Đồng hành cùng phụ nữ biên cương, vùng sâu

Chương trình 'Đồng hành cùng phụ nữ biên cương' được Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam phối hợp thực hiện từ năm 2018. Đến nay, sau ba năm triển khai với nhiều hoạt động mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Lãnh đạo Hội LHPN tỉnh Lâm Đồng trao biểu trưng 5 công trình vệ sinh cho phụ nữ nghèo, trị giá 8 triệu đồng/công trình

Lãnh đạo Hội LHPN tỉnh Lâm Đồng trao biểu trưng 5 công trình vệ sinh cho phụ nữ nghèo, trị giá 8 triệu đồng/công trình

Theo đó, có khoảng 150 tỷ đồng đã được huy động để thực hiện chương trình, trên 1.000 công trình dân sinh; tặng gần 700 căn nhà “Mái ấm tình thương”; trao hơn 70 nghìn suất quà, 7.000 suất học bổng tặng học sinh nghèo vượt khó; tổ chức gần 500 lớp tập huấn, truyền thông nâng cao năng lực cho phụ nữ; vận động qua Cổng thông tin nhân đạo gần bốn tỷ đồng hỗ trợ mô hình sinh kế tại 39 xã thuộc chương trình... Ước tính có gần 130 nghìn phụ nữ được thụ hưởng từ chương trình.

“Đồng hành cùng phụ nữ vùng sâu”

Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” đã trở thành điểm tựa, tạo động lực để hội viên, phụ nữ ở khu vực biên giới xóa mù chữ, phát triển kinh tế gia đình, vươn lên trong cuộc sống. Thực hiện sự hướng dẫn của Trung ương Hội LHPN Việt Nam, những năm qua, Hội LHPN tỉnh Lâm Đồng phát động trong hội viên, phụ nữ thực hiện “Chương trình đồng hành cùng phụ nữ biên cương, phụ nữ vùng sâu” với mong muốn phụ nữ trong tỉnh vừa thực hiện nhiệm vụ đồng hành cùng với các tỉnh bạn hỗ trợ cho hội viên, phụ nữ nghèo những xã biên giới vươn lên trong cuộc sống, vừa nâng cao đời sống cho hội viên phụ nữ nghèo trong tỉnh, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo. Chương trình đề ra chỉ tiêu cụ thể, thiết thực: Hàng năm, mỗi huyện, thành phố phải tập trung nguồn lực hỗ trợ cho 1 chi hội phụ nữ khó khăn vươn lên. Kết quả, chương trình đã giúp cho tỉnh bạn tại xã Thuận An, huyện Đắc Mil(Đắc Nông) và phụ nữ trong tỉnh tại các xã Đạ Quyn (Đức Trọng); Thôn 8, Thôn 9 (thị trấn Đạ Tẻh - huyện Đạ Tẻh) và nhiều chi hội phụ nữ khó khăn trong toàn tỉnh, đã được sự chung tay, hỗ trợ trực tiếp bằng những công trình nhà vệ sinh, mái ấm tình thương, học bổng cho trẻ em nghèo... Nhờ vậy, bộ mặt nông thôn có nhiều chuyển biến góp phần vào hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, để cùng với địa phuơng hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Phát huy kết quả giai đoạn trước, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức lễ phát động chương trình đồng hành cùng phụ nữ biên cương, phụ nữ vùng sâu năm 2021 tại xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm. Chương trình nhằm tiếp tục huy động sự tham gia của các cấp Hội Phụ nữ chung tay hướng về phụ nữ các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ nghèo, vùng sâu, vùng xa.

Bà Phạm Thị Ánh Tuyết - Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Nội dung chính của chương trình tiếp tục khơi dậy tinh thần yêu nước, ý thức trách nhiệm của các cấp Hội, hội viên, phụ nữ tích cực tham gia các hoạt động thiết thực hướng về phụ nữ các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn, biên giới nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên phụ nữ. Các cấp Hội chủ động, sáng tạo và hiệu quả trong công tác tuyên truyền, vận động, tổ chức thực hiện Chương trình với phương châm “Đồng lòng, sáng tạo, thực chất, bền vững”. Mỗi huyện, thành phố chọn 1 xã khó khăn tổ chức thực hiện Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ vùng sâu”. Tổ chức, thực hiện chương trình đồng hành gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và các nhiệm vụ trọng tâm của Hội trong năm 2021. Hỗ trợ hội viên phụ nữ xã Lộc Bắc - huyện Bảo Lâm thực hiện các tiêu chí Cuộc vận động Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch, góp phần thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Hướng đến xây dựng gia đình “5 không, 5 có” và “3 sạch”

