Đồng hành hỗ trợ người chấp hành xong án phạt tù

Sau hơn một năm triển khai Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù tại thành phố Cần Thơ, hàng chục đối tượng được tiếp cận nguồn vốn để sản xuất, kinh doanh. Không bỏ lỡ cơ hội, những người lầm lỡ sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, làm lại cuộc đời.

Anh Nguyễn Phúc Hậu, phường Ba Láng (quận Cái Răng, Cần Thơ) đã làm lại cuộc đời với nghề làm lườn cá ba sa từ vốn vay theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg.

Anh Nguyễn Phúc Hậu, phường Ba Láng (quận Cái Răng, Cần Thơ) đã làm lại cuộc đời với nghề làm lườn cá ba sa từ vốn vay theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg.

Trao cơ hội cho người lầm lỡ

Sau 2 năm chấp hành án, anh Nguyễn Phúc Hậu (25 tuổi, ở phường Ba Láng, quận Cái Răng) trở về nhà với nhiều mặc cảm. Tuy nhiên, anh không buông xuôi mà quyết tâm làm lại cuộc đời.

Anh Hậu chia sẻ, trước khi chấp hành án phạt tù, anh phụ giúp ba mẹ buôn bán lườn cá, bao tử cá ba sa tươi. Anh đi đến cơ sở chế biến cá ba sa thu mua lườn cá và bao tử cá về vệ sinh sạch để bỏ mối cho khách. Hai năm vướng vòng lao lý, công việc kinh doanh của gia đình anh phải tạm dừng, nguồn thu nhập bị ảnh hưởng.

Tiếc nuối vì sai lầm của bản thân, anh khôi phục lại công việc của gia đình sau khi tái hòa nhập cộng đồng vào đầu năm 2024. Ngoài ra, anh mở thêm mặt hàng lườn cá ba sa khô bán trên nền tảng tiktok shop với hơn 100kg mỗi ngày. Theo anh Hậu, khó khăn nhất trong việc sản xuất lườn cá khô là vào mùa mưa, không thể phơi cá được.

Nhận thấy anh biết chí thú làm ăn, tháng 4/2024, Công an khu vực, UBND phường, Hội Phụ nữ phường Ba Láng và Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội quận Cái Răng hỗ trợ anh được vay 40 triệu đồng vốn theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg. Nhờ vốn tín dụng chính sách, anh đầu tư máy sấy có công suất sấy 200kg cá mỗi ngày. Điều này góp phần giúp anh cung cấp kịp đơn hàng cho khách. Giờ đây, mỗi tháng trừ chi phí, anh giúp gia đình có thêm lợi nhuận khoảng 5 - 10 triệu đồng.

Bà Đỗ Thị Ngọc Thu, phường Lê Bình, quận Cái Răng, bảo lãnh cho con chấp hành xong án phạt tù đến nhận giải ngân từ Ngân hàng Chính sách xã hội theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg.

Bà Đỗ Thị Ngọc Thu, phường Lê Bình, quận Cái Răng, bảo lãnh cho con chấp hành xong án phạt tù đến nhận giải ngân từ Ngân hàng Chính sách xã hội theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg.

Có con trở về sau 5 năm chấp hành án phạt tù, bà Đỗ Thị Ngọc Thu ( phường Lê Bình, quận Cái Răng) là người bảo lãnh cho con vay 70 triệu đồng vốn Ngân hàng Chính sách xã hội theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg.

Giữa tháng 9, bà Thu lần đầu đến tiếp nhận số tiền giải ngân từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội quận Cái Răng. Chia sẻ với chúng tôi, bà không giấu được niềm vui khi Nhà nước ban hành chính sách hỗ trợ vốn vay cho những người hoàn lương như con bà.

Sau khi chấp hành xong án phạt tù, con trai bà Thu đã biết chí thú làm ăn. Giờ đây, anh Tuấn (con trai bà Thu) đã có việc làm ở cửa hàng sửa xe gắn máy, với thu nhập 5 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, anh còn bỏ vốn mua xe máy cũ về sửa sang lại để bán cho khách có nhu cầu.

"Tôi vui mừng vì con thay đổi theo hướng tích cực và biết ơn Nhà nước đã tạo điều kiện cho con tôi được tiếp cận vốn vay làm kinh tế gia đình", bà Thu bày tỏ.

