Đồng hành cùng khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19

PTĐT - Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế nói chung, ngành Ngân hàng nói riêng. Trong bối cảnh ấy, ngay sau Tết Nguyên đán Canh Tý, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã dịch chuyển kế hoạch kinh doanh để thích ứng với tình hình mới.

Ngành ngân hàng đảm bảo cân đối nguồn vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn về vốn cho khách hàng trong mùa dịch COVID-19.

Ngành ngân hàng đảm bảo cân đối nguồn vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn về vốn cho khách hàng trong mùa dịch COVID-19.

PTĐT - Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế nói chung, ngành Ngân hàng nói riêng. Trong bối cảnh ấy, ngay sau Tết Nguyên đán Canh Tý, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã dịch chuyển kế hoạch kinh doanh để thích ứng với tình hình mới. Mặc dù chưa có thống kê cụ thể, song trước diễn biến của tình hình dịch bệnh COVID-19, các ngân hàng khó tránh khỏi những ảnh hưởng khi hoạt động sản xuất - kinh doanh, xuất khẩu của các doanh nghiệp, hộ sản xuất bị ngừng trệ bởi sự tác động của dịch bệnh.
Thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh đã yêu cầu các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn triển khai giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Theo đó, các ngân hàng cân đối nguồn vốn để đáp ứng đầy đủ nhu cầu sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, rà soát, nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, mức độ thiệt hại của khách hàng đang vay vốn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhất là những ngành, lĩnh vực có thể bị ảnh hưởng nhiều như: Du lịch, nông nghiệp, xuất khẩu… để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay… theo quy định của pháp luật.Hiện nay, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã và đang chủ động thực hiện chủ trương hỗ trợ khách hàng dưới nhiều hình thức. Một số tổ chức tín dụng đã công bố giảm lãi suất hoặc có các gói hỗ trợ tín dụng, cũng như tư vấn, hướng dẫn khách hàng trong quá trình xử lý các đề nghị tháo gỡ khó khăn về hoạt động vay vốn. BIDV Chi nhánh Phú Thọ là một trong những đơn vị sớm triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng. Ngân hàng đã chỉ đạo các Phòng giao dịch trực thuộc Chi nhánh trên toàn hệ thống triển khai gói tín dụng 5.000 tỷ đồng hỗ trợ khách hàng cá nhân, thời gian từ nay đến hết tháng 4/2020 hoặc đến khi gói tín dụng đạt quy mô. Đối tượng là khách hàng cá nhân đang có dư nợ vay phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh tại BIDV trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Cụ thể về lĩnh vực nông nghiệp, tập trung vào các sản phẩm nông sản như: Thanh long, dưa hấu, mít, chuối và các mặt hàng thủy hải sản; về du lịch bao gồm lĩnh vực phụ trợ như nhà hàng, khách sạn và các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu với thị trường Trung Quốc. Về phía khách hàng chỉ cần cung cấp các chứng từ chứng minh có hoạt động bị ảnh hưởng liên quan tới thị trường Trung Quốc như hợp đồng kinh tế, đơn đặt hàng hoặc các chứng từ hợp lệ khác, chi nhánh sẽ đối chiếu, kiểm tra nếu đảm bảo phù hợp các quy định của pháp luật, của ngành và của BIDV, căn cứ vào đó, ngân hàng sẽ lập danh sách, cân đối mức giảm lãi suất phù hợp để hỗ trợ khách hàng.Đối với Agribank Phú Thọ, đơn vị yêu cầu các chi nhánh loại II tập trung rà soát mức độ thiệt hại, khả năng trả nợ của người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch. Trên cơ sở đánh giá mức độ thiệt hại của khách hàng bị ảnh hưởng các chi nhánh có những biện pháp hỗ trợ phù hợp. Có thể cơ cấu lại thời hạn trả nợ trong trường hợp khách hàng chưa có nguồn thu để trả nợ khi nợ đến hạn; giảm lãi suất tiền vay, thu nợ gốc trước, thu lãi sau; chuyển đổi đối tượng đầu tư vay vốn; cho vay mới theo quy định hiện hành.Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh cũng đã triển khai trong toàn hệ thống chủ trương đảm bảo an toàn hoạt động trong mùa dịch ngay từ sau Tết Nguyên đán Canh Tý. Theo đó, đơn vị đã tập trung chỉ đạo các ngân hàng chính sách huyện phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể hoàn thiện hồ sơ giải ngân đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đồng thời chủ động nắm tình hình, hướng dẫn khách hàng bị ảnh hưởng của dịch COVID, đủ điều kiện xử lý rủi ro lập hồ sơ và đề nghị xử lý nợ theo quy định; tùy từng trường hợp sẽ xem xét, quyết định gia hạn nợ, hoặc khoanh nợ, xóa nợ cho phù hợp...Ông Phạm Trường Giang-Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh trao đổi: Dịch COVID-19 làm ảnh hưởng đến khách hàng đồng nghĩa là ảnh hưởng đến ngành ngân hàng bởi nhu cầu tín dụng của các doanh nghiệp, hộ gia đình giảm. Khi các doanh nghiệp, hộ gia đình chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh, dẫn đến hoạt động sản xuất - kinh doanh gặp khó khăn, sẽ tiềm ẩn nợ xấu tăng. Do đó, nhiệm vụ của các tổ chức tín dụng trong lúc này là phân tích, đánh giá, dự báo những thiệt hại, khó khăn của doanh nghiệp, hộ sản xuất, khách hàng vay vốn, nhất là những lĩnh vực, ngành nghề chịu thiệt hại trực tiếp của dịch bệnh để có những giải pháp hỗ trợ, giải quyết kịp thời nhằm giúp người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn bởi dịch COVID-19.

Phương Thảo

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/202003/dong-hanh-cung-khach-hangbi-anh-huong-boi-dich-covid-19-169546