Đồng hành cùng doanh nghiệp chế biến nông sản
Là tỉnh có đa số dân sống bằng nông nghiệp, chế biến nông sản là một trong những ưu tiên của Lâm Đồng để nâng cao giá trị nông sản. Và Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp đã và đang đồng hành cùng doanh nghiệp trên lĩnh vực này.
Theo đó, Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng nhà xưởng, đổi mới trang thiết bị với mục tiêu chế biến sâu, nâng cao hàm lượng chất xám trong mỗi hạt cà phê, búp chè, cây rau Lâm Đồng.
Đơn cử như Doanh nghiệp tư nhân Minh Hoàng Khôi, huyện Đạ Huoai vốn là một doanh nghiệp nhỏ chuyên chế biến mặt hàng sầu riêng múi cáp đông. Thay vì bán sầu riêng trái tươi, Minh Hoàng Khôi bóc múi sầu riêng, ép chân không sau đó cáp đông để trữ, cung cấp cho thị trường quanh năm, giảm bớt phụ thuộc vào thị trường trái tươi vốn bấp bênh. Anh Phan Văn Dược, chủ doanh nghiệp này cho biết: Là doanh nghiệp nhỏ, Minh Hoàng Khôi cũng khó khăn trong việc mua máy ép chân không, dàn cáp đông đạt công suất cao. Vì vậy, được sự hỗ trợ 60 triệu đồng không hoàn lại của nguồn vốn khuyến công, doanh nghiệp bớt khó khăn khi mua dàn máy, tăng công suất chế biến sầu riêng hàng năm.
Ngoài nguồn vốn hỗ trợ không hoàn lại, phần chủ yếu của nguồn vốn khuyến công Lâm Đồng là cho vay không lãi suất và có thu hồi. Các doanh nghiệp chế biến nông sản đứng đầu trong danh sách hỗ trợ vốn vay của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Trung tâm), từ các doanh nghiệp chế biến chè như Long Đỉnh, Doanh nghiệp chế biến rau củ Trình Nhi, Doanh nghiệp cà phê Tám Trình… đến các doanh nghiệp chế biến nông sản làm ăn cơ bản trên địa bàn tỉnh đều tiếp cận được nguồn vốn vay từ Quỹ Khuyến công. Không chỉ giúp doanh nghiệp xây dựng nhà xưởng, mua sắm thiết bị, nguồn vốn khuyến công còn giúp doanh nghiệp xây dựng nhãn hiệu, đặc biệt những nhãn hiệu gắn với thương hiệu Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành.
Ông Lê Phước Long, Giám đốc Trung tâm cho hay, năm 2018, nguồn vốn khuyến công có 7,4 tỷ đồng gồm 2,2 tỷ đồng hỗ trợ không thu hồi và 5,2 tỷ đồng hỗ trợ thu hồi. Trong đó, xấp xỉ 4 tỷ đồng cho các doanh nghiệp chế biến nông sản vay không lãi suất. Năm 2019, 7 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp thì có 5,1 tỷ đồng đưa tới tận tay các doanh nghiệp chế biến nông sản.
Thống kê từ năm 2013 trở lại đây, mỗi năm các doanh nghiệp chế biến nông sản tiếp cận từ nguồn vốn khuyến công từ 4-5 tỷ đồng không lãi suất.
Các doanh nghiệp chủ yếu thuộc các ngành nghề ưu tiên như chế biến trà, atisô, cà phê, hồng, xe tơ, chế biến rau củ quả các loại. Hầu hết nguồn vốn khuyến công Lâm Đồng, cả nguồn thu hồi và nguồn không thu hồi đều dành chủ yếu cho các doanh nghiệp chế biến nông sản.
Điều đặc biệt là từ nguồn vốn khuyến công chính là sự bảo tồn và phát triển nguồn vốn rất ổn định. Và trong khi hầu hết các địa phương trong cả nước, vốn khuyến công là hỗ trợ cho các doanh nghiệp không thu hồi, còn tại Lâm Đồng, 70% nguồn vốn khuyến công cho các doanh nghiệp vay và thu hồi vốn hàng năm, theo lộ trình trả nợ từ 3-5 năm. Khi thu hồi được vốn, Trung tâm tiếp tục cho doanh nghiệp khác vay, nguồn vốn được luân chuyển liên tục. Ông Lê Phước Long chia sẻ, dù nguồn vốn khuyến công cho vay không quá nhiều, dưới 500 triệu đồng và không quá 30% tổng mức đầu tư nhưng sự hỗ trợ của vốn khuyến công đã giúp doanh nghiệp giảm khá nhiều áp lực về lãi suất vay. Theo đúng tiêu chí khi tiếp nhận nguồn vốn khuyến công, doanh nghiệp thường cố gắng đầu tư, thay đổi công nghệ, mua sắm trang thiết bị máy móc, đầu tư nhà xưởng để mở rộng sản xuất cũng như nâng cao chất lượng nông sản. Chính vì vậy, năng suất và chất lượng sản phẩm đều tăng, doanh nghiệp tăng doanh thu và có kinh phí trả nợ. Từ năm 2013 tới nay, nguồn vốn khuyến công được doanh nghiệp trả nợ đầy đủ, đúng thời gian, không có một doanh nghiệp nào nợ xấu. Kể cả một vài doanh nghiệp nợ xấu từ giai đoạn trước cũng đang tiếp tục trả nợ. Đây là một dấu hiệu rất tốt từ nguồn kinh phí khuyến công, vừa đảm bảo tính “kích cầu” vừa bảo toàn nguồn vốn của Nhà nước. Trong thời gian tới, đưa nguồn vốn khuyến công tới tay các doanh nghiệp chế biến nông sản vẫn là ưu tiên của Lâm Đồng với mục tiêu đưa nông sản Lâm Đồng ngày càng mở rộng thị trường, mang lại thu nhập tốt cho nông dân và doanh nghiệp.