Đông Hà tập trung phát triển hạ tầng đô thị

Ngày 8/8/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 813/QĐ-TTg về việc công nhận thành phố Đông Hà là đô thị loại II. Kết quả này thể hiện rõ nỗ lực vượt bậc trên các lĩnh vực của cán bộ, đảng viên và Nhân dân Đông Hà, trong đó kết cấu hạ tầng đô thị được tập trung phát triển bằng nhiều nguồn lực đầu tư.

Phát triển hạ tầng vùng vành đai

Trong phát triển hạ tầng, Đông Hà quan tâm dành nhiều nguồn lực đầu tư cho vùng vành đai thành phố. Điều này không chỉ làm thay đổi diện mạo đô thị mà còn mở rộng không gian phát triển, quy mô dân số ở các khu vực này.

Vùng vành đai Đông Hà có ranh giới phía Bắc từ cầu sông Hiếu và dọc theo đường Hoàng Diệu đến khu đô thị Bắc sông Hiếu, dọc theo Quốc lộ 1 đến cầu Đông Hà. Phía Nam dọc theo đường Tân Sở (đường cứu hộ cứu nạn phía Tây) đến trạm cấp nước Vĩnh Phước. Phía Đông dọc theo Kênh N2 từ sông Hiếu đến sông Vĩnh Phước. Phía Tây dọc đường Trần Bình Trọng đến đường Lê Thánh Tông và qua cầu Khe Mây đến cầu qua sông Hiếu giáp với đường Hoàng Diệu.

Đường Hoàng Diệu đoạn qua phường Đông Thanh, TP. Đông Hà - Ảnh: V.H

Đường Hoàng Diệu đoạn qua phường Đông Thanh, TP. Đông Hà - Ảnh: V.H

Dấu ấn đầu tư hạ tầng rõ nét nhất là khu vực ở phía Bắc sông Hiếu thuộc phường Đông Thanh, Đông Giang. Đường Hoàng Diệu thoáng đẹp, uốn lượn ven sông Hiếu cùng với nhiều nhà cao tầng kiên cố và kiến trúc đẹp, cơ sở kinh doanh, dịch vụ mọc lên ngày càng nhiều, bên cạnh đó là hệ thống đường nối các khu dân cư rồi hạ tầng điện, nước được đầu tư khá đồng bộ đã tạo tiền đề quan trọng để tiếp tục mở mang không gian, kiến trúc đô thị.

Mấy năm nay, ông Hoàng Văn Hai, một người dân ở làng hoa An Lạc, phường Đông Giang rất phấn khởi khi con đường nhỏ, đầy “ổ gà”, “ổ voi” xuyên qua làng ngày nào đã trở thành đường Thanh Niên rộng rãi, khang trang. “Người dân ở đây vui vì không chỉ phố phường đẹp hơn, hiện đại hơn mà việc đi lại, sản xuất và buôn bán cũng rất thuận lợi”, ông Hai cho biết.

Nói đến phát triển hạ tầng thúc đẩy Đông Hà mở rộng không gian, kiến trúc đô thị không thể không nhắc đến những cây cầu nối đôi bờ sông Hiếu. Từ cầu Đông Hà có từ trước, đến nay đã có thêm 4 cầu bắc qua sông Hiếu. Trong đó, điểm nhấn là cầu dây văng sông Hiếu với quy mô đầu tư lớn và thiết kế khoáng đạt, hiện đại, đặc biệt là trụ tháp cao 74 mét mô phỏng hình dáng búp sen tôn lên vẻ đẹp của con sông chảy trong lòng thành phố, tạo điểm nhấn cho không gian, kiến trúc đô thị...

Có thể kể thêm những công trình hạ tầng quy mô được đầu tư để phát triển hạ tầng vùng vành đai của thành phố Đông Hà như các tuyến đường: Phường 2 đi Đông Lễ - Đông Lương, Lê Lợi nối dài, Trần Bình Trọng, Lê Thánh Tông, Tân Sở, Trần Nguyên Hãn, Cồn Cỏ, Thạch Hãn, Nguyễn Hoàng; các khu dân cư, khu đô thị mới.

