Đồng hành cùng nông dân thời kỳ hội nhập
Trò chuyện với chúng tôi, anh Công Xuân Ngọc, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, không giấu niềm vui: Giá trị xuất khẩu của tỉnh năm 2020 dự kiến đạt 112 triệu USD, trong đó 92,8% là nông sản. Trong kết quả chung đó, có sự góp sức của những cán bộ khuyến nông luôn đồng hành cùng nông dân phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, gắn với bảo vệ môi trường, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
Rót chén nước chè mời khách, anh Công Xuân Ngọc tiếp tục câu chuyện về nghề, về những cán bộ khuyến nông luôn bám sát cơ sở để hướng dẫn nông dân phát triển sản xuất trong thời kỳ đổi mới, hội nhập. Với nhiệm vụ tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuyển giao khoa học kỹ thuật lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp cho nông dân trong tỉnh, Trung tâm Khuyến nông tỉnh hiện có 17 cán bộ viên chức, 100% có trình độ cao đẳng và đại học; cùng hệ thống khuyến nông viên cấp huyện, cấp xã. Tuy lực lượng mỏng, hoạt động chủ yếu ở các xã, bản vùng sâu, vùng xa, nhưng mỗi cán bộ khuyến nông luôn vượt lên những khó khăn, lo cùng nỗi lo khi thời tiết bất lợi, cùng chung niềm vui khi nông sản được mùa, được giá.
Để hàng hóa nông sản đáp ứng nhu cầu thị trường và xuất khẩu, Trung tâm đã bám sát các chủ trương phát triển nông nghiệp của tỉnh để xây dựng kế hoạch hoạt động. Trong đó, tập trung triển khai các mô hình khuyến nông sản xuất theo quy trình VietGAP, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu; khuyến khích liên kết giữa doanh nghiệp với các hợp tác xã, tổ hợp tác trong chuỗi sản xuất từ đầu vào đến đầu ra của sản phẩm. Năm 2020, Trung tâm đã triển khai 16 mô hình khuyến nông về các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi. Điều mừng là, tất cả các mô hình triển khai đều đạt được mục đích đề ra, đó là, giúp nông dân sản xuất theo hướng bền vững; ứng dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật trong sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hướng tới phục vụ xuất khẩu; xây dựng thương hiệu sản phẩm, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho người sản xuất. Trong đó, phải kể đến mô hình ghép cải tạo nhãn chín sớm, nhằm rải vụ phục vụ thị trường và xuất khẩu, triển khai tại bản Hát Sét, xã Chiềng Cang (Sông Mã), quy mô 1,5 ha. Qua mô hình, giúp người trồng nhãn huyện Sông Mã nói chung, người dân xã Chiềng Cang nói riêng áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để tạo sản phẩm quả nhãn an toàn chất lượng cao, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người sản xuất và người tiêu dùng, cũng như góp phần đa dạng hóa các mặt hàng sản phẩm cây ăn quả thế mạnh của tỉnh phục vụ nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
Cùng anh Nguyễn Đức Toàn, khuyến nông viên xã Chiềng Mung (Mai Sơn), đi thăm mô hình “Thâm canh xoài theo tiêu chuẩn VietGAP” thuộc Dự án khuyến nông Trung ương ở bản Nà Hạ 2, xã Chiềng Mung, anh tâm sự: Chúng tôi thường tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất thông qua các cuộc họp bản, tiểu khu hoặc đến trực tiếp các hộ gia đình để hướng dẫn theo cách “cầm tay chỉ việc”. Đã hơn 20 năm gắn bó với công tác khuyến nông, dù tiền thù lao không nhiều, nhưng tôi luôn gắn bó với công việc, với mong muốn góp công sức nhỏ phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, mang lại thu nhập ổn định cho người dân.
Không thể kể hết được những công việc của các cán bộ khuyến nông trong việc giúp nông dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp bền vững, nào lựa chọn giống mới; thâm canh, xen canh tăng vụ; bảo quản sản phẩm sau thu hoạch; kỹ thuật; phương pháp ghép cải tạo trên các loại cây ăn quả; nào cải tạo đàn bò địa phương; nuôi lợn sinh sản hướng nạc có sử dụng đệm lót sinh học; phòng trừ và kiểm soát dịch bệnh cho đàn vật nuôi; chăn nuôi gia cầm... rồi kỹ thuật trồng cây ăn quả, nuôi cá lồng, cá ao, cá hồ theo hướng VietGAP... Cùng với đó, xây dựng nhiều mô hình trình diễn kỹ thuật theo hướng phát triển tập trung thành vùng sản xuất chuyên canh, tạo sản phẩm hàng hóa có sức cạnh tranh với sản phẩm cùng loại trên thị trường. Những kỹ thuật này, từng bước được người dân áp dụng vào thực tế sản xuất, đã góp phần hình thành vùng sản xuất thanh long xuất khẩu ở huyện Mai Sơn, Thuận Châu; nhãn ở Sông Mã; Na ở Mai Sơn... Đồng thời, chuẩn bị cung cấp nguyên liệu cho Nhà máy chế biến hoa quả và dược liệu Vân Hồ và Trung tâm Chế biến rau, quả DOVECO Sơn La. Năm 2020, mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhưng toàn tỉnh đã xuất khẩu trên 25.000 tấn cà phê; gần 8.000 tấn chè; hơn 7.400 tấn nhãn; trên 7.800 tấn xoài; 264 tấn mận hậu; 3.050 tấn chuối... Với giá trị xuất khẩu trên 103 triệu USD. Nhiều hộ nông dân có thu nhập hàng tỷ đồng từ trồng cây ăn quả chất lượng cao, như hộ các ông: Lê Danh Phúc, bản C5, xã Chiềng Khoong; Lê Văn Nhiệm, bản Búa, xã Chiềng Khương (Sông Mã); Hà Văn Sơn, xã Chiềng Hặc (Yên Châu); Nguyễn Ngọc Dũng, xã Hát Lót (Mai Sơn); Vũ Đăng Kế, xã Mường Bú (Mường La)...
Trên những nương cà phê, chè, cây ăn quả đang hứa hẹn cho những mùa vàng bội thu - phần thưởng xứng đáng cho những người làm công tác khuyến nông trong tỉnh đã luôn đồng hành cùng nông dân phát triển kinh tế trong thời kỳ hội nhập.
Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/dong-hanh-cung-nong-dan-thoi-ky-hoi-nhap-36298