Đồng hành chuyển đổi số toàn diện

Đồng hành cùng chuyên môn đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng là một trong những ưu tiên hàng đầu trong hoạt động của Công đoàn Ngân hàng Việt Nam từ nay đến cuối năm 2024.

Vừa qua, tại Hội nghị Ban chấp hành Công đoàn Ngân hàng Việt Nam lần thứ ba, khóa VII, Công đoàn Ngân hàng Việt Nam đã trình bày tóm tắt Dự thảo lần 1 Đề án chuyển đổi số toàn diện hoạt động Công đoàn Ngân hàng Việt Nam, giai đoạn 2025- 2030. Tại Hội nghị, Phó thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước, Chủ tịch Công đoàn Ngân hàng Việt Nam Đào Minh Tú khẳng định: Đề án chuyển đổi số toàn diện trong hoạt động Công đoàn Ngân hàng Việt Nam là vấn đề không thể không làm trong bối cảnh chuyển đổi số là vấn đề sống còn của hoạt động ngân hàng. Tuy nhiên, cần có lộ trình và gắn kết với chuyển đổi số của ngành. Công đoàn Ngân hàng Việt Nam và các cấp Công đoàn ngành chuẩn bị sẵn sàng các tâm thế và các điều kiện, kể cả tổ chức bộ máy để sẵn sàng triển khai thí điểm.

Quang cảnh Hội nghị.

Quang cảnh Hội nghị.

Tầm nhìn đến năm 2030, Dự thảo Đề án cũng chỉ ra rằng, chuyển đổi số toàn diện hoạt động Công đoàn Ngân hàng Việt Nam, tiên phong thử nghiệm các công nghệ mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Công đoàn ngành; thay đổi cách sinh hoạt, làm việc của từng cán bộ Công đoàn, phát triển môi trường số trên toàn hệ thống. Phấn đấu đưa Công đoàn ngân hàng Việt Nam trở thành tổ chức hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả

Để chuẩn bị cho Đề án, trong thời gian tới, các cấp Công đoàn ngành Ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua các cuộc hội nghị, hội thảo, tọa đàm và các hình thức khác nhằm nâng cao hiểu biết, nhận thức của cán bộ, công chức, đoàn viên Công đoàn về chuyển đổi số; lợi ích trong việc tham gia và sử dụng các dịch vụ chuyển đổi số. Tuyên truyền chuyển đổi số gắn với cải cách hành chính và phát triển kinh tế - xã hội. Vận động, tuyên truyền, nâng cao tri thức ứng dụng công nghệ số, các dịch vụ chuyển đổi số của Công đoàn Ngân hàng Việt Nam và Công đoàn cơ sở các cấp.

Ngành Ngân hàng cho tới thời điểm hiện nay đang là đầu tàu, tiên phong trong quá trình chuyển đổi số của các nước. Công cuộc chuyển đổi số được ưu tiên hàng đầu, thể hiện sự chủ động, sáng tạo, thống nhất ý chí cho toàn ngành, giúp ngành Ngân hàng phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới, đóng góp tích cực cho sự phát triển nền kinh tế số Việt Nam.

Các cán bộ, người lao động trong ngành ngân hàng thường xuyên được trau dồi, bồi dưỡng kỹ năng số, dần hình thành một nền tảng tri thức vững chắc, đảm bảo tính thích nghi tốt khi tiếp xúc với các công nghệ hàng đầu. Đội ngũ này cũng chỉnh là đội ngũ đoàn viên Công đoàn sẵn sàng tham gia đóng góp vào công cuộc chuyển đổi số của Công đoàn ngân hàng Việt Nam.

Nhận thức chung được sự cần thiết của chuyển đổi số đối với thời kỳ mới, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nói chung và Công đoàn Ngân hàng Việt Nam nói riêng cũng đặc biệt chú trọng ưu tiên các nhiệm vụ liên quan đến chuyển đối số. Kết hợp các điều kiện quan trọng kể trên, công cuộc chuyển đổi số cho Công đoàn Ngân hàng Việt Nam sẽ có ưu thế rất lớn khi triển khai chuyển đổi số tại tổ chức và Công đoàn các cấp.

Quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhiệm kỳ qua, Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Công đoàn các cấp đã nhận thức tầm quan trọng của chuyển đổi số đối với sự phát triển của quốc gia. Tổ chức Công đoàn các cấp đã cùng các bộ, ban, ngành, đoàn thể, địa phương tuyên truyền, nâng cao nhận thức và lan tỏa tinh thần này đến các đoàn viên và toàn xã hội.

“Chương trình chuyển đổi số toàn diện trong hoạt động Công đoàn” là một trong 5 chương trình để triển khai các khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023-2028, được thể hiện trong Văn kiện Đại hội. Điều này thể hiện quyết tâm của các cấp Công đoàn và toàn thể đoàn viên đối với sự cần thiết của việc chuyển đổi số.

Dự thảo “Đề án chuyển đổi số trong hoạt động Công đoàn của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam giai đoạn 2022- 2025 tầm nhìn đến năm 2030” đã nêu ra nhiều giải pháp quan trọng, xuyên suốt như: Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức số, trách nhiệm của lãnh đạo, cán bộ Công đoàn gắn với mục tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi số của từng cơ quan, đơn vị; xây dựng và hoàn thiện các quy định về chuyển đổi số; xây dựng nền tảng số, hệ sinh thái Công đoàn số; phát triển dữ liệu số; đảm bảo an toàn, an ninh mạng; đào tạo, tập huấn đối với cán bộ Công đoàn và đoàn viên Công đoàn trong các kỹ năng về chuyển đổi, quản lý số, hình thành văn hóa số; tích hợp với các nền tảng có sẵn như zalo, fanpage, dữ liệu dân cư, bảo hiểm, y tế, lao động,…

Thế giới đang bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, các quốc gia trên thế giới đang tiến hành thúc đẩy chuyển đổi số, Việt Nam không đứng ngoài xu thế đó. Việc tiến hành tốt chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng nói chung, Công đoàn Ngân hàng Việt Nam nói riêng sẽ góp phần thúc đẩy cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ở Việt Nam, hướng tới quốc gia thông minh.

Bảo Thoa

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/dong-hanh-chuyen-doi-so-toan-dien-173051.html