Đồng hành cùng hội viên CCB phát triển kinh tế
Những năm qua, Hội CCB huyện Mường La đã luôn đồng hành cùng hội viên khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế, từng bước nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo.
Hội CCB huyện Mường La có 3.132 hội viên, sinh hoạt tại 161 chi hội. Hiện nay, các cấp hội trong huyện đã nhận ủy thác với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hơn 115 tỷ đồng, cho 3.662 lượt hộ hội viên vay đầu tư phát triển sản xuất. Đồng thời, huy động hội viên tự nguyện đóng góp xây dựng quỹ hội được trên 1 tỷ đồng cho hội viên vay với lãi suất thấp. Hàng năm, Hội còn phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi cho hội viên.
Ông Đặng Huy Toàn, Chủ tịch Hội CCB huyện Mường La, cho biết: Hội hiện có trên 60 mô hình trang trại, mô hình VAC, HTX nông nghiệp, doanh nghiệp do các hội viên CCB làm chủ; trong đó chủ yếu là mô hình kinh doanh dịch vụ, trang trại nuôi cá lồng, gia súc, trồng cây ăn quả trên đất dốc... với mức thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Điển hình là trang trại nuôi cá lồng của hội viên Cầm Văn Sâm, bản Lả Mường, xã Mường Trai; kinh doanh vật liệu nhôm kính của hội viên Vũ Đức Hạnh, tiểu khu I, thị trấn Ít Ong; kinh doanh dịch vụ, gia trại của hội viên Tòng Văn Sơn, bản Ngoạng, xã Mường Bú; nuôi bò, trồng cây ăn quả của hội viên Lò Văn Án, bản Mường Chiến I, xã Ngọc Chiến...
Cựu chiến binh Ly A Khua, bản Phiêng Phả, xã Chiềng Lao, chia sẻ: Năm 2017, với số tiền 50 triệu đồng vay của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, gia đình tôi đầu tư nuôi giống lợn bản và chăn nuôi bò, với nguồn thức ăn có sẵn như cây chuối, ngô, sắn, cỏ voi. Năm vừa qua, gia đình đã xuất bán 40 con lợn thịt, lợn giống và 5 con bò, thu 150 triệu đồng. Đồng thời, nuôi 15 con dê, dự kiến đến tháng 9 này sẽ xuất bán. Ngoài ra, còn trồng 5 ha cây xoài, mận, đào, cam, chanh, chuối, hiện nay một số cây đã bắt đầu cho thu hoạch.
Gia đình CCB Lò Văn Bun, tiểu khu Nang Câu, thị trấn Ít Ong đã đầu tư 200 triệu đồng mua trứng ốc nhồi và dẫn nguồn nước sạch từ đầu nguồn về để ương nuôi ốc trên diện tích 3.000 m². Thức ăn cho ốc chủ yếu là lá rau bí, đu đủ, lá khoai, quả bí. Do được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên ốc phát triển tốt, không bị dịch bệnh. Năm qua, gia đình xuất bán 6 tấn ốc thịt, với giá 80.000 đồng/kg, thu gần 500 triệu đồng. Đầu năm nay, gia đình bán 60 kg ốc giống, với giá 2 triệu đồng/kg, thu 120 triệu đồng. Thị trường chủ yếu là nhà hàng ở các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Thanh Hóa. Dự kiến từ nay đến cuối năm, gia đình ông Bun sẽ xuất bán khoảng 10 tấn ốc thịt và 1 tạ ốc giống.
Với sự đồng hành tích cực của tổ chức hội, tỷ lệ gia đình hội viên CCB nghèo trên địa bàn huyện Mường La đã giảm từ hơn 30% năm 2017, xuống còn 9,9%; có 36 gia đình hội viên CCB đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh và 76 gia đình hội viên đạt cấp huyện.