Đồng hành giúp phụ nữ người dân tộc thiểu số xóa nghèo

Hơn 20 năm gắn bó với công tác phụ nữ, chị Nguyễn Thị Hòe, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Hoàng Hoa Thám (Chí Linh, Hải Dương) luôn nhiệt tình giúp chị em người dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo.

Chị Nguyễn Thị Hòe (bên trái) bám sát địa bàn, tận tình giúp đỡ chị em xã Hoàng Hoa Thám (Chí Linh) khai thác hiệu quả kinh tế đồi rừng

Chị Nguyễn Thị Hòe (bên trái) bám sát địa bàn, tận tình giúp đỡ chị em xã Hoàng Hoa Thám (Chí Linh) khai thác hiệu quả kinh tế đồi rừng

Giúp chị em thoát nghèo

Xã Hoàng Hoa Thám hiện có 12 dân tộc anh em sinh sống. Mấy năm trước, tỷ lệ hộ nghèo của xã khá cao, phần lớn rơi vào gia đình chị em người dân tộc thiểu số. Thấy cuộc sống của họ khó khăn, chị Hòe kiên trì bám địa bàn, gần gũi, tìm hướng giúp chị em thoát nghèo.

Từ năm 2017, chị Hòe đã tham mưu cho UBND xã Hoàng Hoa Thám thành lập mô hình “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”. Sau 7 năm, Hội Liên hiệp phụ xã đã tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội hơn 10 tỷ đồng cho chị em vay. Nhờ nguồn vốn ưu đãi, hơn 200 gia đình phụ nữ nghèo đã vươn lên thoát nghèo, trong đó có nhiều chị em người dân tộc thiểu số. Có chị đã trở thành chủ trang trại, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Gia đình chị Lã Thị Vương (dân tộc Tày) từng rất khó khăn, bị cái nghèo đeo bám. Chị Vương đã từng rất ngại vay vốn, không biết cách làm ăn nhưng khi chị Hòe đến nhà tận tình vận động, chị đã mạnh dạn tham gia các lớp học chăn nuôi, trồng trọt, tìm hướng khai thác kinh tế từ đồi rừng. Được chị Hòe "chỉ đường" làm kinh tế, nay gia đình chị đã thoát nghèo.

Mô hình trồng cây kim ngân hoa dược liệu do chị Nguyễn Thị Hòe triển khai đã ngày càng mở rộng trên vùng đất Hoàng Hoa Thám

Mô hình trồng cây kim ngân hoa dược liệu do chị Nguyễn Thị Hòe triển khai đã ngày càng mở rộng trên vùng đất Hoàng Hoa Thám

“Khi chị Hòe giới thiệu đi học nâng cao kiến thức trồng trọt, chăn nuôi lại nhiệt tình hỗ trợ làm thủ tục vay vốn tín chấp ngân hàng, tôi đã mạnh dạn nuôi khoảng 1.000 con gà. Sau này thấy hiệu quả tôi mở thêm 3 trang trại với số gà chăn thả tăng hơn 3 lần so với ban đầu. Những vùng trồng bưởi, na, thanh long cũng dần được mở rộng. “Biết cách thoát nghèo, tôi cùng chị Hòe vận động, hỗ trợ nhiều chị em khác cùng vươn lên”, chị Vương nói.

Những năm gần đây, nhờ sự vào cuộc của Hội Liên hiệp phụ nữ xã gắn với triển khai những mô hình sinh kế hiệu quả đã giúp nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số của xã Hoàng Hoa Thám vươn lên. Năm 2023, cả xã có 9 hộ nghèo thì chỉ còn 2 hộ nghèo dân tộc thiểu số.

Không ngừng học hỏi

Chị Nguyễn Thị Hòe không ngại học hỏi để nâng cao kiến thức cho bản thân và giúp nhiều chị em người dân tộc thiểu số ở xã Hoàng Hoa Thám vươn lên thoát nghèo, làm giàu

Chị Nguyễn Thị Hòe không ngại học hỏi để nâng cao kiến thức cho bản thân và giúp nhiều chị em người dân tộc thiểu số ở xã Hoàng Hoa Thám vươn lên thoát nghèo, làm giàu

Dự án “Nuôi ong lấy mật giúp phụ nữ khó khăn khu vực miền núi, dân tộc thiểu số” đang được Hội Liên hiệp phụ nữ xã Hoàng Hoa Thám tích cực triển khai. Hưởng lợi từ mô hình là nhiều chị em dân tộc thiểu số của 3 thôn Đồng Châu, Thanh Mai, Hố Giải.

Khi nhắc về công lao trong suốt 20 năm cống hiến với phong trào phụ nữ địa phương, chị Hòe bảo đó là trách nhiệm và sự đồng cảm với những khó khăn của phụ nữ. Chị Hòe luôn tâm niệm, Bác Hồ từng nói non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ, vì vậy mọi người cần đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau để không gia đình chị em người dân tộc thiểu số nào phải nghèo nàn, thiếu thốn.

Luôn thấy bản thân chưa hoàn thiện, chị Hòe không ngại học hỏi để nâng cao kiến thức làm kinh tế. Đồng đất quê hương có nhiều tiềm năng khai thác dược liệu, nhất là trồng cây kim ngân hoa nên chị Hòe đã quyết tâm học và nghiên cứu phát triển sản phẩm dược liệu từ cây trồng này.

Năm 2021, chị Hòe mạnh dạn tham gia cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp của tỉnh với mô hình “Làm giàu từ cây dược liệu kim ngân hoa”. Chị quyết định làm gương khởi nghiệp trước để chị em ở xã Hoàng Hoa Thám làm theo. Hiện nay, mô hình trồng cây dược liệu kim ngân hoa do chị Hòe thực hiện đã phát huy hiệu quả. Sản phẩm trà, tinh dầu từ cây này đã được nhiều người biết đến, tin dùng. Hội Nông dân và nhiều doanh nghiệp cũng đã về xã Hoàng Hoa Thám tìm hiểu hỗ trợ phát triển mô hình.

Từ chỉ trồng rải rác trong vườn nhà làm thuốc chữa bệnh cho gia đình, đến nay diện tích cây kim ngân hoa ở xã Hoàng Hoa Thám đã mở rộng lên gần 10 ha. Nhiều gia đình chị em người dân tộc thiểu số của địa phương đã biết phát huy kinh tế đồi rừng vừa nuôi ong, thả gà, trồng cây ăn quả lại chế biến dược liệu để bán.

Đồng chí Trần Bích Thuận, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Hoàng Hoa Thám nhận xét, chị Nguyễn Thị Hòe luôn năng động, nhiệt tình với phong trào của địa phương. Chị ham học hỏi, gương mẫu, chủ động tham mưu các chính sách giúp phụ nữ Hoàng Hoa Thám, nhất là phụ nữ người dân tộc thiểu số tự tin, mạnh dạn khẳng định vai trò của mình trong xã hội, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. Chị là tấm gương sáng trong học tập và làm theo tấm gương của Bác.

Tích cực với phong trào phụ nữ của địa phương, chị Hòe nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, trong đó có hai lần chị được khen thưởng về thành tích học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

KHÁNH LINH

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/dong-hanh-giup-phu-nu-nguoi-dan-toc-thieu-so-xoa-ngheo-381656.html