Theo ông Huỳnh Việt Tiến, Phó Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội quận Cái Răng, trước khi có Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg, từ tháng 4/2023, Công an quận phối hợp Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội quận triển khai mô hình "Chung tấm lòng xây ngày mới" nhằm hỗ trợ đối tượng chấp hành xong án phạt tù có vốn phát triển kinh tế, tái hòa nhập cộng đồng.

Từ tháng 4/2023 đến nay, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội quận Cái Răng giải ngân cho 9 đối tượng chấp hành xong án phạt tù được vay vốn theo chương trình cho vay giải quyết việc làm, với dư nợ 435 triệu đồng.

Tiếp nối chính sách nhân văn của Nhà nước đối với những người lầm lỡ, từ đầu năm 2024 đến nay, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội quận Cái Răng đã giải ngân cho vay theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg với tổng số tiền 630 triệu đồng cho 8 đối tượng. Thời gian tới, phối hợp với Công an quận rà soát đối tượng có nhu cầu vay vốn sản xuất kinh doanh, kịp thời hỗ trợ họ phát triển kinh tế, tái hòa nhập cộng đồng.

Phối hợp hỗ trợ người lầm lỡ tái hòa nhập

Ngày 15/11/2023, UBND thành phố Cần Thơ ban hành Kế hoạch số 231/KH-UBND về việc triển khai Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn. Đến cuối tháng 1/2024, Công an thành phố và Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố tổ chức Lễ ký kết Chương trình phối hợp về thực hiện Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg.

Theo nội dung ký kết, Công an thành phố Cần Thơ và Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, chính sách để các cấp, ngành, tầng lớp nhân dân, đối tượng thụ hưởng tiếp cận và thực hiện hiệu quả công tác tái hòa nhập cộng đồng, tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn. Đồng thời quán triệt cán bộ, nhân viên nắm vững quy định của pháp luật trong công tác tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù để thực hiện.

Đại tá Hồ Trung Lập, Phó Giám đốc Công an thành phố Cần Thơ nhận định, Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là chính sách đúng đắn và quan trọng, kịp thời tạo điều kiện để người chấp hành xong án phạt tù khắc phục khó khăn kinh tế, xóa bỏ mặc cảm, tái hòa nhập cộng đồng và trở thành công dân có ích cho xã hội.

Từ khi triển khai Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Cần Thơ đã giải ngân cho 48 khách hàng được vay vốn, với số tiền trên 2,7 tỷ đồng. Riêng số khách hàng được giải ngân từ đầu năm 2024 đến nay là 36 người, với số tiền gần 2 tỷ đồng.

Ông Lăng Chánh Huệ Thảo, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Cần Thơ khẳng định, 100% đối tượng đủ điều kiện, có nhu cầu vay vốn đều được vay theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg. Các đối tượng sử dụng nguồn vốn vay chủ yếu để buôn bán nhỏ lẻ, trồng trọt... Các dự án sử dụng vốn đúng mục đích, phát huy tính hiệu quả của đồng vốn tín dụng chính sách.

Theo Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Cần Thơ, việc triển khai Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg trên địa bàn thành phố thời gian qua luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự phối hợp chặt chẽ của công an, các hội, đoàn thể nhận ủy thác trong tuyên truyền, rà soát đối tượng. Đến nay, việc cho vay các đối tượng theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg chưa phát sinh trường hợp khó khăn, vướng mắc.

Trước khi có Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các xã, phường, thị trấn ở Cần Thơ bình xét cho 33 đối tượng đã chấp hành xong án phạt tù, có đủ điều kiện vay vốn theo quy định của chương trình Cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, với số tiền trên 1 tỷ đồng thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh.

Để tiếp tục thực hiện Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg, thời gian tới, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Cần Thơ tiếp tục phối hợp với Công an, chính quyền địa phương và hội đoàn thể nhận ủy thác tập trung tuyên truyền, rà soát, lập danh sách đối tượng có nhu cầu, đủ điều kiện vay vốn. Từ đó, tổng hợp nhu cầu vay vốn, trình Trung ương và UBND thành phố bố trí nguồn vốn, kịp thời giải ngân, giúp các đối tượng, gia đình tiếp cận vốn vay tín dụng chính sách, phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng.

Bài và ảnh: Thu Hiền (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/dong-hanh-ho-tro-nguoi-chap-hanh-xong-an-phat-tu-20240923135350826.htm