Đóng hầm Thủ Thiêm 3 đêm liên tiếp
Từ 23h đến 4h các ngày từ 23 đến 25/10, các phương tiện giao thông không được qua hầm Thủ Thiêm để phục vụ việc thử nghiệm hệ thống chữa cháy tự động.
Chiều 21/10, Sở Giao thông Vận tải TPHCM thông báo về điều chỉnh tổ chức giao thông qua hầm vượt sông Sài Gòn nhằm phục vụ công tác chạy thử hệ thống phòng cháy chữa cháy tự động bên trong đường hầm.
Theo đó, từ 23h ngày 22/10 đến 4h ngày 23/10, các phương tiện bị cấm qua đường hầm theo hướng từ quận 1 đến TP Thủ Đức.
Từ 23h ngày 23/10 đến 4h ngày 24/10, cấm các loại phương tiện qua đường hầm theo hướng từ TP Thủ Đức đến quận 1.
Từ 23h ngày 24/10 đến 4h ngày 25/10, cấm xe qua đường hầm theo cả hai hướng.
Lộ trình thay thế:
Hướng từ quận 1 đến TP Thủ Đức: Võ Văn Kiệt - đường song hành Võ Văn Kiệt - Võ Văn Kiệt - Tôn Đức Thắng - cầu Thủ Thiêm 2 - Tố Hữu - Mai Chí Thọ.
Hướng từ TP Thủ Đức đến quận 1: Mai Chí Thọ - Tố Hữu - cầu Thủ Thiêm 2 - Lê Duẩn - Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Võ Văn Kiệt.
Sở GTVT yêu cầu người dân qua lại khu vực này phải chấp hành theo hướng dẫn của hệ thống biển báo giao thông trên đường hoặc theo hướng dẫn của lực lượng cảnh sát giao thông, điều tiết giao thông.
Hiện nay, ô tô được chạy qua hầm 24/24h. Xe 2-3 bánh bị cấm lưu thông từ 23h đêm trước đến 4h sáng hôm sau. Vì vậy việc cấm xe theo thông báo trên chỉ ảnh hưởng đến các loại ô tô.
Theo Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị (thuộc Sở GTVT TPHCM), hệ thống chữa cháy tự động vừa được lắp đặt có tổng kinh phí đầu tư 95 tỷ đồng, gồm nhiều thiết bị như các loại máy bơm; đường ống cấp nước, đầu phun; hệ thống cấp nguồn..., có khả năng phun sương áp lực cao, tự động phát hiện và chữa cháy khi hỏa hoạn mới bùng phát.
Thiết bị có thể phân chia khu vực sự cố thành các vùng nhỏ để tăng độ chính xác trong xử lý và tự động điều khiển các đầu phun theo kịch bản được lập trình. Hệ thống chữa cháy này được nhiều nước sử dụng ở các hầm đường bộ. Việc tự động khống chế và dập tắt lửa mới phát sinh giúp tăng khả năng kiểm soát, hạn chế cháy lan và góp phần bảo vệ kết cấu công trình.
Trước đó, công tác chữa cháy ở hầm vượt sông Sài Gòn chủ yếu là hình thức thủ công với lực lượng ứng cứu tại chỗ, trước khi đơn vị chuyên nghiệp có mặt.
Hầm vượt sông Sài Gòn có quy mô hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á, được khánh thành vào năm 2011. Công trình dài 1,49 km, rộng 33 m, cao 9 m với 6 làn xe (mỗi bên 3 làn cho ôtô và xe máy); tốc độ thiết kế 60 km/h. Hiện nay, trung bình mỗi ngày có khoảng 55.000 lượt ô tô, 300.000 lượt xe máy đi qua hầm.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/dong-ham-thu-thiem-3-dem-lien-tiep-post1480143.tpo