Câu lạc bộ chăn nuôi heo và trồng cây ăn trái ở thị trấn Khánh Vĩnh: Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế
Từ năm 2016, Hội Phụ nữ thị trấn Khánh Vĩnh (huyện Khánh Vĩnh) đã thành lập 2 câu lạc bộ (CLB) chăn nuôi heo và trồng cây ăn trái, giúp chị em chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm trong chăn nuôi, trồng trọt, hỗ trợ nhau phát triển kinh tế gia đình.
Năm 2000, khi mới từ tỉnh Hải Dương vào Khánh Vĩnh lập nghiệp, gia đình bà Đỗ Thị Huyền (sinh năm 1976, trú Tổ 1 thị trấn Khánh Vĩnh) gặp khá nhiều khó khăn. Sau khi tham gia Hội Phụ nữ, bà Huyền được hướng dẫn hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển kinh tế. Với số vốn được vay, cộng với tiền tích góp của gia đình, vợ chồng bà đầu tư mua 1,2ha đất ở xã Khánh Nam với giá 8 triệu đồng ở thời điểm đó để chăn nuôi, trồng cây. Tận dụng hèm rượu nhà nấu, thức ăn thừa, bà nuôi heo thịt để bán. Khi mới bắt đầu, mỗi đợt bà chỉ nuôi 5 con, sau đó phát triển dần đàn heo. Đến nay, đàn heo nhà bà luôn dao động từ 60 đến 100 con. Ngoài ra, bà còn trồng 140 gốc bưởi da xanh và cam, khoai mì; nuôi từ 50 đến 60 con gà. Nhờ chịu khó làm ăn, kinh tế dần khấm khá, bà mua thêm 4ha đất ở thị trấn Khánh Vĩnh để trồng keo. Mỗi năm, gia đình bà thu lãi khoảng 100 triệu đồng từ chăn nuôi và trồng cây ăn trái.
Khi CLB chăn nuôi heo được thành lập, bà Huyền được tín nhiệm làm Chủ nhiệm CLB. Trong CLB không chỉ có người Kinh mà còn có 4 thành viên người Raglai và Tày. Chị em nào khó khăn sẽ được hỗ trợ vốn từ nguồn của Tổ góp vốn xoay vòng tại chi hội phụ nữ địa phương, vay mượn vốn trực tiếp với nhau hay hỗ trợ cho mua nợ con giống, vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Nhờ đó, các chị em mạnh dạn phát triển kinh tế gia đình. “Những đàn heo được các thành viên nuôi theo kiểu truyền thống, tận dụng thức ăn thừa, bã đậu, hèm rượu… nên thịt heo được người tiêu dùng ưa chuộng, không chỉ xuất bán ở địa phương mà còn tiêu thụ ở TP. Nha Trang, TP. Cam Ranh”, bà Huyền cho biết.
Lồng ghép trong các buổi sinh hoạt định kỳ hàng tháng của phụ nữ, thành viên của 2 CLB chia sẻ với nhau kinh nghiệm trong chăn nuôi, trồng trọt; thông tin về tình hình dịch bệnh trên vật nuôi, cây trồng; hướng dẫn cách khử trùng chuồng trại, mua cây giống, con giống tốt… Vì vậy, chị em có thêm kiến thức, kinh nghiệm và hỗ trợ nhau kịp thời trong phát triển kinh tế. Khi mới thành lập, mỗi CLB có khoảng 14 thành viên, đến nay CLB chăn nuôi heo có 17 thành viên, CLB trồng cây ăn trái có 22 thành viên tham gia. Bà Đinh Thị Lý (sinh năm 1990, trú Tổ 1 thị trấn Khánh Vĩnh) chia sẻ: “Từ khi tham gia CLB chăn nuôi heo và trồng cây ăn trái, tôi được hướng dẫn, tư vấn về việc trồng cây gì, nuôi con gì để phát triển kinh tế nhanh và dễ tiêu thụ, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đồng thời, tôi được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi và hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế. Nhờ đó, kinh tế gia đình dần khá lên”.
Theo bà Phạm Thị Minh Thuyên - Chủ tịch Hội Phụ nữ thị trấn Khánh Vĩnh, đa phần các thành viên của 2 CLB thực hiện thâm canh ở các xã lân cận như: Khánh Trung, Khánh Nam, Khánh Thành vì diện tích đất canh tác ở thị trấn không còn nhiều. Từ khi các chị em tham gia CLB, đời sống kinh tế ổn định hơn, tăng nguồn thu nhập cho gia đình. Khi thấy người này thực hiện hiệu quả, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, có thêm nhiều hội viên làm theo, mạnh dạn vay vốn làm ăn. Tuy nhiên, một số hộ chưa có điều kiện về tài chính để đầu tư cải tạo đất đai, lắp đặt hệ thống nước tưới đảm bảo cho diện tích trồng; đầu ra sản phẩm chưa ổn định… Thời gian tới, hội sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị tạo điều kiện hỗ trợ vốn, kỹ thuật cho chị em, tìm kiếm đầu ra ổn định cho sản phẩm.
Đánh giá về hiệu quả của các CLB, ông Huỳnh Quốc Việt - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Khánh Vĩnh cho biết, trồng cây ăn trái và chăn nuôi là hướng phát triển phù hợp với thổ nhưỡng, điều kiện ở địa phương. Các hội viên phụ nữ đã thực hiện thâm canh tốt, một số chị em còn đầu tư sản xuất ở các xã lân cận. Bên cạnh đó, các chị em đã vận dụng tốt nguồn vốn hỗ trợ phụ nữ để ổn định và phát triển kinh tế gia đình. Tuy nhiên, hiện nay, địa phương vẫn còn gặp một số khó khăn về diện tích đất canh tác; giá cả các loại cây ăn trái, nhất là bưởi da xanh còn bấp bênh… Vì vậy, rất mong các cơ quan chức năng quan tâm và có thêm nhiều biện pháp hỗ trợ trong việc tiêu thụ nông sản của người dân địa phương.
CHÂU TƯỜNG