Đồng hành cùng học sinh trong định hướng nghề nghiệp

Đứng trước kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, việc lựa chọn ngành nghề rất quan trọng đối với học sinh lớp 12. Học sinh chọn được trường học, ngành nghề đào tạo phù hợp với bản thân, phù hợp với nhu cầu xã hội và có cơ hội việc làm tốt, thu nhập ổn định sau khi tốt nghiệp chính là chìa khóa để các em mở cánh cửa tương lai.

Trường THPT Bến Tre, thành phố Phúc Yên chú trọng công tác tư vấn hướng nghiệp giúp các em học sinh có thêm thông tin, kiến thức để lựa chọn ngành nghề, hướng đi phù hợp. Ảnh: Trà Hương

Trường THPT Bến Tre, thành phố Phúc Yên chú trọng công tác tư vấn hướng nghiệp giúp các em học sinh có thêm thông tin, kiến thức để lựa chọn ngành nghề, hướng đi phù hợp. Ảnh: Trà Hương

Bám sát nguyên tắc chọn trường, chọn nghề...

Gặp lại cô bạn thân sau nhiều năm tốt nghiệp đại học, tôi chạnh lòng khi biết do ngành học không phù hợp với nhu cầu tuyển dụng nên bạn tôi phải “cất” tấm bằng đại học để xin làm công nhân tại một doanh nghiệp trên địa bàn.

Trường hợp của bạn tôi là tình trạng chung của nhiều người khi học xong đại học, cao đẳng nhưng không tìm được công việc phù hợp, đúng chuyên môn... Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất nghiệp, “thừa thầy, thiếu thợ” và gây lãng phí thời gian, kinh tế cho mỗi cá nhân, gia đình và xã hội.

Lý do là nhiều năm trước, công tác tư vấn hướng nghiệp còn gặp khó khăn, công nghệ thông tin (CNTT) chưa phát triển, học sinh khó tiếp cận với thông tin, nhiều phụ huynh học sinh chưa có kiến thức về sự phát triển của các ngành nghề hoặc chưa quan tâm định hướng nghề nghiệp cho con…

Thực tế đó đặt ra yêu cầu, học sinh phải có kiến thức, kỹ năng để chọn trường học, ngành học phù hợp, từ đó, có nền tảng tạo lập tương lai vững chắc. Vì vậy, Sở GDĐT đã chỉ đạo các trường THPT tích cực phối hợp với phụ huynh học sinh và các trường đại học, cao đẳng, trường nghề đẩy mạnh công tác tư vấn, hướng nghiệp giúp các em hiểu rõ năng lực của bản thân, ngành, nghề mình chọn, nhu cầu xã hội, cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp...

Ngoài ra, tại mỗi trường THPT có những giải pháp riêng để nâng cao hiệu quả tư vấn hướng nghiệp như Trường THPT Vĩnh Yên hướng dẫn học sinh cài đặt ứng dụng Jobway để tham gia các bài trắc nghiệm tìm hiểu về bản thân, tìm hiểu về các ngành nghề. Trường THPT Trần Phú (Vĩnh Yên) mở chuyên mục “Tư vấn hướng nghiệp” trên website để tư vấn hướng nghiệp cho học sinh....

Nằm ở vùng bãi của huyện Yên Lạc, đầu vào tuyển sinh chưa cao, do đó, Trường THPT Yên Lạc 2 thực hiện phân luồng, tư vấn hướng nghiệp cho học sinh ngay từ lớp 10 và đặc biệt chú trọng khi các em lên lớp 12.

Thầy giáo Nguyễn Anh Tuấn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Hiện, nhà trường phối hợp với các trường: Đại học Sư phạm Hà Nội, đại học Công nghiệp Hà Nội, đại học Công nghiệp Thái Nguyên, đại học Công nghiệp Việt Trì và một số trường nghề trong và ngoài tỉnh tổ chức tư vấn hướng nghiệp cho học sinh theo 2 hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Nội dung tư vấn hướng nghiệp tập trung vào những nguyên tắc quan trọng trong chọn nghề. Theo đó, những học sinh có lực học khá, giỏi được định hướng dự tuyển vào các trường đại học, cao đẳng với ngành học được xã hội ưa chuộng và có cơ hội phát triển; gần 30% học sinh có học lực trung bình, yếu, nhà trường bám sát chỉ đạo của tỉnh, Sở GDĐT về chủ trương xây dựng đội ngũ lao động qua đào tạo, từ đó, định hướng các em chọn trường nghề để tiết kiệm thời gian, chi phí học tập và có cơ hội việc làm lâu dài tại các doanh nghiệp”.

