Đồng hành, chia sẻ trách nhiệm giữa ngân hàng và doanh nghiệp

Đó là thông điệp được đưa ra từ hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp (DN) được tổ chức ngày 22-5 vừa qua. Hội nghị do UBND tỉnh An Giang và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp tổ chức, có 70 DN tham gia, kiến nghị những khó khăn để cơ quan chức năng xem xét, tháo gỡ.

Bộ trưởng Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường (trái) tìm hiểu tình hình khó khăn trong sản xuất tại Trang trại trồng chuối cấy mô của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Nông sản Xanh Việt xã Tân Tuyến, Tri Tôn)

Kinh doanh “gặp khó”

Kể từ khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra, tất cả các ngành nghề kinh doanh trong tỉnh nói riêng, cả nước nói chung đều gặp khó, trong đó những mặt hàng chủ lực xuất khẩu của tỉnh như: lúa, gạo, cá tra, du lịch… bị thiệt hại rất lớn. Đơn cử như ngành hàng cá tra, bình quân mỗi năm, ngành hàng này xuất khẩu và mang về cho cả nước trên 2 tỷ USD, tuy nhiên, từ khi dịch bệnh xảy ra, con số này sụt giảm nghiêm trọng.

Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Nam Việt Nguyễn Duy Nhất cho biết, khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra, tất cả hoạt động sản xuất đều phải “đứng lại”. Sự việc xảy ra quá đột ngột dẫn đến DN “trở tay” không kịp, từ đó dẫn đến cá xuất khẩu không được, cá nuôi dưới ao không thể mang lên chế biến, các đơn hàng tại các thị trường không giao được. Khi dịch bệnh chưa xảy ra, bình quân mỗi tháng, Tập đoàn Nam Việt xuất khẩu đạt mức 15 triệu USD/tháng. Kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, các quốc gia nhập khẩu cá tra tập trung chống dịch, thực hiện cách ly xã hội, vì vậy lượng cá tra xuất khẩu giảm mạnh.

Điển hình trong tháng 4 và 5-2020, kim ngạch xuất khẩu mỗi tháng của Nam Việt chưa được 5 triệu USD. Khó khăn chung là vậy, song Nam Việt còn có khó khăn riêng, đó là hạn mức tín dụng mà ngân hàng dành cho DN đã hết, không vay thêm được tiền để duy trì sản xuất. Trong hoàn cảnh khó khăn như vậy, DN vẫn phải duy trì nộp bảo hiểm xã hội (BHXH) với số tiền mỗi tháng trên 7 tỷ đồng.

“BHXH hiện nay thu khi phát sinh tiền lương, chứ không phải thu khi có dòng tiền về. Tập đoàn Nam Việt hiện đang thực hiện quy trình sản xuất khép kín (từ sản xuất thức ăn, nuôi cá, chế biến xuất khẩu). Cá nuôi phải mất từ 6-8 tháng; khi đưa đi xuất khẩu, đồng tiền quay về mất ít nhất từ 1-2 tháng. Khi sản xuất thức ăn, nuôi cá, chế biến xuất khẩu, DN trả lương cho công nhân, lúc đó phát sinh tiền phải nộp cho BHXH, như vậy, trong khi đồng tiền bán cá chưa quay về tài khoản thì tiền đâu DN nộp BHXH, đây là điều chưa hợp lý mà chúng tôi kiến nghị với các cơ quan chức năng cần xem xét lại để hỗ trợ DN” - ông Nhất nêu ý kiến.

Ngoài ngành hàng cá tra, các ngành hàng khác như: du lịch, lúa, gạo, chăn nuôi, trồng trọt đều gặp khó khăn về “đầu ra”. Hơn lúc nào hết, DN rất cần sự chia sẻ của ngân hàng đối với DN trong lúc này.

Cần sự đồng hành, chia sẻ

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cho biết, ngay khi dịch bệnh xảy ra, ngành ngân hàng đã thực hiện các chính sách hỗ trợ DN như: cơ cấu lại thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, giảm lãi vay, cho vay mới… Việc này nhằm hỗ trợ cơ sở sản xuất - DN gặp khó khăn. Cụ thể tại An Giang, tổng số khách hàng được hỗ trợ là 29.463, trong đó có 390 khách hàng DN; 29.073 khách hàng cá nhân (chiếm khoảng 30% số lượng khách hàng vay). Tổng dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ, giảm lãi vay, cho vay mới là 16.458 tỷ đồng, chiếm 23,15% tổng dư nợ toàn tỉnh. Trong đó, dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ 743 tỷ đồng, với 1.542 khách hàng; dư nợ được miễn, giảm lãi vay 3.309 tỷ đồng, với 8.200 khách hàng; cho vay mới 12.405 tỷ đồng, với 19.721 khách hàng.

Báo cáo tại hội nghị, đại diện Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết, khi dịch bệnh xảy ra, ngân hàng đã thực hiện nghiêm túc chủ trương của Chính phủ, định hướng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các văn bản chính sách của Trụ sở chính Vietcombank, Ban Giám đốc Vietcombank An Giang đã chỉ đạo các phòng chức năng tại chi nhánh triển khai nhiều biện pháp nhằm hỗ trợ các khách hàng có giao dịch tại Vietcombank An Giang bị tác động do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 với 3 đợt giảm lãi suất.

Cụ thể, Vietcombank An Giang đã hỗ trợ toàn bộ danh mục các khách hàng DN và khách hàng cá nhân ở cả mục đích vay sản xuất - kinh doanh và tiêu dùng. Tổng số dư nợ được giảm lãi là 1.326,71 tỷ đồng của 1.222 khách hàng vay vốn. Tổng số tiền lãi đã giảm đến nay là 552 triệu đồng và dự kiến kết thúc chương trình là 1,76 tỷ đồng. Ngoài ra, thời gian qua, nhằm hỗ trợ nguồn vốn kinh doanh với chi phí thấp cho các khách hàng DN và cá nhân, hệ thống Vietcombank nói chung và Vietcombank An Giang nói riêng đã thực hiện chọn lọc khách hàng để cho vay với mức lãi suất ưu đãi từ 5,5-6%/năm (thấp hơn mức lãi suất thông thường 7%/năm), trong khi lãi suất huy động bình quân từ 4,8-6,8%/năm, nên các khách hàng đã hưởng lãi suất ưu đãi trước đây sẽ không được giảm lãi suất.

“Một DN khi bị đổ vỡ sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế, trong đó có DN, ngân hàng, chính quyền địa phương, bởi kinh doanh hiện nay mang tính liên hoàn, vì vậy ngành ngân hàng phải luôn đồng hành, chia sẻ có trách nhiệm với DN trong thời điểm này. Từ nay đến cuối năm, ngân hàng sẽ tiếp tục cung ứng vốn cho nền kinh tế để đảm bảo sự phát triển ổn định kinh tế vĩ mô, đây là mục tiêu rất quan trọng mà chúng tôi phải thực hiện. Duy trì lãi suất ở mức hợp lý để hỗ trợ DN, tiếp tục thực hiện ngân hàng số để tạo điều kiện thuận lợi cho DN” - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú chia sẻ.

MINH HIỂN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/dong-hanh-chia-se-trach-nhiem-giua-ngan-hang-va-doanh-nghiep-a274288.html