Đồng hành 'đánh giặc' đói nghèo
Xác định công cuộc đồng hành cùng nhân dân huyện Kỳ Sơn, Nghệ An 'đánh giặc' đói nghèo là công cuộc bền bỉ lâu dài, cần có bước đi, cách làm căn cơ, phù hợp, những năm qua thực hiện chủ trương '3 bám, 4 cùng' với đồng bào, cán bộ, chiến sĩ các cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang Quân khu 4 đã xây dựng nhiều mô hình phát triển kinh tế, nhiều việc làm hiệu quả đồng hành cùng các địa phương.
Thông qua những mô hình, cách làm phù hợp, mang lại hiệu quả cao trong công cuộc giúp nhân dân xóa đói, giảm nghèo, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị đã để lại niềm tin yêu đối với đồng bào, qua đó phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ ngày càng tỏa sáng nơi miền Tây xứ Nghệ.
Trong chuyến công tác lên huyện Kỳ Sơn mới đây, chúng tôi hết sức ngỡ ngàng trước sự đổi thay các bản làng, nơi đây một thời được xem là trọng điểm của sự đói nghèo. Vậy nhưng, hiện hữu giữa núi rừng bao la là những bản làng trù phú, với những ngôi nhà kiên cố khang trang. Đi vào các bản làng đồng bào người Mông, Thái, Khơ Mú… bên dãy Phu Xai Lai Leng, chúng tôi được chiêm ngưỡng nhiều mô hình phát triển kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo của đồng bào, như mô hình nuôi gà đen, lợn đen bản địa, mô hình trồng cây dong riềng, chè Shan tuyết, dưa lưới… Đi cùng tôi, đồng chí Vi Hòe, Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn, nguyên Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Kỳ Sơn cho biết: “Để có được những bản làng trù phú, những mô hình phát triển kinh tế góp phần giúp nhân dân xóa nghèo là một cuộc chiến kiên cường, bền bỉ của cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế-Quốc phòng (KT-QP) 4 và lực lượng vũ trang Nghệ An”.
Trong câu chuyện với đồng chí Vi Hòe, chúng tôi hiểu rõ hơn sự gian truân, vất vả của cán bộ, chiến sĩ Đoàn KT-QP 4 và lực lượng vũ trang Nghệ An trong công cuộc xây dựng, duy trì và nhân rộng những mô hình chăn nuôi, trồng trọt nơi miền biên viễn này. Theo đồng chí Vi Hòe, Kỳ Sơn là một trong 62 huyện nghèo của cả nước, vùng đất này điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng hết sức khắc nghiệt, đi cùng với đó là thói quen canh tác lạc hậu vốn tồn tại đối với đồng bào từ hàng ngàn đời nay. Do vậy, xây dựng, đưa vào nhân rộng một mô hình chăn nuôi, sản xuất là một quá trình kiên trì, bền bỉ và dày công nghiên cứu của cán bộ, nhân viên đơn vị. Trong đó, không ít mô hình sau một thời gian đưa vào nuôi trồng thí nghiệm đã bị thất bại do không phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và phong tục tập quán canh tác của đồng bào. Để “nuôi sống”, nhân rộng các mô hình, các đơn vị đã kết hợp phát huy các mô hình, giống cây, con truyền thống của đồng bào và các mô hình mới cho thu nhập cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên, phong tục canh tác của bà con.
Thực tế khảo sát tại các địa phương trên Khu KT-QP Kỳ Sơn, chúng tôi được biết, những năm đầu đứng chân thực hiện nhiệm vụ nơi đây, Đoàn KT-QP 4 đã triển khai một số mô hình chăn nuôi sản xuất nhưng không ít mô hình thất bại. Một phần do chưa nghiên cứu kỹ điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và thói quen canh tác của đồng bào, mặt khác do chu kỳ thời gian từ khi triển khai đến lúc thu hoạch quá dài nên trong khoảng thời gian đó bà con không biết lấy gì sinh sống và việc giải quyết đầu ra sản phẩm gặp khó khăn nên bà con không muốn thực hiện mô hình dẫn đến thất bại. Qua nghiên cứu và rút kinh nghiệm, Đoàn KT-QP 4 nhận thấy rằng để mô hình thành công và bà con tin, làm theo phải gắn với thực tế của đồng bào.
