Đồng hành cùng phụ nữ dân tộc thiểu số xây dựng gia đình hạnh phúc

Thời gian qua, hội LHPN nữ các cấp trên địa bàn tỉnh chú trọng triển khai các chương trình, hoạt động hỗ trợ. Qua đó đồng hành cùng phụ nữ DTTS xây dựng gia đình hạnh phúc; giúp chị em có thêm động lực, điều kiện để mạnh dạn tham gia các hoạt động xã hội, nâng cao vai trò và tiếng nói trong cộng đồng.

Hội LHPN tỉnh ra mắt Tổ truyền thông cộng đồng và truyền thông thay đổi khuôn mẫu giới trong việc nhà tại xã Ea Chà Rang, huyện Sơn Hòa. Ảnh:

Hội LHPN tỉnh ra mắt Tổ truyền thông cộng đồng và truyền thông thay đổi khuôn mẫu giới trong việc nhà tại xã Ea Chà Rang, huyện Sơn Hòa. Ảnh:

Thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Những năm qua, KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, đời sống phụ nữ ở đây vẫn còn những khó khăn nhất định, kiến thức về pháp luật còn hạn chế.

Từ thực tế này, các cấp hội LHPN tỉnh đã xây dựng nhiều mô hình phù hợp hỗ trợ phụ nữ DTTS giữ gìn giá trị truyền thống tốt đẹp, xóa bỏ định kiến giới, những tập tục văn hóa không phù hợp, phát triển kinh tế.

Theo đó, các mô hình CLB “Phụ nữ DTTS nói không với tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống”, “Phụ nữ DTTS nói không với thuốc lá”, CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” đã lần lượt được thành lập tại các huyện miền núi Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân mang đến cho chị em nơi đây những đổi thay tích cực.

Bên cạnh đó, các chương trình hướng dẫn thực hành dinh dưỡng, kỹ thuật chế biến thức ăn cho phụ nữ mang thai và bà mẹ có trẻ em suy dinh dưỡng; việc thành lập các tổtruyền thông cộng đồng; nâng cao chất lượng tổtiết kiệm và vay vốn thôn, buôn… góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi nếp nghĩ cách làm cho hội viên.

Lấy chồng năm 2008 và được gia đình hai bên cho 2 con bò làm vốn, sau 15 năm, nhờ chăm chỉ làm ăn và được hội phụ nữ hỗ trợ vay vốn, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt nên gia đình chị Ralan Hờ Ca (buôn Lé A, xã Krông Pa, huyện Sơn Hòa) đã trở nên khấm khá.

Hiện gia đình chị Hờ Ca canh tác 5 sào lúa, 1ha mía và 3,5ha sắn, thu lợi nhuận mỗi năm khoảng 60-70 triệu đồng. Hờ Ca còn vui vẻ chia sẻ gia đình chị cũng nuôi thêm heo, bò, gà để tăng thu nhập.

Hiện chị gầy dựng được đàn bò 11 con. Qua nhiều năm nỗ lực, chị Hờ Ca đã xây nhà kiên cố, có điều kiện cho các con ăn học. Khi ổn định, chị cùng hội phụ nữ xã giúp đỡ chị em khó khăn trong buôn cùng phát triển kinh tế.

Bà Nay Hờ Nhơn, Chủ tịch Hội LHPN huyện Sông Hinh khẳng định, việc thực hiện hiệu quả các mô hình đã hỗ trợ, tạo việc làm và tăng thu nhập cho hội viên, phụ nữ, qua đó góp phần hỗ trợ phụ nữ thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng. Đồng thời bước đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm, khẳng định vai trò của phụ nữ DTTS trên lĩnh vực kinh tế, xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.

Hỗ trợ phòng, chống bạo lực gia đình

Trong công tác hỗ trợ phụ nữ “Vun đắp giá trị gia đình Việt Nam; xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em”, nhiệm vụ phòng, chống bạo lực gia đình được các cấp hội phụ nữ quan tâm chỉ đạo và phối hợp thực hiện. Qua đó góp phần thay đổi nhận thức, hành động, suy nghĩ về hôn nhân, gia đình, vị thế, vai trò của phụ nữ nói chung, phụ nữ DTTS nói riêng.

Hội LHPN các cấp luôn nỗ lực đẩy mạnh các phong trào thi đua, tạo khí thế sôi nổi, trở thành đòn bẩy để phụ nữ đồng bào DTTS trong tỉnh thêm đoàn kết, gắn bó, cùng giúp nhau phát triển về mọi mặt; nhất là giúp nhiều gia đình xây dựng cuộc sống đủ đầy, gìn giữ và phát huy nét đẹp văn hóa gia đình vùng DTTS tỉnh ngày càng hạnh phúc và văn minh.

Bà Nguyễn Thị Phương Liên, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh

Hiện các xã vùng Dự án 8 đang vận hành 11 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng. Trong đó, Hội LHPN tỉnh thành lập 3 địa chỉ tại xã Suối Trai (huyện Sơn Hòa), Phú Mỡ (huyện Đồng Xuân) và Ea Bá (huyện Sông Hinh); Hội LHPN huyện Sơn Hòa thành lập 6 địa chỉ tại xã Sơn Hội, Cà Lúi, Phước Tân, Sơn Phước, Ea Chà Rang và Krông Pa; Hội LHPN huyện Sông Hinh thành lập 2 địa chỉ tại xã Ea Lâm và Ea Trol.

Thành viên ban quản lý địa chỉ tin cậy tại cộng đồng nhận được sự hỗ trợ và đồng hành của cấp ủy, chính quyền, người có uy tín trong cộng đồng, các ngành chuyên môn như y tế, giáo dục, công an, tư pháp, các đoàn thể… trong phối hợp tuyên truyền, vận động, giáo dục chuyển đổi hành vi theo hướng lấy phòng ngừa làm chính, hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình khi có nhu cầu và khi cần thiết.

Chị A Le H’Hiền, hội viên phụ nữ xã Cà Lúi (huyện Sơn Hòa) được các thành viên Ban quản lý Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng xã Cà Lúi tuyên truyền về vai trò, hoạt động của mô hình tại địa phương. Nhờ đó, chị hiểu hơn vai trò của cá nhân trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình, gìn giữ ANTT thôn buôn.

“Người bị bạo lực thường không tìm kiếm sự giúp đỡ bởi họ sợ nói ra sẽ tiếp tục bị bạo lực với hình thức và mức độ nặng hơn, sợ mang tiếng xấu. Nhờ có các thành viên địa chỉ tin cậy mà chúng tôi biết bản thân sẽ được đảm bảo an toàn tính mạng, các hành vi bạo lực sẽ được ngăn chặn kịp thời; đồng thời, địa chỉ sẽ huy động và kết nối với các cơ quan, tổ chức liên quan để có sự hỗ trợ tối đa cho người bị bạo lực”, chị H’Hiền cho biết.

Theo bà Nguyễn Thị Phương Liên, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, các mô hình, CLB phòng, chống bạo lực gia đình là chỗ dựa đáng tin cậy của nhiều phụ nữ. Các mô hình này đã thu hút sự tham gia của cả hệ thống chính trị và nhiều người dân hơn, cũng như chuyển biến tích cực trong nhận thức về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực phụ nữ và trẻ em, góp phần giảm thiểu bạo lực gia đình và hướng đến xây dựng môi trường sống lành mạnh, an toàn.

THÁI HÀ

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/420/318034/dong-hanh-cung-phu-nu-dan-toc-thieu-so-xay-dung-gia-dinh-hanh-phuc.html