Đông Hà tập trung khắc phục hậu quả lũ lụt

Trong những ngày này, cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp thành phố Đông Hà đang tập trung cho công tác khắc phục hậu quả của các đợt lũ lụt, khẩn trương đưa cuộc sống người dân trở lại bình thường.

 Các lực lượng chức năng thành phố Đông Hà hỗ trợ người dân vùng ngập lụt - Ảnh: HN

Các lực lượng chức năng thành phố Đông Hà hỗ trợ người dân vùng ngập lụt - Ảnh: HN

Thông tin từ UBND thành phố Đông Hà cho biết, trong đợt mưa lũ từ ngày 6 - 8/10/2020, địa phương có 4.377 hộ bị ngập lụt, trong đó có 1.676 hộ bị ngập từ 1 - 3m; diện tích lúa và rau màu bị hư hỏng 276 ha; 70 ha nuôi trồng thủy sản, 13.645 chậu hoa, 68,5 ha cây trồng lâu năm và cây ăn quả bị thiệt hại cùng nhiều gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi… Tiếp đó, đợt mưa lũ từ ngày 16 - 19/10/2020, khoảng 35% diện tích của thành phố chìm trong nước, 6.760 hộ bị ngập lụt, 2.295 hộ phải di dời, kéo theo đó là nhiều thiệt hại về cơ sở hạ tầng, tài sản của người dân. Trong đó, chỉ riêng tại chợ Đông Hà đã có khoảng 400 lô quầy bị ngập sâu, tại các vùng trồng hoa có khoảng 20.000 chậu bị hư hỏng; trạm xử lý nước thải của thành phố, đường Trần Hoàn và nhiều công trình thủy lợi, kè sông bị sạt lở; nhiều tài sản của người dân như xe máy, ô tô, tivi, tủ lạnh, máy giặt…bị hư hỏng. Thống kê sơ bộ cho thấy, 2 đợt mưa lũ đã gây thiệt hại cho thành phố khoảng 110 tỉ đồng.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đông Hà Hồ Sỹ Trung cho biết, để kịp thời khắc phục hậu quả thiên tai, giúp Nhân dân sớm ổn định cuộc sống, ngay sau các đợt lũ lụt, đặc biệt là đợt lũ lụt từ ngày 16 - 19/10, Ban Thường vụ Thành ủy đã thành lập các đoàn công tác do Bí thư, Phó Bí thư Thành ủy làm trưởng đoàn đi kiểm tra tình hình tại các địa phương, chỉ đạo quyết liệt công tác khắc phục hậu quả. “Ưu tiên hàng đầu của thành phố là chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội tập trung thống kê thiệt hại, hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nước uống và nhu yếu phẩm cần thiết cho các vùng bị ngập sâu, các hộ bị thiệt hại nặng, hộ neo đơn và ốm đau. Thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, giám sát dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm. Các trường học, trạm y tế khắc phục sửa chữa các hạng mục bị hư hỏng, bảo đảm hoạt động bình thường trở lại. Khẩn trương khắc phục các công trình hạ tầng để đảm bảo nhu cầu đi lại, sinh hoạt, sản xuất của người dân…”.

Là địa phương có nhiều khu dân cư ở ven sông và vùng thấp nên phường Đông Lương chịu rất nhiều thiệt hại do lũ lụt với 1.000 hộ bị ngập, gần 1.500 hộ phải di dời. “Ngay sau khi lũ rút, từ tình hình của địa phương và chỉ đạo của thành phố, cấp ủy đảng và chính quyền phường đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp để khắc phục hậu quả. Tập trung cho việc rà soát, thống kê mức độ thiệt hại tài sản của người dân, thiệt hại đối với các công trình hạ tầng, thăm hỏi và động viên đối với các gia đình bị thiệt hại nặng. Đồng thời hướng dẫn, hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, trước hết là vệ sinh nhà cửa, dọn dẹp rác rưởi, đất đá trên các tuyến đường giao thông và khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh”, Chủ tịch UBND phường Đông Lương Nguyễn Chơn Thử thông tin.

Bám sát chỉ đạo của Thành ủy và UBND thành phố, các ngành y tế, giáo dục và đào tạo, tài nguyên và môi trường, kinh tế, quản lý đô thị, công an, quân sự… đã triển khai đồng bộ các giải pháp để khắc phục hậu quả lũ lụt. Trong đó, đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các trường học tổ chức vệ sinh khuôn viên trường, phòng học, khắc phục những hư hỏng về trang thiết bị phục vụ dạy và học để học sinh sớm trở lại trường. Triển khai đồng bộ công tác vệ sinh môi trường, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, khống chế không để xảy ra dịch bệnh. Kiểm tra và tiến hành sửa chữa các tuyến đường giao thông, cầu cống, kênh mương nội đồng bị hư hỏng, sạt lở… Bà Hồ Thị Phương ở đường Hoàng Diệu, phường Đông Thanh chia sẻ: “Đây là đợt lũ lụt lớn nhất, gây nhiều thiệt hại nhất cho người dân trong nhiều năm nay. Ngay trong mưa lụt cũng như sau khi nước rút, các lực lượng của phường cũng như thành phố đã kịp thời đến với dân để ứng cứu, di dời người và tài sản đến nơi an toàn cũng như hỗ trợ khắc phục hậu quả. Đây là điều người dân rất cần ở chính quyền trong những thời điểm khó khăn”.

Chủ tịch UBND thành phố Đông Hà Nguyễn Tăng cho biết: “Các giải pháp trọng tâm được chính quyền địa phương tập trung triển khai để khắc phục nhanh hậu quả lũ lụt là chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tổ chức sản xuất. Trước mắt, theo dõi diễn biến thời tiết để hướng dẫn nông dân trồng lại các loại rau màu ngắn ngày, khôi phục, phát triển vùng hoa trồng chậu tập trung để phục vụ kịp thời cho nhu cầu Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021, tăng cường chăn nuôi gia súc, gia cầm. Chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc thành phố và các nhà hảo tâm tổ chức cứu trợ lương thực, nước uống, nhu yếu phẩm cho người dân đảm bảo đúng đối tượng, công khai, minh bạch theo quy định, tuyệt đối không để người dân thiếu đói, thiếu nước uống, không có chỗ ở. Đồng thời có phương án đảm bảo an toàn cho các lực lượng tham gia cứu trợ. Bên cạnh đó, tiếp tục chuẩn bị đầy đủ phương án phòng, chống bão lụt năm 2020, hướng dẫn Nhân dân dự trữ lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm cần thiết để chủ động đối phó với tình huống bị bão lụt nhiều ngày”.

Huy Nam

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=152747