'Đồng hành cùng phụ nữ biên cương' - vòng tay lớn mãi
Tại Hội nghị tổng kết 3 năm chương trình 'Đồng hành cùng phụ nữ biên cương' Trung ương Hội LHPN Việt Nam và Bộ Tư lệnh BĐBP đã tiếp tục ký kế hoạch thực hiện Chương trình 'Đồng hành cùng phụ nữ biên cương' giai đoạn 2021-2025. Đây chính là động lực để cán bộ, chiến sĩ BĐBP và cán bộ Hội LHPN các cấp tiếp tục xây dựng nhiều kế hoạch, duy trì ngọn lửa ấm áp, nuôi dưỡng niềm hy vọng để vùng biên giới thoát nghèo. Vòng tay nhân ái, chia sẻ tiếp tục được nối dài trên khép nẻo biên cương.
Bà Trần Thị Huyền Thanh, Phó Chủ tịch Hội LHPN thành phố Hồ Chí Minh: Hội LHPN thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ 4 xã biên giới gồm: Ia Mơr, huyện Chư Prông và xã Ia Chía, huyện Ia Grai của tỉnh Gia Lai; xã A Bung và A Ngo, huyện Đakrông của tỉnh Quảng Trị, với tổng kinh phí 5 tỉ đồng giai đoạn 2018-2020.
Trong quá trình triển khai thực hiện chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” Hội LHPN thành phố Hồ Chí Minh trăn trở tìm kiếm sự sáng tạo trong cách thức hỗ trợ các xã biên giới và nhận thấy, xây dựng cơ sở hạ tầng cho người dân và cộng đồng vẫn là cấp thiết nhất. Biết được cộng đồng nghèo ở biên giới thiếu nước sạch, Hội quyết định đầu tư xây dựng các giếng nước công cộng. Bên cạnh việc xây dựng 24 “Mái ấm tình thương”, chúng tôi xây dựng 6 giếng nước cộng đồng, 40 nhà vệ sinh hợp quy cách và 100 bồn chứa nước sạch.
Bên cạnh việc triển khai chương trình với BĐBP, các tổ chức Hội LHPN, các đơn vị trực thuộc, các tổ chức thành viên như Báo Phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Văn hóa Phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh, Hội Nữ trí thức, Hội Nữ Doanh nhân, Câu lạc bộ nữ nghệ sĩ... rồi các đơn vị lại vận động thêm các thành viên tham gia, tạo nên sức lan tỏa cấp số nhân, huy động được nguồn lực lớn.
Qua 3 năm triển khai chương trình ý thức của người dân địa phương 4 xã có sự chuyển biến rõ nét. Từ chỗ trông chờ, ỷ lại từ các nguồn hỗ trợ, một số hộ dân đã có sự chung tay góp thêm ngày công xây dựng công trình công cộng, dò tìm nguồn nước, sau đó, còn góp vật dụng để hoàn thiện công trình, chủ động làm nhà tiêu hợp vệ sinh kết hợp phòng tắm giặt cho cả gia đình. Cộng đồng tự phân công hộ dân bảo quản giếng nước cộng đồng. Đó là niềm vui lớn, hy vọng tràn đầy cho cả người đi hỗ trợ và người nhận hỗ trợ.
Đại tá Trịnh Hữu Tăng, Chính ủy BĐBP Lạng Sơn: BĐBP Lạng Sơn đã phối hợp tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn chỉ đạo thành lập Quỹ “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” vận động được gần 2,5 tỷ đồng ngay trong tỉnh. Đồng thời, BĐBP Lạng Sơn đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của phụ nữ ở biên giới, tạo ra thay đổi từ trong nhận thức để phụ nữ nói lên tiếng nói của mình, giúp họ tham gia vào phòng chống buôn bán người, chống buôn lậu, làm kinh tế hộ gia đình, rồi chính họ lại tiếp tục tuyên truyền cho những người khác nên chương trình có sức lan tỏa lớn. BĐBP Lạng Sơn vận động 946 hộ gia đình phụ nữ ký kết, nhận tham gia quản lý, bảo vệ đường biên, mốc quốc giới, có trên 2.000 lượt phụ nữ tham gia cùng cán bộ, chiến sĩ BĐBP tuần tra biên giới, phát quang đường thông tầm nhìn biên giới và đường tuần tra biên giới
Hội LHPN và BĐBP Lạng Sơn giao chỉ tiêu đến 100% Hội LHPN các huyện, thành phố, đơn vị trực thuộc, mỗi đơn vị phối hợp với các đồn Biên phòng trên địa bàn nhận hỗ trợ 1 xã biên giới. Hội LHPN và Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh nhận hỗ trợ 4 xã biên giới. Chỉ đạo các đồn Biên phòng phối hợp với Hội LHPN các huyện, thành phố rà soát tiêu chí từng năm, xây dựng kế hoạch, xác định mục tiêu, nội dung, phương pháp, thời gian tiến hành, gắn với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, trong đó, tập trung vào phong trào xây dựng nông thôn mới, nuôi khát vọng làm giàu chính đáng của phụ nữ, đó cũng chính là việc xây dựng phên giậu quốc gia vững chắc.
