viên CICA và nêu ba nhóm đề xuất lớn.
Một là, CICA cần đề cao tinh thần hợp tác, hành động và trách nhiệm để kiến tạo môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển dựa trên tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, nhất là nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.
Thứ hai, CICA cần tích cực tham gia định hình, dẫn dắt những xu hướng chuyển đổi mạnh mẽ của một châu Á mới, bảo đảm quá trình phục hồi và phát triển nhanh, bền vững, bao trùm sau đại dịch.
Ba là, CICA cần thúc đẩy tính bổ trợ, đan xen giữa các cơ chế hợp tác, liên kết khu vực và liên khu vực nhằm hình thành một mạng lưới đa phương rộng mở, đa trung tâm, đa tầng nấc.
Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh những nỗ lực của ASEAN nhằm duy trì khu vực Đông Nam Á hòa bình, ổn định, bảo đảm tự do hàng hải và hàng không, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, thượng tôn pháp luật, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Nhân dịp này, Phó Chủ tịch nước khẳng định, với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, luôn là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam sẵn sàng tham gia vào mọi nỗ lực đối thoại, phối hợp hành động và xây dựng lòng tin trong khuôn khổ CICA vì hòa bình, hợp tác và phát triển.
Ý tưởng thành lập CICA được Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev đề xuất vào ngày 5/10/1992 tại Kỳ họp thứ 47 của Đại hội đồng Liên hợp quốc. Cho tới nay, CICA đã có 27 nước thành viên và 14 quan sát viên, đồng thời là quan sát viên của bốn tổ chức, bao gồm Liên hợp quốc, Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE), Liên đoàn Arab, Hội đồng Nghị viện các nước nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ (TURKPA).
Bên lề Hội nghị, Phó Chủ tịch nước có các cuộc trao đổi, tiếp xúc với một số Trưởng đoàn các nước như Nga, Trung Quốc, Qatar và Pakistan nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác song phương với các nước trong khuôn khổ diễn đàn đa phương.
Trao đổi với Tổng thống Nga Vladimir Putin, Phó Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam rất coi trọng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Nga, mong muốn hai nước duy trì và tăng cường hợp tác hiệu quả; tiếp tục phối hợp chặt chẽ cùng nhau tháo gỡ các vướng mắc và khó khăn trong quan hệ hợp tác kinh tế-thương mại, đầu tư song phương trên tinh thần tin cậy và thực chất.
Trao đổi với Phó Chủ tịch nước Trung Quốc Vương Kỳ Sơn, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân khẳng định, Việt Nam nhất quán coi việc củng cố và phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt-Trung là ưu tiên hàng đầu trong tổng thể đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; luôn mong muốn thúc đẩy quan hệ hai Đảng, hai nước không ngừng phát triển với tin cậy chính trị cao hơn, hợp tác thiết thực hơn, nền tảng hữu nghị vững chắc hơn.
Trong tiếp xúc với Quốc vương Qatar Tamim bin Hamad Al Thani và Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif, lãnh đạo hai nước đều bày tỏ ấn tượng với những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam thời gian qua, khẳng định mong muốn sớm được thăm Việt Nam; cho biết giữa hai nước và Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để đẩy mạnh hơn nữa hợp tác, nhất là về kinh tế, đầu tư, thương mại.
Thúc đẩy hợp tác Việt Nam-Kazakhstan
Chuyến công tác tại Kazakhstan có ý nghĩa quan trọng khi diễn ra trong năm kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Kazakhstan và sự kiện điểm nhấn chính là Phó Chủ tịch nước dự Lễ kỷ niệm ba thập kỷ quan hệ song phương và khai trương đường bay thẳng hai nước.
