Đồng hành trên con đường tới trường của học sinh nghèo nơi biên giới

Thiệt thòi khi không được bố mẹ đồng hành chuẩn bị cho năm học mới, nhưng những em học sinh trong Chương trình 'Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn biên phòng' do Bộ Tư lệnh BĐBP phát động và tổ chức triển khai thực hiện bằng nguồn kinh phí do cán bộ, chiến sĩ BĐBP đóng góp và sự chung tay của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm vẫn có ngày tựu trường đầy hạnh phúc như bao bạn bè cùng trang lứa. Tình yêu thương, sự quan tâm, chăm sóc của những người lính Biên phòng chính là sự bù đắp to lớn cho những em học sinh vốn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn và tạo động lực để các em vươn lên trong cuộc sống.

Năm học 2024-2025, hai em Sộng A Tạng và Sộng Mạnh Quốc bắt đầu ở ngôi nhà mới - Đồn Biên phòng Mường Lạn. Ảnh: Nguyễn Hòa Bình

Năm học 2024-2025, hai em Sộng A Tạng và Sộng Mạnh Quốc bắt đầu ở ngôi nhà mới - Đồn Biên phòng Mường Lạn. Ảnh: Nguyễn Hòa Bình

Đã 8 năm trôi qua kể từ khi Bộ Tư lệnh BĐBP phát động và tổ chức triển khai thực hiện Chương trình “Nâng bước em tới trường - Con nuôi Đồn biên phòng” đỡ đầu học sinh nghèo vượt khó ở khu vực biên giới, đã có hàng nghìn em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, con gia đình chính sách, người dân tộc thiểu số (trong đó có cả học sinh người Lào, Campuchia) được nâng bước tới trường. Nhiều em học sinh đã tốt nghiệp phổ thông trung học, thi đỗ vào các trường cao đẳng, đại học trong và ngoài quân đội, trở thành người có ích cho xã hội, qua đó, góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho các địa phương phục vụ xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, đặc biệt là xây dựng "thế trận lòng dân" bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc... Với kết quả đó, Chương trình “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn biên phòng” đã tạo sức lan tỏa lớn, tô thắm thêm hình ảnh người lính quân hàm xanh cũng như thắt chặt hơn nữa tình quân dân nơi biên giới.

Năm học 2024-2025, cả nước có 2.543 học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 được Chương trình “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn Biên phòng” đỡ đầu. Biết bao dự định, ước mơ được viết nên bởi những em học sinh đặc biệt này. Năm học mới này vô cùng đặc biệt đối với Sộng A Tạng (bản Nong Phụ, xã Mường Lạn) và Sộng Mạnh Quốc (bản Pá Kạch, xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La) vì lần đầu tiên rời xa vòng tay của mẹ để bắt đầu cuộc sống ở một "gia đình mới" - Đồn Biên phòng Mường Lạn, BĐBP Sơn La. Thực ra, mấy tháng trước, cả hai em đã được Đồn Biên phòng Mường Lạn nhận làm con nuôi, thế nhưng, vì còn nhỏ, để các em khỏi bỡ ngỡ, hàng tuần, cán bộ Đồn Biên phòng Mường Lạn đều đến nhà đón các em về đồn Biên phòng ở một vài ngày để làm quen dần.

Những bữa ăn ngon, bộ quần áo đẹp, trò chơi và hơn cả là tình cảm của những người lính Biên phòng khiến hai cậu bé mồ côi cha cảm nhận được sự ấm áp của ngôi mà mới. Không những vậy, ở đồn Biên phòng cũng có “mẹ”, đó là Thiếu tá Quàng Thị Bình (nhân viên Đội Vận động quần chúng). Trung tá Lò Văn Tuân, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Mường Lạn cho biết: “Cháu Quốc mới bắt đầu vào lớp 4, cháu Tạng vào lớp 5 nên việc nuôi dưỡng các cháu còn cả quãng đường dài phía trước. Ban chỉ huy đồn đã thống nhất giao cho Thiếu tá Quàng Thị Bình có nhiệm vụ phụ trách hai con nuôi. Sẽ có nhiều khó khăn, nhất là khi hai cháu tiếng phổ thông còn hạn chế, nhưng tình thương và trách nhiệm của những người lính sẽ giúp hai cháu cảm nhận rằng đồn Biên phòng chính là gia đình của mình”.