Những công trình trên được đầu tư xây dựng nhằm cụ thể định hướng lấy sông Hiếu làm trục trung tâm phát triển của Đông Hà và tạo ra điểm nhấn cơ bản về cảnh quan, hạ tầng cũng như tạo đà phát triển nhanh, bền vững của thành phố về các hướng, nhất là hướng Bắc, phía Đông.

Tăng đầu tư cho khu vực trung tâm đô thị

Theo Chủ tịch UBND thành phố Đông Hà Hồ Sỹ Trung, khu vực trung tâm của Đông Hà thời gian qua được tăng mạnh đầu tư về hạ tầng để nơi đây đảm đương ngày càng tốt hơn vai trò “đầu tàu” thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, giáo dục, y tế, khoa học công nghệ; nâng cao năng lực quản lý, điều hành của chính quyền; tăng tương tác giữa chính quyền và người dân, doanh nghiệp, tổ chức và nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính...

“Nhiều nguồn lực được trung ương, tỉnh, thành phố và doanh nghiệp, người dân huy động đầu tư cho hạ tầng, nhất là giao thông, kỹ thuật, môi trường, khu đô thị, khu dân cư đã mang lại bộ mặt mới, tầm vóc mới cho khu vực trung tâm của Đông Hà”, ông Hồ Sỹ Trung chia sẻ.

Một góc Khu đô thị Vincom Shophouse Royal Park, ở Đông Lương, TP. Đông Hà - Ảnh: V.H

Một góc Khu đô thị Vincom Shophouse Royal Park, ở Đông Lương, TP. Đông Hà - Ảnh: V.H

Có thể thấy, tại khu vực trung tâm đô thị, nhiều công trình hạ tầng giao thông quy mô đã được đầu tư tạo lập hệ thống đường giao thông liên hoàn, kết nối các khu vực nội, ngoại thành phục vụ phát triển KT - XH, mở rộng không gian phát triển đô thị như Lê Thánh Tông, Trần Bình Trọng, Trần Phú, Lê Lợi nối dài, Hoàng Thị Ái...Nhiều tuyến phố nội thị, đường bê tông ở các khu dân cư nhỏ hẹp, xuống cấp được đầu tư mở rộng, hoàn thiện vỉa hè, nâng cấp.

Cùng với đó chú trọng khắc phục bất cập, tạo thuận lợi và an toàn tại các nút giao thông trọng điểm, “điểm đen” giao thông trên địa bàn. Trong 5 năm trở lại đây đã có trên 30 nút giao thông trọng điểm, “điểm đen” giao thông được sửa chữa, nâng cấp, mở rộng mặt đường, lắp đặt biển báo, đèn tín hiện, tạo gờ giảm tốc.

Các công trình, dự án đầu tư về hạ tầng kỹ thuật được triển khai đồng bộ. Đặc biệt là hệ thống thu gom, thoát nước, hồ điều hòa, đèn chiếu sáng, đèn trang trí ở nút giao thông, tuyến đường trung tâm và cây xanh; các Công viên Fidel, Công viên Lê Duẩn và công viên mini ở các nút giao thông, khu vực công cộng được quan tâm đầu tư. Nhiều khu đô thị, khu dân cư mới và các công trình hạ tầng quy mô lớn được đầu tư như Nhà Văn hóa trung tâm thành phố, Trung tâm Chính trị thành phố, Trung tâm Hành chính thành phố, hệ thống trường học, cơ sở y tế, các thiết chế văn hóa - thể thao...

Hạ tầng khu vực trung tâm Đông Hà được nâng tầm còn có sự đồng thuận, chung tay của người dân trong xây dựng tuyến phố, cộng đồng dân cư an toàn, văn minh, đầu tư cho thiết chế văn hóa - thể thao cơ sở; của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trong tạo dựng hạ tầng phục vụ kinh doanh, dịch vụ...

“Thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục khai thác, huy động các nguồn lực để đầu tư đồng bộ, từng bước hiện đại kết cấu hạ tầng. Trong đó, ưu tiên cho hạ tầng giao thông, kỹ thuật, môi trường, phục vụ công nghiệp - thương mại - dịch vụ, các khu đô thị, khu dân cư và xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử”, ông Hồ Sỹ Trung khẳng định.

Vũ Hoàng

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/dong-ha-tap-trung-phat-trien-ha-tang-do-thi-188529.htm