Đông Hà quan tâm thúc đẩy nông nghiệp đô thị

Với mục tiêu phát triển nông nghiệp đô thị theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, tạo ra các vùng sản xuất hàng hóa tập trung có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ và nhu cầu của dân cư đô thị, HĐND TP.Đông Hà ban hành Nghị quyết số 03/2016/NQ-HĐND ngày 9/8/2016 về việc thông qua Đề án phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn TP.Đông Hà đến năm 2020.

 Người dân thu hoạch rau trồng theo tiêu chuẩn VietGAP ở phường Đông Thanh, TP.Đông Hà

Người dân thu hoạch rau trồng theo tiêu chuẩn VietGAP ở phường Đông Thanh, TP.Đông Hà

Để triển khai nghị quyết, UBND thành phố Đông Hà đã ban hành kế hoạch số 1626-KH/UBND ngày 4/11/2016 và kế hoạch 198-KH/UBND ngày 30/1/2018, theo đó đã phân công cụ thể nhiệm vụ cho các phòng, ban chuyên môn và UBND các phường trong việc triển khai thực hiện. Thông qua các đợt kiểm tra, giám sát để nắm tình hình, kịp thời định hướng nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn TP.Đông Hà.

Hằng năm, UBND thành phố đã chỉ đạo các phòng, ban, ngành, UBND các phường triển khai đăng kí các mô hình dự án nông nghiệp để trình UBND thành phố xem xét, thống nhất danh mục trước khi trình HĐND thành phố thông qua. Bên cạnh đó, Đảng ủy, HĐND, UBND các phường đã xây dựng các nghị quyết, kế hoạch để cụ thể hóa các nội dung của đề án; chủ động phối hợp với các phòng, ban chuyên môn trong việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; vận động các hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ sản xuất xây dựng các mô hình phù hợp với điều kiện địa phương. Sau 3 năm thực hiện nghị quyết, với việc ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, chú trọng chuyển giao tiến bộ kĩ thuật và người dân đồng tình, hưởng ứng tham gia, đã đem lại những kết quả tích cực, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp ven đô và nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích.

Vùng ven đô được coi là khu vực vừa có hoạt động đặc trưng cho nông thôn, lại vừa có hoạt động mang tính chất đô thị. Do vậy, việc phát triển nông nghiệp ven đô trên cơ sở ứng dụng công nghệ cao vào các mô hình sử dụng ít đất, ít lao động, tận dụng không gian, tạo cảnh quan đô thị là hướng đi bền vững. Đông Thanh là một phường ven đô của TP. Đông Hà có lợi thế đất đai phù hợp để gieo trồng các loại rau màu thực phẩm nhưng lâu nay chủ yếu sản xuất theo hộ gia đình, diện tích nhỏ lẻ, phân tán, hiệu quả mang lại thấp.

Năm 2017, tranh thủ nguồn lực từ các chương trình, dự án hơn 2 tỉ đồng, phường đã quy hoạch đất đai, xây dựng đường giao thông, giếng và bể nước, lắp đặt mô tơ và hệ thống ống dẫn nước tưới phun sương. Đồng thời vận động hơn 100 hộ gia đình thành lập 4 tổ hợp tác, liên kết, hỗ trợ cùng nhau trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ chọn lựa nguồn giống tốt và sản xuất theo hình thức luân canh, xen canh, gối vụ, đặc biệt tuân thủ quy trình kĩ thuật trong trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, nhất là sử dụng các loại phân bón và chế phẩm vi sinh nên sản phẩm đạt chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm, thu nhập cao hơn nhiều so với trước đây.

Mới đây, Cục Sở hữu trí tuệ đã công bố và trao các quyết định, cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cho rau an toàn Đông Hà. Bên cạnh đó, thành phố đã xây dựng thử nghiệm mô hình trồng rau trong nhà lưới, bước đầu mang lại hiệu quả cao, giá trị thu nhập đạt trên 100 triệu đồng/500m2. Mô hình đã khắc phục và hạn chế ảnh hưởng bất lợi của thời tiết, hạn chế côn trùng xâm nhập, tăng hệ số sử dụng đất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Đã xây dựng và hoàn thành mặt bằng sản xuất vùng trồng hoa chậu tập trung ở phường Đông Giang với diện tích 2,1 ha; khuyến khích các hộ trồng hoa trong nhà màng; nâng cao chất lượng các loại hoa trồng chậu…

Đối với vùng sản xuất lúa, thành phố đã ưu tiên nguồn vốn để đầu tư nâng cấp hệ thống thủy lợi, cải tạo đồng ruộng, tạo thuận lợi để các hợp tác xã đẩy mạnh thâm canh tại các vùng sản xuất lúa tập trung; hướng dẫn và hỗ trợ các hợp tác xã triển khai xây dựng 2 mô hình cánh đồng lớn bước đầu đem lại hiệu quả. Riêng mô hình cánh đồng lớn ở Hợp tác xã Phú Lễ được triển khai từ năm 2017 với diện tích 20 ha, sau 3 vụ sản xuất đem lại hiệu quả khá cao, năng suất bình quân trên 61 tạ/ha/vụ, lợi nhuận tăng từ 15 - 20%. Thành phố cũng đã tập trung chỉ đạo các hợp tác xã liên kết với doanh nghiệp để sản xuất lúa hữu cơ với diện tích gần 12 ha; chọn lọc, du nhập một số giống lúa mới, chất lượng tốt, năng suất cao, ít sâu bệnh để đưa vào sản xuất như: Thiên Ưu 8, LDA1, HN6…

Về lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, thành phố tiếp tục đầu tư và nâng cao hiệu quả các vùng nuôi tôm nước lợ. Năm 2017, sản lượng đạt trên 250 tấn, doanh thu trên 34 tỉ đồng; năm 2018, sản lượng đạt 238 tấn, doanh thu trên 35 tỉ đồng. Tiếp tục phát triển đàn gia súc, gia cầm ở cách xa khu dân cư, an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường; phát triển đàn bò, dê ở Phường 3, Phường 4; khôi phục phát triển đàn lợn gắn với xây dựng hầm biogas; duy trì và phát triển mô hình nuôi lợn theo hướng công nghiệp. Vận động cải tạo vườn tạp, xây dựng các mô hình trồng cây ăn quả, cây dược liệu mới như mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ ở Phường 3; cây ổi Đài Loan, cây chuối tiêu hồng ở phường Đông Lương; trồng cây dược liệu cà gai leo của nhóm hộ gia đình ở Phường 4; mô hình ươm giống cây lâm nghiệp ở Phường 5…

Từ những kết quả đạt được bước đầu, có thể khẳng định Nghị quyết số 03/2016/ NQ-HĐND của HĐND TP.Đông Hà được ban hành và triển khai không chỉ đáp ứng nhu cầu của người dân về lương thực, thực phẩm tươi sống và an toàn, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống dân cư khu vực ven đô mà còn đáp ứng yêu cầu cảnh quan đô thị, tăng thêm không gian xanh, từ đó góp phần quan trọng vào tiến trình xây dựng và phát triển TP.Đông Hà ngày càng văn minh, giàu đẹp.

Thu Hạ

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=141627