Đông Hà, nghe trăm năm hát khúc mười năm…

Cách đây ngót 30 năm, có những lần trên sóng phát thanh, bài ca 'Đông Hà, thành phố tương lai' của nhạc sĩ Hoàng Sông Hương vang lên như một niềm kiêu hãnh, tôi lại mường tượng ra rằng ngày ấy còn xa tít tắp, diệu vợi và hun hút lắm, trắc trở và gian truân lắm, nặng nhọc và dài lâu quá đỗi. Tưởng như ước vọng mãi mãi sẽ được ủ ấm trong lòng mình để trở thành nỗi hoài vọng khắc khoải về sự phục sinh, thăng tiến của đất này, hóa ra bây giờ hiện thực về một Đông Hà, đô thị loại II cũng đã gần gụi lắm rồi; đã nghe hơi thở riết róng của sự vươn dậy đâu đó ngay trong từng suy nghĩ, từng việc làm, từng chăm chút cho Đông Hà mình xứng với ước vọng cao cả hằng ấp ủ bấy nhiêu năm tháng. Xin tạ ơn ngày Quảng Trị trở lại với tên gọi chính mình; nhờ hồng phúc ấy mà Đông Hà có được vị thế chững chạc như bây giờ, để ước vọng tưởng như hút tắp đó sớm trở thành hiện thực, sống động và bền vững như chừ đây…

 Một con đường mới xây dựng hướng ra vùng ven của thành phố Đông Hà

Một con đường mới xây dựng hướng ra vùng ven của thành phố Đông Hà

Tôi có trong tay bản kí âm bài ca “Đông Hà, thành phố tương lai” của nhạc sĩ Hoàng Sông Hương với những ca từ rất gợi: “Kìa xác xe tăng, xe là cốt thép, xi măng Đông Hà gạch ngói ta xây, xây lên tầng cao, cao mãi…”. Cảm hứng bài ca chắc chắn đến với Hoàng Sông Hương khi ông đi ngang qua lô cốt nơi ngã ba dẫn lên đường 9. Những chiếc xe tăng Mỹ nằm gục đầu, nghe kích thước đất đai dưới bánh xích hoen rỉ đang hồi sinh, vạm vỡ từng ngày. Nhưng người nhắc đến Đông Hà với tên gọi là thành phố một cách trìu mến và cảm phục đầu tiên phải là nhà báo Magali Gacxia đến từ đất nước Cuba anh em khi anh tháp tùng Thủ tướng Phidel Castro thăm vùng giải phóng Quảng Trị năm 1973: “ Đông Hà hiện lên trong đêm tối như một đóa hoa rực rỡ…Trời đã tối, ánh sáng của thành phố phản chiếu xuống dòng Hiếu Giang. Thành phố nhộn nhịp mặc dù trời mưa phùn lấm tấm bất chợt từng lúc, người đi đường vẫn đứng lại trước người bán kem, trước hiệu sách hoặc trước phòng thông tin. Tất cả những cái đó làm cho thành phố có một nét vui tươi…”. Còn nhà báo Mohamet Xaidani đến từ Angiêri lại chớp lấy khoảnh khắc nhân văn rất cảm động của người Đông Hà khi vừa gầy dựng lại cuộc sống từ đống tro tàn: “Chúng tôi chậm rãi đi vào trong thành phố đổ nát. Nhưng giữa những đống vôi gạch ngổn ngang ấy, tôi sững sốt nhìn thấy một người bán kem. Cửa hàng của ông ta mới sửa chữa lại, rất đông khách. Một cử chỉ hữu nghị: Một người tách ra khỏi đám đông, tặng chúng tôi phần lớn những que kem anh vừa mua được…”.

Thực ra, đô thị Đông Hà bắt đầu được xây dựng từ đầu thế kỉ XX nhưng quá trình đô thị hóa với tốc độ phát triển nhanh và mạnh thì phải đến sau năm 1989, khi tỉnh Quảng Trị được lập lại và Đông Hà được chọn làm thị xã, nay là thành phố tỉnh lị. Cùng với sự chuyển đổi về cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển mạnh về dịch vụ, thương mại, công nghiệp; sự thay đổi nhanh chóng về cơ sở hạ tầng đô thị là sự cải thiện cơ bản trong đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, so với nhiều đô thị khác trong cả nước thì đô thị Đông Hà có thời gian phát triển chưa lâu, mặt khác lại bị chi phối khá lớn bởi các yếu tố bất lợi về tự nhiên, lịch sử, xã hội (nhất là hậu quả chiến tranh) nên trong quá trình phát triển luôn gặp những khó khăn, trở ngại và thách thức lớn. Bên cạnh những vấn đề đặt ra về quản lí kinh tế, xã hội, môi trường, dân số, đất đai, quy hoạch...thì việc tạo dựng một nền văn hóa đô thị sao cho vừa phát huy được những giá trị tinh hoa truyền thống, vừa phù hợp với điều kiện phát triển của đô thị trong hiện tại và tương lai là một trong những vấn đề đang đặt ra rất cấp thiết. Trong nhiều vấn đề về kinh tế, xã hội thì việc xây dựng môi trường văn hóa đô thị văn minh, nghĩa tình luôn được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Đông Hà hết sức quan tâm.