Trong khuôn khổ chuyến công tác, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân có các cuộc gặp gỡ với các lãnh đạo cao cấp nhất của Kazakhstan, cùng với đó là một số hoạt động như thăm cơ sở kinh tế, gặp gỡ đại diện Ban liên lạc Hội hữu nghị Kazakhstan-Việt Nam và cộng đồng người Việt Nam tại Kazakhstan…
Tại các cuộc hội kiến với Tổng thống Kassym-Jomart Tokaev và Thủ tướng Alikhan Smailov, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân khẳng định Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống với Kazakhstan, chuyến thăm lần này là cơ hội để thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương đi vào thực chất, hiệu quả.
Các nhà lãnh đạo đồng thời nhất trí phát huy hơn nữa vai trò của Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Kazakhstan về hợp tác kinh tế-thương mại và khoa học-kỹ thuật; tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý.
Hai bên nhất trí thiết lập cơ chế trao đổi trực tiếp giữa các doanh nghiệp; rà soát, cập nhật và nâng cấp các hiệp định song phương đã ký kết; sớm đàm phán, sửa đổi một số nội dung của Hiệp định thương mại tự do theo hướng tạo thuận lợi hơn cho thương mại, đầu tư; thúc đẩy hợp tác nông nghiệp.
Để thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư song phương, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đề nghị hai bên phối hợp phát huy những lợi thế tiềm năng với việc hai nước đều là cửa ngõ của khu vực ASEAN và Trung Á, tận dụng tốt hơn nữa những cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU) mà Kazakhstan là thành viên cũng như việc khai trương đường bay thẳng trong thời gian tới.
Trong cuộc hội kiến với Chủ tịch Thượng viện Maulen Ashimbaev, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân hoan nghênh sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa Quốc hội hai nước thời gian qua với việc trao đổi và tiếp xúc thường xuyên giữa lãnh đạo cấp cao Nghị viện hai nước cũng như việc thành lập Nhóm Nghị sĩ hữu nghị tại Quốc hội Việt Nam và Kazakhstan.
Hai bên nhất trí tiếp tục đẩy mạnh việc tăng cường trao đổi đoàn, trao đổi kinh nghiệm trong công tác lập pháp cũng như phối hợp giám sát, thúc đẩy triển khai hiệu quả các thỏa thuận, hiệp định song phương.
Bên cạnh đó, nhân dịp chuyến thăm lần này, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã có các cuộc gặp với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Uzbekistan Shavkat Mirziyoyev.
Trong quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những đối tác thương mại, đầu tư hàng đầu của Việt Nam tại khu vực Trung Đông. Phó Chủ tịch nước mong muốn hai bên tiếp tục phối hợp và tích cực ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương, tổ chức quốc tế; phối hợp tổ chức tốt loạt hoạt động giao lưu nhân dân, văn hóa, nghệ thuật nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước trong năm 2023 (1978 - 2023).
Trong quan hệ với Uzbekistan, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân nhấn mạnh Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống với Uzbekistan và mong muốn thúc đẩy hợp tác song phương trên mọi lĩnh vực; đề nghị hai bên tăng cường hơn nữa quan hệ chính trị tốt đẹp thông qua việc trao đổi đoàn các cấp, nhất là đoàn cấp cao cũng như tiếp tục ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế và khu vực.
***
Có thể khẳng định, với lịch trình phong phú hoạt động và tiếp xúc ở cấp cao, đa phương, song phương, hoạt động ngoại giao kinh tế, đối ngoại nhân dân…, chuyến công tác của Phó Chủ tịch nước tại Kazakhstan góp phần quan trọng thúc đẩy quan hệ hai nước, đáp ứng lợi ích và nguyện vọng của cả hai dân tộc, vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Như vậy, chuyến thăm kết hợp song phương và đa phương của Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân góp phần thắt chặt thêm quan hệ hữu nghị của Việt Nam với hai nước bạn bè truyền thống là Croatia và Kazakhstan, đồng thời một lần nữa khẳng định sự chủ động, có trách nhiệm và tích cực đóng góp của Việt Nam tại các diễn đàn đa phương khu vực và toàn cầu.