Đồng hành, hợp tác phát triển xanh

Ngày 14-9, chương trình gặp gỡ giữa lãnh đạo TPHCM với lãnh đạo các tập đoàn mang tên 'CEO 100 Tea Connect' diễn ra tại Hội trường Thống Nhất. Hoạt động nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế TPHCM (HEF) 2023 từ ngày 13 đến 17-9.

Bước đầu tiên trong “hành trình vạn dặm”

Buổi gặp gỡ mở đầu trong không khí trang trọng, thân tình với nghi thức mời trà và thưởng thức trà Việt. Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đã giới thiệu đến các vị khách quý về một siêu đô thị đang phát triển là TPHCM cùng những thách thức mà thành phố phải đối mặt. Để ứng phó với những thách thức, TPHCM đang tái cơ cấu kinh tế, trong đó xác định kinh tế xanh là động lực thúc đẩy tăng trưởng phát triển bền vững giai đoạn tới.

Qua buổi gặp gỡ này, TPHCM sẽ tiếp thu các ý kiến và hoàn thiện khung chiến lược phát triển kinh tế xanh trong tháng 9 này. Đồng chí Phan Văn Mãi cũng “đặt hàng” các vị khách mời góp ý về các vấn đề chuyển đổi năng lượng xanh, giao thông xanh, xử lý rác thải, nước thải; phát triển thị trường tín chỉ carbon; thí điểm xây dựng huyện Cần Giờ thành địa phương xanh của TPHCM…

“Hành trình vạn dặm bắt đầu từ bước chân đầu tiên. Chúng tôi tin rằng, chúng ta có mặt ở đây và đang đi bước đi đầu tiên đó. TPHCM mong được nghe đề xuất, sáng kiến cụ thể từ các vị đại biểu và mong tiếp tục hợp tác trong hành trình xanh hướng đến tương lai, phát triển bền vững”, đồng chí Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi với đại biểu tham dự chương trình gặp gỡ

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi với đại biểu tham dự chương trình gặp gỡ

Đáp lại lời gợi mở của người đứng đầu chính quyền TPHCM, tại chương trình, 19 đại biểu khách mời tham dự đã góp nhiều ý kiến tâm huyết, có những cam kết mạnh mẽ đồng hành, hợp tác với TPHCM trên hành trình chuyển đổi xanh. Ông Lim Sangjun, Thứ trưởng Thường trực Bộ Môi trường Hàn Quốc, chia sẻ, những vấn đề TPHCM đang gặp phải mang tính toàn cầu.

Đồng quan điểm, ông Ichisaka Hirofumi, Giám đốc điều hành cấp cao về quan hệ quốc tế tỉnh Osaka, Nhật Bản, cũng nêu kinh nghiệm, nhờ bước đi rất sớm trong công tác bảo vệ môi trường mà Osaka có được ngày hôm nay. Nhưng biến đổi khí hậu, nóng lên toàn cầu, sản xuất hàng loạt sản phẩm nhựa đã đe dọa đến cả nhân loại và không thể giải quyết bởi một tỉnh hay một quốc gia riêng lẻ. “Hy vọng diễn đàn kinh tế TPHCM là cơ hội tốt để chúng ta ngồi lại với nhau chia sẻ các ý tưởng, cách làm, truyền cảm hứng cho nhau trong hành trình này”, ông Ichisaka Hirofumi nói.

Chủ tịch UBND TPHCM PHAN VĂN MÃI: Phát triển xanh là lựa chọn tất yếu của TPHCM

TPHCM sẽ xây dựng khung hành động phát triển xanh với tiêu chí rõ việc, rõ thời gian, rõ từng lĩnh vực, đối tượng. TPHCM sẽ nghiên cứu chính sách để đồng hành với doanh nghiệp trong chuyển đổi, phát triển xanh, ban hành để thực thi trong đầu năm 2024. Thành phố cam kết bố trí đầy đủ nguồn lực để thực hiện, hướng tới Net Zero (phát thải ròng bằng 0) vào năm 2050. Cảm ơn các giám đốc điều hành (CEO) trong và ngoài nước đã bày tỏ sẵn sàng đồng hành, hợp tác với TPHCM trên hành trình chuyển đổi xanh. Bởi đúng như các vị khách mời đã chia sẻ, hành trình này cần sự hợp tác, trong quá trình đó, TPHCM mong muốn nhận được sự hỗ trợ, hợp tác để triển khai đạt kết quả tốt.

