Đồng hành cùng thanh niên phát triển kinh tế ở Hàm Thuận Nam
Thực hiện Chương trình 'Đồng hành với thanh niên trong lập thân, lập nghiệp', thời gian qua, Ban Thường vụ Huyện đoàn Hàm Thuận Nam đã triển khai hiệu quả nhiều hoạt động hỗ trợ thanh niên.
Cầm số tiền 60 triệu đồng vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), vợ chồng anh Trần Ngọc Hình (SN 1992), dân tộc Rai, sống tại thôn 3, xã Hàm Cần vô cùng xúc động. Giữa thời điểm thanh long rớt giá, khó chồng khó đối với một hộ thuộc diện cận nghèo như gia đình anh thì số tiền trên quả là một “gia tài”. “Hơn 300 trụ thanh long trồng trên đất được cấp theo Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy ở năm thứ 5 đang ngả vàng, có dấu hiệu suy cành vì thiếu dưỡng chất. Loay hoay, bỏ không đành vì đây là tư liệu nuôi sống cả gia đình 4 miệng ăn mấy năm nay, nhưng tiền đâu mua phân thuốc, đi vay bên ngoài càng không dám, có khi mất luôn vườn. May mà tháng 9/2022, được sự tư vấn của Tổ tiết kiệm vay vốn Đoàn thanh niên, tôi đã tiếp cận được nguồn chính sách ưu đãi này”, anh Hình vui mừng chia sẻ.
Hỗ trợ thanh niên ở Hàm Cần vay vốn chăm sóc vườn thanh long
Ký nhận tiền hôm ấy còn có chị Lê Thị Điển (SN 1989), dân tộc Rai cùng ở thôn 3, xã Hàm Cần, là gia đình hộ nghèo. Chị là lao động chính trong gia đình. Với số vốn được vay chị sẽ dùng chăm sóc gần 300 trụ thanh long đang lứa thu hoạch để tiếp tục sản xuất trong thời điểm khó khăn hiện nay.
Không phải thời điểm này, mà đã nhiều năm về trước, tổ chức Đoàn – Hội ở Hàm Thuận Nam đã không bỏ rơi đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) của mình, bằng sự hỗ trợ cách này hay cách khác. Anh Nguyễn Ngọc Duy – Bí thư Huyện đoàn Hàm Thuận Nam cho biết: Huyện đoàn thường xuyên chỉ đạo đoàn cơ sở chủ động khảo sát, nắm bắt nhu cầu về nghề nghiệp, việc làm của thanh niên. Từ nhu cầu thực tiễn, nhiều giải pháp, kế hoạch thiết thực được xây dựng. Trong đó Huyện đoàn phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tại Hàm Thuận Nam hỗ trợ hàng trăm thanh niên được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi. Đồng thời tổ chức tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, tập huấn trồng trọt, chăn nuôi giúp thanh niên phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống.
Đặc biệt, với thanh niên dân tộc thiểu số trình độ chuyên môn có phần hạn chế, điều kiện tiếp xúc với khoa học - công nghệ không nhiều, lại sinh ra ở vùng khó khăn điều kiện tự nhiên khắc nghiệt. Một số thanh niên đã được đào tạo nghề, nhưng nghề được học không gắn với nhu cầu kinh tế - xã hội địa phương dẫn đến có nghề mà thành thất nghiệp. Vì vậy, Huyện đoàn cùng các cơ sở Đoàn tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức cho ĐVTN về nghề nghiệp, việc làm, khuyến khích giúp nhau lập thân, lập nghiệp. Bên cạnh đó, công tác tư vấn, dạy nghề để ĐVTN định hình nghề nghiệp trong tương lai cũng được quan tâm sát sao. Định kỳ hàng năm, tổ chức tư vấn mùa thi cho các em học sinh khối 12 tại các trường THPT và tư vấn nghề nghiệp riêng cho học sinh đang học THCS tại trường nội trú huyện.
Để tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, thời gian tới, theo anh Nguyễn Ngọc Duy, Huyện đoàn Hàm Thuận Nam sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng công tác Đoàn. Trong đó chú trọng hỗ trợ ĐVTN về vốn vay, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp và xây dựng nhiều hơn các mô hình phát triển kinh tế. Đồng thời nhân rộng mô hình, phát huy ý tưởng sáng tạo lập nghiệp và kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc của ĐVTN trong quá trình thực hiện để tạo điều kiện thuận lợi cho thanh niên phát triển kinh tế hiệu quả.