Đồng hành cùng hàng Việt

(Báo Quảng Ngãi)- Thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực để quảng bá các sản phẩm địa phương, cũng như tạo thói quen ưu tiên mua sắm, tiêu dùng hàng Việt.

Thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Tham gia Câu lạc bộ (CLB) “Phụ nữ tiểu thương” tại chợ Bờ Đắp do Hội LHPN xã Bình Châu (Bình Sơn) thành lập, bà Đặng Thị Liên, ở thôn Định Tân đã ký cam kết và tuân thủ các quy định của pháp luật trong buôn bán, kinh doanh, không buôn bán hàng giả, thực phẩm không rõ nguồn gốc, hàng kém chất lượng và tăng cường bán hàng Việt.

“Tôi buôn bán tạp hóa ở chợ Bờ Đắp đã hơn 20 năm, nhưng sau khi tham gia vào CLB “Phụ nữ tiểu thương”, tôi mới hiểu rõ, biết thêm các quy định của pháp luật trong buôn bán, kinh doanh và cách nhận biết mã vạch, nhãn mác hàng Việt. Từ đó, tôi chỉ nhập hàng, buôn bán các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Đặc biệt là ưu tiên bán, giới thiệu các sản phẩm địa phương, hàng Việt Nam chất lượng cao”, bà Liên cho biết.

Cán bộ Hội LHPN xã Bình Châu (Bình Sơn) hướng dẫn tiểu thương chợ Bờ Đắp cách nhận biết mã vạch hàng Việt. Ảnh: H.THU

Cán bộ Hội LHPN xã Bình Châu (Bình Sơn) hướng dẫn tiểu thương chợ Bờ Đắp cách nhận biết mã vạch hàng Việt. Ảnh: H.THU

Theo Chủ tịch Hội LHPN xã Bình Châu Nguyễn Thị Nguyệt, CLB “Phụ nữ tiểu thương” tại chợ Bờ Đắp được thành lập vào tháng 6/2024. Mục đích là gắn kết tiểu thương tham gia tổ chức hội và tuyên truyền, vận động chị em thực hiện các quy định của pháp luật trong buôn bán, kinh doanh. Đồng thời, kêu gọi tiểu thương tăng cường bán hàng Việt, hạn chế sử dụng túi ni lông.

Chợ Bờ Đắp có hơn 100 hộ kinh doanh, buôn bán và hiện có 20 chị em tiểu thương tham gia CLB. Các chị em tham gia CLB đều đã ký cam kết, tham gia sinh hoạt và có ý thức thực hiện đúng các quy chế của CLB. Thời gian đến, Hội LHPN xã sẽ tiếp tục vận động, kết nạp thêm chị em tiểu thương vào CLB để tạo sự đoàn kết, vững mạnh trong tổ chức hội và tích cực hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Thời gian qua, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ buôn bán và ưu tiên mua sắm, tiêu dùng hàng Việt. Trong các buổi sinh hoạt ở các chi, tổ hội, cán bộ hội luôn lồng ghép tuyên truyền về Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam trong giai đoạn mới.

Cùng với đó là, vận động, khuyến khích hội viên, phụ nữ làm chủ doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất đẩy mạnh phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, cải tiến kỹ thuật, áp dụng công nghệ mới để sản xuất sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đảm bảo chất lượng. Từ đó góp phần nâng cao vị thế của thương hiệu Việt, tăng tính cạnh tranh với các sản phẩm nước ngoài, thu hút người tiêu dùng.

Đưa hàng Việt vươn xa

Cùng với công tác tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các cấp hội phụ nữ còn tổ chức các chương trình, cuộc thi khởi nghiệp. Đồng thời, tăng cường quảng bá, trưng bày, giới thiệu các sản phẩm hàng Việt, sản phẩm OCOP của tỉnh đến với người tiêu dùng.

Từ năm 2022, chị Lý Phan Đoan Trang, ở xã Nghĩa Dõng (TP.Quảng Ngãi) chọn hướng khởi nghiệp, kinh doanh các dòng sản phẩm tẩy rửa hữu cơ an toàn cho sức khỏe mang thương hiệu ASACH. Trong quá trình sản xuất, kinh doanh, chị Trang luôn nhận được quan tâm, đồng hành của các cấp hội phụ nữ, nhất là trong việc hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến với người tiêu dùng. “Các cấp hội phụ nữ từ cơ sở đến tỉnh luôn tạo cơ hội, hỗ trợ tôi làm các gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm trong các hội chợ, chương trình, cuộc thi do các cấp hội phụ nữ tổ chức. Nhờ sự giới thiệu, hỗ trợ quảng bá của các cấp hội phụ nữ mà nhiều hội viên, chị em nội trợ biết đến sản phẩm của tôi, góp phần mở rộng thị trường, tăng doanh số bán hàng”, chị Trang chia sẻ.

Theo Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Lê Na, để góp phần tăng sức lan tỏa, hiệu quả của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã chú trọng lồng ghép nội dung cuộc vận động gắn với các phong trào thi đua và nhiệm vụ của hội. Ngoài ra, tổ chức nhiều chương trình, cuộc thi, hoạt động nhằm hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và giới thiệu các sản phẩm tiêu biểu ở địa phương đến với người tiêu dùng. Qua đó, góp phần tạo chuyển biến rõ nét trong nhận thức về trách nhiệm sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và hội viên, phụ nữ trong mua sắm, tiêu dùng các sản phẩm, hàng hóa Việt Nam.

Bài, ảnh: HIỀN THU

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/kinh-te/202409/dong-hanh-cung-hang-viet-1dc1b67/