Để làm được điều này, thành phố tập trung đầu tư mạnh cho giáo dụcđào tạo, xây dựng khu phố văn hóa, gia đình văn hóa, chú trọng công tác an sinh xã hội. Qua một chặng đường dài nỗ lực, phấn đấu, đến nay sự nghiệp giáo dục - đào tạo của thành phố phát triển khá toàn diện, công tác xã hội hóa giáo dục được đẩy mạnh. Thành phố đã có 38/46 trường được công nhận kiểm định chất lượng giáo dục các cấp độ; 27/35 trường công lập được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Hơn 21.000 học sinh các cấp học, từ mầm non, tiểu học đến THCS được học tập trong 47 ngôi trường khang trang, đầy đủ tiện nghi trực thuộc thành phố. 10 năm qua, học sinh của thành phố Đông Hà đã đoạt trên 3.100 giải học sinh giỏi cấp tỉnh, 267 giải học sinh giỏi cấp quốc gia tại các kì thi. Công tác xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư cũng đã đạt được những kết quả nổi bật. Đến nay, thành phố có 82/83 khu phố đạt khu phố văn hóa, 19 khu phố đạt văn hóa xuất sắc cấp tỉnh; 20.580/21.640 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa, 100 gia đình được biểu dương gia đình văn hóa xuất sắc. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, thực hiện các chính sách an sinh xã hội tiếp tục được đẩy mạnh và mang lại kết quả tích cực. Các hoạt động văn hóa thông tin, thể dục thể thao, xây dựng đời sống văn hóa và nếp sống văn minh đô thị được nâng lên với hệ thống các thiết chế văn hóa, thể thao từ thành phố đến cơ sở được quan tâm đầu tư hoàn thiện. Thành phố Đông Hà đã vinh dự cùng 37 thành phố khác trên toàn thế giới lọt vào vòng chung kết cuộc thi Thành phố Xanh giai đoạn 2017-2018 do Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên tổ chức. Công tác giảm nghèo và an sinh xã hội được thường xuyên chăm lo thực hiện tốt, đời sống nhân dân được cải thiện và nâng cao, tỉ lệ hộ nghèo giảm bình quân hằng năm là 0,9%, đến cuối năm 2018, thành phố có 635 hộ nghèo, chiếm 2,76%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt 101,78 triệu đồng, tăng 3,7 lần so với cách đây 10 năm.

Từ khi Đông Hà là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Quảng Trị, cơ sở hạ tầng đô thị đang từng bước được quan tâm đầu tư phát triển đồng bộ và hoàn chỉnh. Vị trí của thành phố thuận lợi cho việc giao lưu kinh tế, văn hóa với các địa bàn trọng điểm trong khu vực và quốc tế. Đông Hà được xác định là trọng điểm kinh tế của tỉnh Quảng Trị, đang từng bước phát triển các khu công nghiệp, xây dựng trung tâm thương mại - dịch vụ lớn, hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất, dịch vụ, lưu thông của trong nước và các nước trong khối ASEAN. Trên cả 3 mặt đường bộ, đường sắt, đường thủy, Đông Hà đều nằm trên trục giao lưu và nằm trong vùng phát triển chiến lược của Hành lang kinh tế Đông- Tây. Đặc biệt trên trục đường xuyên Á - Quốc lộ 9 nối Hành lang kinh tế Đông - Tây, có 2 Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và La Lay rất thuận lợi cho các hoạt động giao thương, buôn bán trong nước và khu vực. Nếu tận dụng và phát huy những lợi thế này, Đông Hà sẽ trở thành trung tâm thương mại lớn để phân phối các luồng hàng hóa tỏa ra hai đầu đất nước.

