Đồng hành trên một vùng đất

Là người viết báo, từng công tác ở cả hai tờ báo lớn của Thủ đô là Hànôịmới và Kinh tế & Đô thị nên gần như một sự tất nhiên, từ hàng chục năm nay, tôi đã coi Lâm Hà, trước nữa là Khu kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng, như một chốn đi về. Và như một cơ duyên, sau khi nghỉ hưu, tham gia những hoạt động ActionAid Việt Nam (AAV) - một tổ chức phi chính phủ quốc tế có văn phòng đại diện tại Việt Nam, tôi lại thêm cơ hội về Lâm Hà, nơi AAV có những dự án hỗ trợ người dân xóa đói, giảm nghèo từ hơn chục năm nay để chứng kiến những đổi thay…

Bàn giao trang thiết bị y tế cho Phòng khám Sản phụ khoa Tân Hà

Bàn giao trang thiết bị y tế cho Phòng khám Sản phụ khoa Tân Hà

KHỞI ĐẦU MỘT HÀNH TRÌNH

Còn nhớ, từ năm 2013, sau khi các văn bản thỏa thuận hợp tác giữa ActionAid Việt Nam với UBND tỉnh Lâm Đồng, UBND huyện Lâm Hà được ký kết, những cán bộ đầu tiên của AAV đã có mặt ở vùng đất còn không ít khó khăn này với Dự án lãnh đạo trẻ tăng cường trách nhiệm giải trình minh bạch của các đơn vị cung cấp dịch vụ công. Đó có thể coi là sự khởi đầu đầy hứng khởi của một hành trình mà AAV gắn bó lâu dài với vùng đất này.

Hướng tới đối tượng thanh niên thông qua đối tác phối hợp triển khai hoạt động là Huyện Đoàn Lâm Hà, Dự án đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Trong thời gian không dài, từ tháng 5/2013 đến tháng 9/2014, Dự án đã thành lập được 3 câu lạc bộ thanh niên với 90 đoàn viên, thanh niên tham gia. Các thành viên được tập huấn kỹ năng lãnh đạo, quản lý nhóm, được hỗ trợ tổ chức sinh hoat định kỳ theo tháng và quý, được tham quan học hỏi các mô hình sản xuất kinh tế mới do thanh niên thực hiện để áp dụng tại địa phương. Sau khi kết thúc dự án, các câu lạc bộ thanh niên vẫn duy trì hoạt động, có 1 tổ hợp tác phát triển kinh tế đã hình thành từ các câu lạc bộ thanh niên này.

Nhiều người dân Lâm Hà cũng như các địa phương khác ở Tây Nguyên hẳn còn chưa quên đợt hạn hán mùa khô năm 2016 - 2017. Với mục tiêu giảm nhẹ ảnh hưởng của hạn hán cho người dân trên địa bàn huyện Lâm Hà, một dự án hỗ trợ người dân mà đối tượng hưởng lợi là các hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số của 2 xã Tân Thanh, Đan Phượng. 100 hộ nghèo trên địa bàn 2 xã được hỗ trợ giống lúa và giống ngô, mỗi hộ được cấp phát 2 đợt giống để sản xuất năm 2016, 2017. Số lượng giống của các hộ được nhận tương đương 1,8 triệu đồng. 40 hộ dân được nhận bồn chứa nước 2.000 lít cho mùa khô. 120 thành viên được tham gia tập huấn nâng cao năng lực để phòng, chống hạn hán, 4 kế hoạch phòng, chống hạn hán đã được xây dựng tại 4 thôn thuộc xã Tân Thanh, Đan Phượng.

Khai trương Phòng khám Sản phụ khoa Tân Hà

Khai trương Phòng khám Sản phụ khoa Tân Hà

Những kết quả ban đầu đó đã như sự khởi đầu một hành trình, tạo đà cho những hoạt động 10 năm qua của AAV tại 2 xã dự án cũng như cả huyện Lâm Hà, tạo ra những thay đổi rõ nét ở vùng đất này.

