Đồng hành cùng hộ vay tái sản xuất sau mưa lũ
Anh Nguyễn Văn Tèo ở xã Hòa Thắng (huyện Phú Hòa) đang chăm sóc 1 con nghé và 1 con bò nhỏ mà gia đình còn giữ lại được sau đợt mưa lũ vừa qua. Ảnh: LÊ HẢO
Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Phú Yên (NHCSXH Phú Yên) đang phối hợp với chính quyền địa phương, các hội đoàn thể nhận ủy thác và ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn khẩn trương lập hồ sơ đề nghị xử lý nợ rủi ro đối với những hộ vay bị thiệt hại do ảnh hưởng đợt mưa lũ cuối tháng 11, đầu tháng 12 vừa qua.
Thiệt hại nặng nề
Những ngày này, vợ chồng anh Nguyễn Văn Tèo ở thôn Phong Niên (xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa) đang cố gắng chăm sóc cho 1 con nghé và 1 con bò nhỏ mà gia đình còn giữ lại được sau đợt mưa lũ cuối tháng 11, đầu tháng 12 vừa qua. Đây là hai con nhỏ nhất trong đàn bò 10 con của gia đình.
Anh Tèo cho biết: Lâu nay, gia đình tôi đóng chuồng trại nuôi bò ở bãi soi ven sông Ba. Mọi năm, mỗi khi xả lũ, thủy điện thông báo trước 2-3 ngày, rồi loa phát thanh của xã cũng liên tục phát, yêu cầu người dân đưa bò về nhà. Riêng năm nay, thủy điện vừa thông báo xong, nước đã dâng tới gối, rồi quá ngực, chúng tôi trở tay không kịp. Trại bò của gia đình ở khu vực cao của bãi soi nhưng vẫn ngập trong nước. Lúc đó, trong chuồng còn 10 con. 4 bò cái đang mang thai và 4 bò đực to, nặng nên tôi không đưa lên ghe được. Riêng 1 con nghé và 1 con bò nhỏ thì tôi trói chân, bỏ trên ghe, lênh đênh suốt một đêm ròng.
Theo anh Tèo, trước đó, nhờ vay của NHCSXH 50 triệu đồng, cộng với mượn tiền của người thân, họ hàng, gia đình anh mới gầy được đàn bò nói trên. Chi phí sinh hoạt của cả nhà, rồi tiền nuôi con ăn học trông cả vào đàn bò này. Nhưng giờ nước lũ về, cuốn trôi đi gần hết. “Bò cũng đã mất rồi. Giờ tôi chỉ mong ngân hàng khoanh nợ cũ, đồng thời cho vay thêm để có vốn tái sản xuất. Chuồng trại có sẵn, quyết tâm không thiếu, tôi cùng gia đình sẽ từ từ gầy dựng lại”.
Trồng 1,8ha mía ở khu phố Bắc Lý, thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa, qua đợt lũ vừa rồi, gia đình ông Võ Phi Hổ ở địa phương này cũng gần như trắng tay. Ông Hổ cho biết: “Tháng 5/2021, tôi vay 50 triệu đồng từ NHCSXH để đầu tư trồng mía. Đến trước khi lũ về, mía đã lên cao tầm 1m và phát triển rất tốt, hứa hẹn cho năng suất cao. Không ngờ chỉ sau một đêm ngâm trong nước bùn, mía thối đọt, lá héo rũ, không phát triển lóng nữa. Giờ tôi chờ nhà máy vào vụ ép, sớm cho phiếu chặt mía để vớt vát được phần nào hay phần đó”. Ngoài mía, gia đình ông Hổ còn bị thiệt hại 4 sào (1000m2/sào) lúa rẫy do mưa lũ. Mong muốn của người nông dân 58 tuổi này là được ngân hàng khoanh nợ vài năm để gia đình dần khôi phục sản xuất, có tiền, sẽ trả dần.
Hỗ trợ khoanh nợ, cho vay mới
Theo NHCSXH Phú Yên, trước tình hình mưa lớn kéo dài, nhiều nơi xảy ra ngập lụt vào cuối tháng 11, đầu tháng 12 vừa qua, giám đốc chi nhánh đã chỉ đạo các trưởng phòng chuyên môn nghiệp vụ tại Hội sở tỉnh và giám đốc phòng giao dịch các huyện, thị xã phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác và tổ tiết kiệm và vay vốn tại NHCSXH nắm bắt kịp thời tình hình khách hàng bị thiệt hại do mưa lũ. Qua thống kê, toàn tỉnh có 11.029 hộ vay vốn NHCSXH bị thiệt hại về tài sản, cây trồng, vật nuôi với tổng tài sản thiệt hại ước tính gần 63 tỉ đồng. Trong đó, số vốn vay bị thiệt hại hơn 4,5 tỉ đồng/256 hộ vay. Ngoài ra còn có 2 người vay vốn bị nước lũ cuốn trôi chết với số tiền còn dư nợ là 68 triệu đồng.
“Khách hàng bị rủi ro do thiên tai là nguyên nhân khách quan, thuộc trường hợp được xử lý nợ theo quy định của NHCSXH. Theo đó, khách hàng thiệt hại về vốn và tài sản từ 40% đến dưới 80% so với tổng số vốn thực hiện dự án hoặc phương án sản xuất, kinh doanh vay vốn thì được khoanh nợ tối đa 3 năm. Khách hàng thiệt hại về vốn và tài sản từ 80% đến 100% so với tổng số vốn thực hiện dự án hoặc phương án sản xuất, kinh doanh vay vốn thì được khoanh nợ tối đa 5 năm. Căn cứ vào mức độ thiệt hại của khách hàng, NHCSXH Phú Yên khẩn trương phối hợp với chính quyền địa phương, hội đoàn thể nhận ủy thác và ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn lập hồ sơ đề nghị xử lý nợ rủi ro kịp thời”, ông Hồ Văn Thục, Giám đốc NHCSXH Phú Yên cho biết.
Theo ông Hồ Văn Thục, đợt mưa lũ vừa qua, không riêng những hộ vay vốn NHCSXH bị thiệt hại mà rất nhiều người dân trên địa bàn tỉnh cũng hư hao tài sản, hoa màu, gia súc, gia cầm bị cuốn trôi… Số lượng hộ cần vốn để tái sản xuất, ổn định đời sống rất lớn. Nhiều hộ có nguy cơ tái nghèo nếu không được hỗ trợ kịp thời. Do đó, ngoài kế hoạch vốn ban đầu, NHCSXH Phú Yên đang tiếp tục trình trung ương bổ sung nguồn vốn cho vay để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục hồi sản xuất của hộ nghèo và các đối tượng chính sách.
Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/82/268890/dong-hanh-cung-ho-vay-tai-san-xuat-sau-mua-lu.html