Đồng hành cùng nông hộ thực hiện mô hình giảm nghèo

Xây dựng 'dự án' từ năm 2013, có những thời điểm lao đao do giá cả thị trường giảm mạnh, sức tiêu thụ chậm, nhưng anh Bùi Thế Chiêu (SN 1980), Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Huy Tuấn, xóm Thóng, xã Vũ Bình (Lạc Sơn), người khởi xướng mô hình chăn nuôi trâu, bò theo hướng nuôi rẽ đã kiên trì và vững tin để vượt qua. Mô hình do anh Chiêu và các cổ đông chung vốn đã phát huy vai trò tích cực, cùng chính quyền địa phương đồng hành với người dân thực hiện mô hình giảm nghèo bền vững.

Your browser does not support the audio element.

Anh Bùi Thế Chiêu (bên phải), Giám đốc HTXDịch vụ nông nghiệp Huy Tuấn, xóm Thóng, xã Vũ Bình (Lạc Sơn) đầu tư phát triển, mở rộng quy mô chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Anh Bùi Thế Chiêu (bên phải), Giám đốc HTXDịch vụ nông nghiệp Huy Tuấn, xóm Thóng, xã Vũ Bình (Lạc Sơn) đầu tư phát triển, mở rộng quy mô chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Vài năm trước, với nguồn lực sẵn có là sức lao động, dựa vào việc mở rộng diện tích trồng cỏ VA06, các ông Bùi Văn Nính, Bùi Văn Duy ở xóm Thóng, Bùi Văn Cần ở Thung Cổi, xã Vũ Bình... đã đến gặp anh Chiêu và nhận bàn giao con giống. Bình quân mỗi hộ nhận nuôi rẽ từ 2 - 4 con, tùy thuộc điều kiện nguồn lực. Đến thăm hộ ông Bùi Văn Nính, chúng tôi cảm nhận niềm phấn khởi của ông Nính và vợ con khi được đảm nhận việc chăm sóc đàn trâu rẽ. Ông Nính cho biết: Hộ nghèo chúng tôi không phải bỏ vốn. Cùng với phương thức gửi nuôi, anh Chiêu còn hỗ trợ cả về kỹ thuật, phòng bệnh. Sau khi trâu, bò sinh sản, bê, nghé đến kỳ xuất bán, chúng tôi được chia đôi lợi nhuận. Với số trâu, bò già, không còn khả năng sinh sản, anh Chiêu nhận về và bàn giao cho hộ chăn nuôi con giống sinh sản thay thế.

Theo anh Chiêu, cách đây 7 năm, với lợi thế là kỹ sư chăn nuôi được đào tạo bài bản, nhận thấy đồng đất quê hương giàu tiềm năng phát triển đồng cỏ, anh đã chia sẻ ý tưởng và nhận được sự ủng hộ của anh em, bạn bè. Họ cũng chính là những người sát cánh cùng anh xây dựng "dự án" gửi nuôi trong dân, với tổng số vốn ban đầu bỏ ra khoảng 1,5 tỷ đồng. Từ "dự án" này, 75 con trâu, bò giống được giao cho 20 hộ chăn nuôi, ngoài các hộ ở xã Vũ Bình còn có các hộ ở xã Xuất Hóa, Yên Phú, Bình Hẻm, Quyết Thắng, Tân Mỹ. Để mô hình thực sự khả thi, anh Chiêu lựa chọn hộ có lao động chăn dắt, đáp ứng yêu cầu về diện tích trồng cỏ làm nguồn thức ăn đảm bảo mới cấp giống.

Liên kết, hợp tác cùng dân, anh Chiêu và các cổ đông lo luôn cả phần khó nhất, đó là đầu ra sản phẩm, tận dụng các mối quan hệ để tìm kiếm,như mở rộng việc tiêu thụ trên thị trường không chỉ trong mà còn ngoài tỉnh. Cuối năm 2017, với sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền, anh Bùi Văn Chiêu đã đứng ra hoàn thiện các thủ tục pháp lý cần thiết để thành lập HTX Dịch vụ nông nghiệp Huy Tuấn. HTX có vốn điều lệ 900 triệu đồng, tổng số 13 thành viên, hiện có khoảng 20 hộ làm đơn xin gia nhập. Anh Chiêu cho biết: Cũng vẫn với mục đích của mô hình đã theo đuổi và duy trì đến nay, việc thành lập HTX tạo bước chuyển mạnh mẽ, tránh khỏi tình trạng "mạnh ai nấy làm", giúp hoạt động tổ chức sản xuất tốt hơn, tăng quy mô và tạo ra lượng sản phẩm lớn, cũng như đủ mạnh tham gia vào chuỗi cung ứng, ký kết được những hợp đồng tiêu thụ lớn.

Từ năm 2019 đến nay, HTX Dịch vụ nông nghiệp Huy Tuấn với vai trò điều hành, dẫn dắt của anh Bùi Thế Chiêu hoạt động ngày càng quy mô, hiệu quả, mang lại lợi ích đối với các thành viên, góp phần thúc đẩy công cuộc giảm nghèo bền vững tại địa phương. Anh đã ký được hợp đồng cung cấp trâu, bò giống cho các dự án hỗ trợ hộ nghèo của huyện Lạc Sơn và TP Hòa Bình với số lượng, chất lượng con giống đảm bảo. Cụ thể, năm 2019 cung cấp 100 con, năm 2020 cung cấp 120 con. Để mở rộng sản xuất theo hoạt động đã đăng ký, HTX còn chăn nuôi, cung ứng các sản phẩm gia súc, gia cầm bao gồm cả bán giống và thịt; cung ứng cây, con giống các loại, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, thuốc BVTV và tiêu thụ sản phẩm của nông dân sau thu hoạch.

Bùi Minh

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/147953/dong-hanh-cung-nong-ho-thuc-hien-mo-hinh-giam-ngheo-.htm