Ông GABOR FLUIT, Chủ tịch EuroCham: Hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua “rào cản xanh”

Các thỏa thuận xanh của Liên minh châu Âu (EU), hay Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) đều hướng đến mục tiêu Net Zero vào 2050. Phía EuroCham (Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam) mong muốn hỗ trợ qua chuyển giao công nghệ, chia sẻ mô hình, xây dựng năng lực cho các dự án, thông qua đó giúp TPHCM trở thành trung tâm xuất khẩu cho EU. Vài tháng tới, chúng tôi sẽ có một loạt hoạt động để doanh nghiệp có thể triển khai các thỏa thuận xanh của châu Âu, thúc đẩy phát triển bền vững. Tháng 11 tới đây, chúng tôi cũng sẽ tổ chức một sự kiện lớn, có sự tham gia của Ủy ban châu Âu và Chính phủ Hà Lan. Tại sự kiện này, có thể thảo luận các giải pháp để giải tỏa áp lực từ các quy định mới của EU, thúc đẩy quan hệ hai bên và cũng giúp Việt Nam đạt mục tiêu phát triển bền vững.

Nhiều cam kết hợp tác

Ông Peter Hồng, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, cho rằng, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, đầu tư công không phải là nguồn vốn chủ đạo trong tăng trưởng xanh, mà nguồn đầu tư tư nhân mới đóng vai trò quyết định. Do đó, Nhà nước và TPHCM cần có cơ chế để thúc đẩy hơn nữa các chương trình tín dụng xanh từ các tổ chức tài chính trong và ngoài nước, như: thành lập ngân hàng xanh chuyên biệt hoặc quỹ đầu tư xanh; thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu xanh, tín dụng xanh, tín chỉ carbon, thị trường mua bán carbon… Đây chính là những kênh thu hút hiệu quả các dòng vốn phục vụ tăng trưởng xanh, thu hút các doanh nghiệp, tổ chức triển khai dự án xanh.

Quang cảnh chương trình gặp gỡ giữa lãnh đạo TPHCM với lãnh đạo các tập đoàn mang tên “CEO 100 Tea Connect”. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Quang cảnh chương trình gặp gỡ giữa lãnh đạo TPHCM với lãnh đạo các tập đoàn mang tên “CEO 100 Tea Connect”. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Đại diện nhiều định chế tài chính, ngân hàng tại buổi gặp gỡ cũng góp ý giải pháp phát triển tài chính xanh, cùng thiện chí hợp tác. TS Lê Võ Phương Nga, Giám đốc tài chính và đối tác Tổ chức Khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu - AVSE Global, đề xuất xây dựng trái phiếu kiều hối xanh, hướng dòng kiều hối vào các chương trình cụ thể để giải quyết tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm… Theo TS Lê Võ Phương Nga, TPHCM hoàn toàn có thể thực hiện được quá trình chuyển đổi xanh, chỉ cần lãnh đạo thành phố có đủ quyết tâm. “Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ nguồn lực về tri thức để TPHCM tiên phong trong các giải pháp xanh”, TS Phương Nga cam kết.

Đầu tư cho tri thức, giáo dục cũng là nội dung được nhiều đại biểu góp ý. Khá thẳng thắn khi đề cập đến những hạn chế, bất cập của TPHCM hiện nay, bà Lê Thị Mai Thanh, Tổng Giám đốc Công ty CP Cơ điện lạnh REE, phát biểu, chính quyền TPHCM đã nhìn nhận ra những hạn chế, song mức độ hành động vẫn chưa theo kịp. Chính quyền TPHCM cần hành động mạnh mẽ hơn, đưa ra lộ trình cụ thể để doanh nghiệp, người dân tham gia tích cực vào quá trình chuyển đổi xanh của thành phố. Đồng thời, TPHCM cũng cần đưa chuyển đổi xanh vào giáo dục học đường, tuyên truyền để mọi người, mọi nhà cùng quan tâm, hưởng ứng thực hiện.

Sáng 14-9, TS Philipp Rösler, nguyên Phó Thủ tướng Đức đã có buổi giao lưu với cán bộ, sinh viên ĐH Quốc gia TPHCM và doanh nghiệp với chủ đề “Chuyển đổi xanh: Cơ hội và thách thức”. Đây cũng là hoạt động bên lề của Diễn đàn Kinh tế TPHCM (HEF) 2023. Theo TS Philipp Rösler, khái niệm kinh tế xanh không chỉ được đề cập ở tầm quốc gia mà còn đi liền với cuộc sống của mỗi người. Người trẻ cần được giáo dục để thật sự thấu hiểu những ảnh hưởng tiêu cực với thiên nhiên. Từ đó, người trẻ sẽ trăn trở việc có thể làm gì để cải thiện tình hình và lan truyền thông điệp sống xanh cho những người khác.

THI HỒNG - MAI HOA

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/dong-hanh-hop-tac-phat-trien-xanh-post705673.html