Ông Đồng Văn Trường, Phó Bí thư Huyện ủy Bảo Lâm khẳng định: “Chương trình đến với đồng bào xã Lộc Bắc là xã khó khăn cùng với 2 xã Lộc Bảo, Lộc Lâm chưa đạt chuẩn nông thôn mới. Đây là xã vùng sâu, vùng xa, khó khăn nhất của huyện Bảo Lâm, nhưng so với trước đây hơn 20 năm thì đã có nhiều khởi sắc. Đề nghị Đảng ủy, HĐND, UBND xã Lộc Bắc cùng chung tay xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có vai trò tích cực của Hội Phụ nữ huyện Bảo Lâm và xã Lộc Bắc”.

Để giúp đỡ, tiếp bước cho các em học sinh, tại lễ phát động Chương trình, Hội LHPN tỉnh trao 10 suất học bổng cho các em học sinh vượt khó trong học tập, mỗi suất trị giá 1 triệu đồng. Cùng đồng hành với chương trình, Công ty Điện lực Lâm Đồng tặng 1 mái ấm tình thương cho gia đình chị Ka Hẹo, hội viên phụ nữ Thôn 4, xã Lộc Bắc có hoàn cảnh khó khăn, trị giá 50 triệu đồng. Từ nguồn vận động của các nhà hảo tâm, hội viên, phụ nữ trong toàn tỉnh, chương trình trao tặng 5 công trình vệ sinh cho phụ nữ nghèo, mỗi công trình trị giá 8 triệu đồng.

Để Chương trình Đồng hành tạo được sự đồng thuận cao, huy động sự tham gia của các tầng lớp nhân dân, Hội LHPN tỉnh đề nghị các cấp Hội tiếp tục quán triệt đầy đủ mục đích, ý nghĩa, yêu cầu, cách thức và nội dung của Chương trình Đồng hành đến hội viên, phụ nữ. Truyền thông sâu rộng, đa dạng chương trình trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội trong các hoạt động Hội; các điển hình tiên tiến, cách làm hay, mô hình hiệu quả đến đông đảo các tầng lớp nhân dân để tạo sự lan tỏa của chương trình. Tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế, hỗ trợ phương tiện sinh kế cho hội viên phụ nữ vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn. Hướng dẫn và nhân rộng các mô hình tín dụng tiết kiệm tạo thói quen trong quản lý, sử dụng tài chính cho phụ nữ dân tộc thiểu số. Phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm giúp chị em phụ nữ phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo bền vững. Tiếp tục vận động xây dựng “gia đình 5 không, 3 sạch” để hướng đến xây dựng gia đình “5 không, 5 có” và “3 sạch” theo sự chỉ đạo của Hội LHPN Việt Nam đó là: Có ngôi nhà an toàn (nhà ở, nhà tắm, nhà vệ sinh, hố rác, vườn rau, chuồng trại đảm bảo vệ sinh…); có việc làm ổn định, có thu nhập; có tinh thần ham học hỏi, cầu tiến (gia đình học tập); có sức khỏe (rèn luyện thể thao; có thẻ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội…); có nếp sống văn hóa (bình đẳng, tiến bộ, tôn trọng và yêu thương, giữ gìn nề nếp, gia phong). Vận động thực hiện “3 sạch” trong hộ gia đình và cộng đồng: Nhà gọn gàng, sạch sẽ; bếp ngăn nắp, vệ sinh; đường ngõ xanh, sạch đẹp, an toàn.

Bám sát nhu cầu thực tế các cơ sở, chi hội để có sự hỗ trợ, phương thức đồng hành phù hợp. Huy động nguồn lực xã hội hóa, vận động nguồn lực từ hội viên, phụ nữ để triển khai hoạt động hỗ trợ. Tổ chức nâng cao năng lực cho cán bộ, hội viên, phụ nữ trong việc tham gia giải quyết các vấn đề xã hội, các đề án của Hội, chương trình xây dựng nông thôn mới, bình đẳng giới, bảo vệ môi trường, phòng chống các tệ nạn xã hội, xây dựng gia đình hạnh phúc, nuôi dạy con, kiến thức giúp phụ nữ phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.

AN NHIÊN

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/xahoi/202103/dong-hanh-cung-phu-nu-bien-cuong-vung-sau-3046689/