Theo đó, đoàn ưu tiên, phát huy các giống cây con bản địa trước đây bà con đã từng chăn nuôi, sản xuất như trồng ngô, nuôi gà đen, lợn đen… Nhưng để đạt hiệu quả cao hơn, đơn vị hỗ trợ kinh phí, ngày công giúp nhân dân xây dựng chuồng, trại nuôi nhốt và áp dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi trồng. Từ đó, các sản phẩm truyền thống của bà con hiệu quả năng suất cao hơn. Đồng thời, việc bảo đảm lương thực cho bà con là việc làm trước mắt đối với cuộc chiến xóa nghèo. Do vậy, Đoàn đã khai thác một số diện tích trồng lúa nước và xây đập trữ nước, thi công đường ống dẫn nước về tưới tiêu cho lúa. Từ những cách làm, bước đi vững chắc đã “nuôi sống” các mô hình, góp phần giải quyết khó khăn trước mắt cho bà con. Bước tiếp theo, Đoàn khai thác các dự án, triển khai xây dựng một số mô hình mới, cho thu nhập cao như: Trồng, chế biến cây dong riềng, chè Shan tuyết và trồng sả Java để chế biến tinh dầu, nuôi cá nước ngọt, nuôi ếch thương phẩm…
Ông Mùa Chồng Chà, Bí thư Chi bộ bản Phù Khả 2, xã Na Ngoi kể lại, cách đây chừng 15 năm, khi bộ đội Đoàn KT-QP 4 vận động bà con trồng cây dong riềng rất nhiều gia đình không tin. Bởi bao đời nay, cây dong riềng chỉ mọc trên đồi nay trồng đại trà thì việc tiêu thụ thế nào. Thế nhưng, sau một thời gian từ diện tích cây dong riềng do Đoàn KT-QP 4 và một số do cán bộ, đảng viên trong bản trồng được Đoàn thu mua, chế biến mang lại thu nhập cao, rất nhiều gia đình đến đề nghị Đoàn hỗ trợ, triển khai. Hay như, mô hình trồng lúa nước cũng là một minh chứng cụ thể cho việc “nuôi sống”, nhân rộng mô hình nơi miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, ở Kỳ Sơn gia đình nào có diện tích trồng cây lúa nước thì không lo thiếu lương thực và hộ nào thực hiện các mô hình phát triển kinh tế theo Đoàn KT-QP 4 hướng dẫn, hỗ trợ thì đều vươn lên thoát nghèo.
Đại tá Lê Văn Thắng, Đoàn trưởng Đoàn KT-QP 4 cho biết: Để “nuôi sống”, nhân rộng các mô hình việc đầu tiên phải bảo đảm cuộc sống trước mắt cho đồng bào và giải quyết đầu ra sản phẩm nuôi trồng của bà con. Vì thế, bên cạnh triển khai xen kẽ, lồng ghép đa dạng các mô hình, giống cây, con, đơn vị đã thu mua, chế biến các sản phẩm của bà con sản xuất, chăn nuôi. Từ việc bà con đắn đo khi đơn vị vận động, hỗ trợ triển khai các mô hình như trồng dong riềng, chè Shan tuyết, nuôi cá nước ngọt… đến nay sản phẩm đồng bào làm ra không đủ cung cấp cho thị trường. Thu nhập từ các mô hình do Đoàn KT-QP 4 triển khai, hỗ trợ góp phần nâng cao đời sống nhân dân trong Khu KT-QP Kỳ Sơn.
Từ sự đồng hành, chung sức của cán bộ, chiến sĩ Đoàn KT-QP 4 và lực lượng vũ trang Nghệ An đã góp phần giúp đồng bào nơi miền Tây xứ Nghệ vươn lên chiến thắng đói nghèo; trung bình huyện Kỳ Sơn tỷ lệ hộ nghèo giảm 2,4%/năm.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/dong-hanh-danh-giac-doi-ngheo-719318