Đông Hà sẵn sàng ứng phó với thiên tai
Ngay từ những ngày đầu của mùa mưa bão hằng năm, để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra, thành phố Đông Hà đã sẵn sàng các phương án ứng phó chủ động, linh hoạt.
Năm 2020, cùng với nhiều địa phương trong tỉnh, thành phố Đông Hà gánh chịu hậu quả nặng nề của thiên tai, đặc biệt là 2 trận lũ lụt lớn, vượt qua đỉnh lũ lịch sử năm 1983 là 0,77 m trên diện rộng vào các ngày 6 - 8/10 và ngày 16 - 18/10. Trước diễn biến phức tạp của thiên tai, thành phố Đông Hà đã chủ động triển khai các giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả, qua đó giảm thiểu thiệt hại về tài sản của người dân và nhà nước. Nổi bật là ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo, đồng thời triển khai các phương án ứng phó tương ứng với các cấp độ báo động của lũ; lãnh đạo thành phố, các ngành chức năng trực tiếp về các địa bàn xung yếu để chỉ đạo kịp thời công tác ứng phó, đặc biệt là huy động lực lượng, phương tiện. Sau thiên tai tập trung triển khai ngay công tác thống kê thiệt hại; tổ chức động viên, hỗ trợ kịp thời các đối tượng bị ảnh hưởng và huy động các nguồn lực khắc phục hậu quả, không để việc hư hỏng các công trình hạ tầng ảnh hưởng đến sinh kế, sinh hoạt của người dân…
Năm 2021, trước tình hình thời tiết được dự báo khó lường, để chủ động phòng, chống thiên tai trong bối cảnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Đông Hà tập trung triển khai nhiều nhiệm vụ cụ thể và sát thực. UBND thành phố chỉ đạo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT & TKCN) các đơn vị, các phường rà soát, bổ sung hoàn chỉnh phương án phòng, chống thiên tai một cách chi tiết, cụ thể, sát đúng với thực tế.
Trong đó, các phường phải nghiên cứu xây dựng phương án di dời dân đảm bảo tính khả thi cao trong mọi tình huống; kiểm tra, rà soát, xác định chính xác những khu vực nguy hiểm, số hộ dân cần phải di dời trong những tình huống khẩn cấp; kiểm tra lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí để thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”; huy động lực lượng nạo vét khơi thông hệ thống thoát nước, thủy lợi, nhất là các khu vực dễ xảy ra ngập úng cục bộ; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền để người dân chủ động, tự giác gia cố nhà cửa, dự trữ lương thực và nhu yếu phẩm thiết yếu. Trên cơ sở nghiên cứu Sổ tay hướng dẫn xây dựng phương án ứng phó tương ứng với các cấp độ rủi ro thiên tai và Sổ tay hướng dẫn công tác phòng, chống thiên tai trong bối cảnh COVID-19 của Ban Chỉ đạo phòng, chống thiên tai Trung ương để thực hiện rà soát, cập nhật xây dựng phương án phù hợp, cụ thể, đặc biệt là phương án sơ tán và phòng, chống dịch trong trường hợp xảy ra bão mạnh, lũ lớn, sạt lở đất, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Với đặc điểm có nhiều khu dân cư ở ven sông và vùng thấp, trũng nên mỗi khi có thiên tai, phường Đông Lễ thường phải chịu nhiều thiệt hại. Trước mùa mưa bão năm nay, chính quyền địa phương đã rà soát, bổ sung hoàn chỉnh phương án PCTT & TKCN một cách chi tiết, cụ thể, sát với thực tế. “Phương án đã thể hiện đầy đủ và chủ động các nội dung. Trong đó, coi trọng ứng phó với thiên tai trong điều kiện COVID-19 diễn biến phức tạp, phân công trách nhiệm cụ thể cho các thành viên ban chỉ huy trực tiếp chỉ đạo từng địa bàn, đồng thời gắn vai trò, trách nhiệm của bí thư chi bộ, trưởng các đoàn thể các khu phố trong việc triển khai công tác PCTT & TKCN. Chuẩn bị các lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để di dời, sơ tán dân khi có lụt bão xảy ra và các điểm tập kết, các điều kiện đảm bảo đời sống cho người dân ở nơi tập kết. Tuyên truyền, vận động người dân thực hiện gia cố nhà cửa, chặt tỉa cây cối trong vườn, có phương án dự trữ lương thực, thực phẩm, đồng thời tuân thủ các thông báo, hướng dẫn của chính quyền trong ứng phó với bão lụt”, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Đông Lễ Lê Hiếu Hoàng cho biết. Đây cũng là các giải pháp được các phường trên địa bàn Đông Hà tập trung triển khai.
Để ứng phó hiệu quả với thiên tai, lãnh đạo thành phố Đông Hà luôn kịp thời, quyết liệt trong công tác điều hành, chỉ đạo. Đơn cử như trước những diễn biến của bão số 5 trong tháng 9/2021, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Phạm Văn Dũng đã đi kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó bão số 5 tại một số khu vực xung yếu; tình hình thu hoạch lúa vụ hè thu, vùng nuôi tôm; kiểm tra một số công trình hạ tầng và công tác ứng phó sạt lở tại một số vùng có nguy cơ sạt lở cao ở Phường 3, Phường 4, Đông Thanh và Đông Giang… Qua đó, yêu cầu các địa phương, đơn vị khẩn trương, chủ động nắm bắt thông tin, diễn biến của cơn bão, phân công cán bộ bám sát địa bàn để triển khai hiệu quả các phương án ứng phó bảo đảm an toàn về mọi mặt.
Để giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do thiên tai, một trong những giải pháp luôn được lãnh đạo thành phố đặt lên hàng đầu là yêu cầu các cấp, các ngành phải nhận thức sâu sắc phương châm “Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả”, chú trọng công tác phòng là chính, không lơ là chủ quan. Có phương án cụ thể, chi tiết về huy động lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, vật tư, thông tin liên lạc theo phương châm “4 tại chỗ” trong cả 3 giai đoạn phòng tránh, ứng phó và khắc phục.