Các thành viên Câu lạc bộ “Phụ nữ với chiến sĩ quân hàm xanh” tới thăm, động viên em Trần Thị Bảo Ngọc trước thềm năm học mới. Ảnh: Nguyễn Hòa Bình

Các thành viên Câu lạc bộ “Phụ nữ với chiến sĩ quân hàm xanh” tới thăm, động viên em Trần Thị Bảo Ngọc trước thềm năm học mới. Ảnh: Nguyễn Hòa Bình

Cô gái nhỏ Trần Thị Bảo Ngọc (thôn 8, xã Sơn Hồng, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) có hoàn cảnh rất đáng thương. Bố thường xuyên đau ốm nhưng vẫn phải đi vác keo thuê kiếm tiền nuôi gia đình. Chị gái đầu lại bị khuyết tật bẩm sinh, mẹ phải ở nhà chăm sóc, quán xuyến việc nên nhà lúc nào cũng thiếu trước hụt sau. Ngoài giờ lên lớp, Ngọc tranh thủ phụ giúp cha mẹ việc nhà cửa, chăm chị, trông em, thế nhưng năm nào cô học trò cũng đạt học lực khá, giỏi. Trước hoàn cảnh đó, tháng 9/2023, Câu lạc bộ “Phụ nữ với chiến sĩ quân hàm xanh” nhận đỡ đầu Trần Thị Bảo Ngọc. Hoạt động đỡ đầu này còn có Trung tá Phạm Vân Anh (Trợ lý Phòng Tuyên huấn, Cục Chính trị BĐBP) cùng đồng hành.

Năm học 2024-2025, Trần Thị Bảo Ngọc bước vào lớp 10, không tránh khỏi lo lắng vì môi trường mới, rồi nhà cách trường 15km nên có những ngày phải ở lại để tiếp tục học ca chiều. Thế nhưng, hôm trước, các cô chú trong Câu lạc bộ “Phụ nữ với chiến sĩ quân hàm xanh” đến thăm và động viên rất nhiều. Cô Nở, Chủ nhiệm câu lạc bộ bảo, lớp 9 Ngọc học lực khá, lại còn là học sinh giỏi cấp huyện, giờ không phải là trường chuyên nhưng là lớp chọn cho thấy năng lực học tập tốt. Chú Sơn, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng cũng nói sẽ thường xuyên đến nhà để kèm cặp việc học cho Ngọc. Chỉ cần Ngọc xác định tư tưởng tốt, chăm chỉ, có ý chí phấn đấu thì không có gì không thể vượt qua.

Nghe những lời động viên của các cô chú, Ngọc thấy vững tin hơn rất nhiều. Mẹ Vân Anh đã mua cho cặp lồng cơm giữ nhiệt để Ngọc mang cơm đi ăn buổi trưa. Quần áo mới mẹ cũng gửi từ Hà Nội vào. Ngọc xúc động lắm, viết thư gửi cho mẹ: “Con xin hứa rằng, trên quãng được học tập, con sẽ cố gắng không ngừng nghỉ để đạt được thành quả tốt hơn, không phụ sự kì vọng của bố mẹ vì luôn yêu thương con. Con cảm ơn mẹ, cảm ơn các cô chú trong Câu lạc bộ “Phụ nữ với chiến sĩ quân hàm xanh”.

Tại Đà Nẵng, Chương trình “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn Biên phòng” đã tạo sức lan tỏa không chỉ ở khu vực biên giới biển của thành phố, mà còn vang xa hơn khi có nhiều nhà hảo tâm cùng chung tay. Năm 2019, bà Trần Thị Tuyết Hồng (quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh) thông qua Đồn Biên phòng Non Nước, BĐBP thành phố Đà Nẵng để nhận đỡ đầu em Cao Nguyễn Thịnh Phát (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) là con nuôi của Đồn Biên phòng Non Nước, với mức hỗ trợ 500 nghìn đồng mỗi tháng.

Không chỉ vậy, vào ngày lễ, Tết, đặc biệt là đầu năm học, bà Hồng luôn gửi thêm tiền để mua cho Phát tấm áo mới hoặc đồ dùng học tập còn thiếu. Còn nhỏ tuổi, nhưng Cao Nguyễn Thịnh Phát vẫn cảm nhận được lòng tốt của bà Trần Thị Tuyết Hồng - người phụ nữ tưởng chừng như rất xa lạ sẵn sàng đến chia sẻ, đồng hành khi gia đình gặp khó khăn. Sự giúp đỡ ấy giúp Phát có thêm điều kiện để đến trường, giúp ông bà nội vốn đã rất già yếu bớt đi gánh nặng lo toan cho đứa cháu trai côi cút. Nhờ có sự đồng hành của bà Hồng và cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Non Nước, cuộc sống của Phát và ông bà nội bớt đi những ngày vất vả.

Một năm học mới lại bắt đầu. Những em học sinh được những người lính Biên phòng nhận đỡ đầu, hay là "con nuôi đồn Biên phòng” thì vẫn có chung một điểm, đó là trên hành trình giấc mơ con chữ, luôn có sự đồng hành của những người lính Biên phòng và cánh cửa tương lai của các em đang rộng mở phía trước.

Nguyễn Hòa Bình

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/dong-hanh-tren-con-duong-toi-truong-cua-hoc-sinh-ngheo-noi-bien-gioi-post480224.html