 Hồ Nam Hào vừa được cải tạo, nâng cấp, tạo điểm nhấn về mặt cảnh quan trong lòng khu dân cư ở Phường 1, Đông Hà

Hồ Nam Hào vừa được cải tạo, nâng cấp, tạo điểm nhấn về mặt cảnh quan trong lòng khu dân cư ở Phường 1, Đông Hà

Với vị trí địa lí thuận lợi, nên dịch vụ, thương mại được xác định là thế mạnh của thành phố. Trên địa bàn đã hình thành và phát huy mạng lưới chợ và phố chợ, cùng với chợ Đông Hà đã tạo nên mạng lưới kinh doanh đa dạng, phong phú, thị trường hàng hóa luôn sôi động. Đông Hà còn là tâm điểm của các tour du lịch nội tỉnh (du lịch hoài niệm, du lịch thăm lại chiến trường xưa, du lịch DMZ, du lịch di tích lịch sử, văn hóa, du lịch sinh thái...) và du lịch lữ hành, open tour trong nước và quốc tế. Vị thế tiềm năng này đã cho phép Đông Hà phát triển nhiều hình thức dịch vụ du lịch thích hợp phục vụ tốt cho khách du lịch, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến hợp tác đầu tư tại địa bàn. Để đón đầu cơ hội hợp tác, phát triển, Đông Hà đã mở mang hệ thống siêu thị, khách sạn, trung tâm dịch vụ và tư vấn kĩ thuật, tín dụng, thông tin, công viên vui chơi giải trí… cơ bản đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư và người dân.

Từ một thị xã nhỏ nơi ngã ba đường 9, Đông Hà hôm nay đã hình thành vóc dáng của một đô thị sầm uất nơi đầu cầu xuyên Á. Nền kinh tế phát triển với nhịp độ tăng trưởng khá cao; trong giai đoạn 2010-2018, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất các ngành kinh tế tăng 11,74%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; dịch vụ được xác định là ngành kinh tế chủ đạo, giữ vai trò mũi nhọn và chiếm tỉ trọng đến 64%, công nghiệp-xây dựng chiếm tỉ trọng 35% với đa dạng các ngành nghề; nông nghiệp phát triển theo hướng sạch, an toàn, canh tác hữu cơ, từng bước hiện đại. Thu ngân sách địa phương tăng gấp 5,3 lần so với năm 2009. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 10 năm qua thực hiện 16.404 tỉ đồng. Công tác quy hoạch, quản lí đô thị có sự chuyển biến với nhiều công trình có quy mô, kiến trúc đa dạng, nhiều khu đô thị mới được mở rộng làm thay đổi bộ mặt cảnh quan đô thị, tạo diện mạo mới cho một thành phố trẻ năng động.

Trong khát vọng của người dân Đông Hà hôm nay, bữa cơm đầy đặn, cuộc sống sung túc cũng đã nhìn thấy được, chạm tới được. Riêng giấc mơ ám ảnh nhất vẫn là sự dài rộng của những quảng trường, đường phố, tuyến phố, sự khoáng đạt của những mảnh vườn, công viên, một không gian mở, nơi gửi gắm, tiếp thêm nguồn sống, thời gian sống các tác phẩm nghệ thuật công cộng mà thông qua đó, mọi người có thể tìm thấy bản sắc của mình và cộng đồng mình cùng chung sống; rồi cả không gian cộng đồng khu dân cư, không gian mua sắm, không gian thư giãn, đầu mối giao thông công cộng và không gian phát triển nữa… Tất cả những cái đó gọi là thành phần thiết kế đô thị, gương mặt đích thực của đô thị mang cảm xúc con người, vùng đất, hơi thở cuộc sống đương đại mà Đông Hà đang hướng tới. Để phấn đấu trở thành đô thị loại II đến năm 2020 và là đô thị động lực trên tuyến Hành lang kinh tế Đông- Tây, thành phố Đông Hà đang triển khai thực hiện nhiều đề án quan trọng, đặc biệt là Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đông Hà đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để hiện thực ý tưởng “thành phố bên sông” với những điểm nhấn về không gian và kiến trúc đô thị.

90 năm đã qua, từ ngày Đông Hà trở thành thị trấn và một thập niên phấn đấu với vai trò là thành phố động lực của tỉnh Quảng Trị, quỹ thời gian cho sự phát triển của một đô thị, một vùng đất là hầu như bất tận, không có điểm dừng lại. Một trăm năm trước hay mười năm, hai mươi năm và dài lâu hơn nữa của hôm nay, Đông Hà đang từng bước rời khỏi thân phận của một vùng đất “ga xép” trên dặm dài thiên lí Bắc- Nam, tự tin bước lên, đồng hành trên chuyến tàu thịnh vượng của đất nước để đi tới tương lai tươi sáng…

Đào Tâm Thanh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=77&modid=412&itemid=141279