Ở Lạng Sơn, chương trình mang tới 5 cái đẹp: đẹp nhà, đẹp người, đẹp doanh trại, đẹp thôn bản, đẹp tình quân dân.
Bà Vi Thị Khăm, Chi hội trưởng phụ nữ thôn Vịn, xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa: Tôi đại diện cho chính những phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn đang sống ở vùng biên giới và là những người được hưởng lợi trực tiếp từ chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” cảm ơn chương trình. Chúng tôi quan tâm nhiều nhất đến các chương trình truyền thông nâng cao kiến thức và tiếp nhận khoa học kỹ thuật vào lao động sản xuất. Điều đó không chỉ giúp xây dựng kinh tế - xã hội mà còn giúp phụ nữ tự tin, tự lực, biết làm giàu chính đáng và góp công sức vào thay đổi chất lượng sống của phụ nữ và gia đình vùng biên giới.
Từ chỗ, chúng tôi chỉ sống nhờ vào một vụ mùa lúa nghèo nàn, còn lại khai thác lâm sản, nên nghèo đói và cuộc sống bấp bênh. Bây giờ, chúng tôi chủ động chuẩn bị đối ứng cùng với kinh phí của đơn vị đồng hành hỗ trợ, xây dựng vườn sạch, nhà đẹp. Đặc biệt là cùng với sự giúp đỡ của Đồn Biên phòng Bát Mọt (BĐBP Thanh Hóa) xây dựng về đích nông thôn mới. Các chị em phụ nữ trong thôn Vịn hăng hái làm kinh tế hộ gia đình, giữ sạch thôn bản, cùng với các cán bộ, chiến sĩ Biên phòng bảo vệ đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh trật tự vùng biên giới.
Sắp tới, chúng tôi dự định xây dựng thôn Vịn thành một thôn giáp biên sạch đẹp, giàu bản sắc văn hóa và tiến tới làm du lịch cộng đồng, phát huy thành quả nông thôn mới mà BĐBP, Hội LHPN và nhân dân đã dày công xây dựng.
Đại tá Nguyễn Thanh Hải, Chính ủy BĐBP Quảng Ninh: Quảng Ninh là tỉnh duy nhất thực hiện Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” giai đoạn 2018 - 2020 mà không có sự trợ giúp của tỉnh bạn. Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Ninh đã phối hợp với Hội LHPN tỉnh Quảng Ninh thống nhất lựa chọn và tập trung huy động nguồn lực hỗ trợ 2 xã biên giới của huyện Bình Liêu. Với cam kết hỗ trợ, bằng hình thức vận động xã hội hóa từ các tập thể, cá nhân, các nhà hảo tâm trên địa bàn tỉnh, Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Ninh và Hội LHPN tỉnh đã huy động kinh phí thực hiện Chương trình với tổng số tiền khoảng 1,7 tỷ đồng và hàng nghìn ngày công lao động của cán bộ, chiến sĩ BĐBP, hội viên phụ nữ, đoàn viên thanh niên 2 xã, xây mới 17 nhà và sửa chữa nhà “Mái ấm biên cương” với số tiền 610 triệu đồng.
Để có được kết quả như vậy, không thể thiếu vai trò của cán bộ BĐBP, người có uy tín, hội viên phụ nữ nòng cốt để tạo nên các điển hình, các mô hình nhân rộng và lan tỏa mà còn là sự ủng hộ về mặt kinh phí của các ban ngành, đoàn thể, doanh nghiệp đứng chân trên vùng biên giới, sự quyết liệt trong chỉ đạo của chính quyền địa phương để tạo nên sức mạnh tổng hợp, đưa Chương trình triển khai trúng mục đích, đúng hướng trên vùng biên giới.
Thúy Hằng (ghi)