Các trường cao đẳng nghề trên địa bàn cũng tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả tuyển sinh. Để hoàn thành kế hoạch tuyển sinh năm học 2022-2023, Trường cao đẳng Nghề Vĩnh Phúc huy động cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia tư vấn tuyển sinh trực tiếp đến các địa phương, các cơ sở giáo dục phổ thông để tư vấn hướng nghiệp; tăng cường tuyên truyền về các ngành, nghề qua website của nhà trường, qua mạng xã hội, báo, đài...

Đặc biệt, nhà trường xây dựng App tuyển sinh cung cấp đầy đủ thông tin về các ngành, nghề đào tạo để học sinh hiểu và đăng ký dự tuyển trực tuyến. Nhà trường cũng nâng cao chất lượng đào tạo, đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp theo định hướng gắn “Tuyển sinh là tuyển dụng”, gắn đào tạo với giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên.

... Để có lựa chọn đúng đắn, phù hợp

Về phía phụ huynh học sinh cũng ngày càng quan tâm đến việc định hướng nghề nghiệp cho con. Có con gái học lớp 12, anh Trần Văn Sơn, xã Liên Châu, huyện Yên Lạc chia sẻ: “Từ thông tin nhà trường cung cấp và kiến thức của bản thân, tôi định hướng cho con chọn trường, chọn ngành học theo năng lực, thế mạnh, sở thích của con.

Tôi cũng trao đổi với con thông tin về các trường đại học, cao đẳng và nhu cầu việc làm của thị trường. Với thế mạnh của con là các môn tự nhiên và ngoại ngữ nên sau tốt nghiệp THPT, vợ chồng tôi thống nhất cho con theo học chuyên ngành quản trị nhân lực để sau này xin vào làm việc tại doanh nghiệp nước ngoài trên địa bàn tỉnh”.

Từ sự tư vấn, định hướng của nhà trường, gia đình và sự tìm hiểu, nghiên cứu, học sinh nắm rõ nguyên tắc chọn nghề là phải phù hợp với trình độ, khả năng của bản thân, điều kiện kinh tế và nguyện vọng của gia đình, nhu cầu về ngành, nghề xã hội cần và cơ hội việc làm sau khi ra trường.

Chia sẻ về định hướng chọn học nghề sau tốt nghiệp THPT, em Nguyễn Tuấn Minh, lớp 12A2, Trường THPT Yên Lạc 2 cho biết: “Em dự định xét tuyển hệ cao đẳng, Trường đại học FPT bởi xét tuyển học bạ với điểm xét tuyển không quá cao, phù hợp với lực học, sở thích của em và được gia đình ủng hộ, Hơn nữa, em nhận thấy hiện nay các ngành, nghề về công nghệ thông tin rất "hót" nên sau khi tốt nghiệp, em sẽ có cơ hội được làm công nhân kỹ thuật công nghệ thông tin trong cơ quan, doanh nghiệp của tỉnh”.

Thế mạnh là ngoại ngữ, đạt 8.0 thi IELTS, Nguyễn Ngọc Minh, học sinh lớp 12, Trường THPT Trần Phú, thành phố Vĩnh Yên chọn thi Trường đại học Ngoại ngữ Hà Nội.

Minh chia sẻ: “Em nhận thấy tiếng Anh là một trong những yếu tố tiên quyết để phát triển và hội nhập; đồng thời, Vĩnh Phúc đang phát triển mạnh các khu công nghiệp với nhiều doanh nghiệp nước ngoài nên em sẽ có nhiều cơ hội tìm việc làm như ý cũng như đóng góp cho quê hương”.

Thực tế cho thấy, khi học sinh lựa chọn nghề phù hợp với bản thân, với nhu cầu xã hội, thì cơ hội việc làm tốt nhất sau tốt nghiệp sẽ rất rộng mở. Từ đó, đóng góp nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động; góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa quê hương, đất nước.

Minh Hường

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/giao-duc/75993/dong-hanh-cung-hoc-sinh-trong-dinh-huong-nghe-nghiep.html