NHỮNG ĐỔI THAY TỪ CỘNG ĐỒNG

Khó có thể kể hết những dự án được AAV triển khai với hàng trăm hoạt động thiết thực ở cộng đồng tại 2 xã Tân Thanh và Đan Phượng trong 10 năm qua. Đó là các hoạt động như: Thúc đẩy các giải pháp sinh kế thay thế và nông nghiệp bền vững; Nâng cao trách nhiệm giải trình và tình đoàn kết Nhân dân nhằm thay đổi xã hội, tăng cường lãnh đạo trẻ và tín nhiệm xã hội dân sự; Thúc đẩy bình đẳng trong tiếp cận giáo dục chất lượng cho trẻ em; Ứng phó với tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu bằng các phương pháp lấy con người làm trung tâm; Xây dựng các giải pháp xã hội và chính trị cho phụ nữ và trẻ em gái… Những hoạt động thuộc các dự án không chỉ góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao năng lực, kỹ năng làm việc, khả năng phòng, chống thiên tai, biến đổi khí hậu… cho cán bộ, người dân đặc biệt là phụ nữ, trẻ em, đồng bào các dân tộc thiểu số ở Lâm Hà mà còn ghi lại những dấu ấn rõ nét trong nhận thức, hành động của người dân nơi đây.

Khám, chữa bệnh tại Phòng khám Sản phụ khoa Tân Hà

Khám, chữa bệnh tại Phòng khám Sản phụ khoa Tân Hà

Những năm qua, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, các chương trình, dự án do AAV thực hiện vẫn được triển khai. Năm 2022 này, tính đến 30/8 đã có nhiều hoạt động từ các dự án được thực hiện. Đó là Hỗ trợ Hội Phụ nữ xã Tân Thanh, Đan Phượng tổ chức truyền thông về phòng, chống xâm hại tình dục; Khảo sát tình trạng đất rừng tại 2 xã Tân Thanh, Đan Phượng để đưa ra nhu cầu hỗ trợ cây giống cho người dân; Thành lập 2 tổ hợp tác trồng rừng tại 2 xã; Hỗ trợ 9.000 cây dổi xanh trồng lấy hạt cho 46 hộ dân trồng trên đất rừng che phủ 45 ha đất lâm nghiệp; Thành lập 3 nhóm thanh niên nòng cốt tham gia dự án với 100 đoàn viên tham gia; Tập huấn cho thanh niên các kiến thức về kỹ năng truyền thông, điều hành quản lý nhóm, phòng ngừa giảm nhẹ thiên tai… Những hoạt động đó không chỉ tiếp tục đem lại những đổi thay từ cộng đồng mà còn chứng tỏ sức sống của những dự án mà AAV đã và đang triển khai nơi đây.

SỰ GHI NHẬN XỨNG ĐÁNG

Nhìn lại hành trình 10 năm qua, giai đoạn 2012 - 2022 AAV cùng với chính quyền, các cơ quan, ban, ngành, địa phương tại huyện Lâm Hà triển khai rất nhiều hoạt động thiết thực, đáp ứng những nhu cầu cụ thể của người dân cũng như hài hòa với chủ trương, chính sách của chính quyền các cấp. Các chương trình mà AAV thực hiện tại 2 xã Tân Thanh và Đan Phượng được chính quyền địa phương và người dân đánh giá rất cao vì đã góp phần giúp cho người dân nơi đây có điều kiện học hỏi thêm những kiến thức về trồng trọt, thực hiện các mô hình nông nghiệp và sinh kế bền vững, được tiếp cận thêm nguồn vốn từ AAV để phát triển kinh tế gia đình, từng bước xóa đói, giảm nghèo. Người dân và cán bộ tại các xã dự án được tập huấn về chính sách, pháp luật của Nhà nước, được hỗ trợ các vật phẩm cần thiết trong quá trình đại dịch COVID-19 xảy ra; các giáo viên, học sinh, và phụ huynh học sinh được trang bị kiến thức các kỹ năng mềm mang lại những tác động tích cực cho chất lượng giáo dục tại địa phương. Mô hình Phòng khám sản phụ khoa đã phục vụ rất hiệu quả cho người dân 6 xã cụm Tân Hà.

Cấp hỗ trợ cây giống cho nông dân xã Tân Thanh trồng rừng để hấp thụ carbon rừng

Cấp hỗ trợ cây giống cho nông dân xã Tân Thanh trồng rừng để hấp thụ carbon rừng

Ông Đinh Đức Chí - Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà, Trưởng Ban Quản lý Dự án đã đánh giá: “Sau 10 năm đầu tư của ActionAid vào hai vùng dự án là xã Tân Thanh và Đan Phượng, những xã vùng sâu, vùng xa có đồng bào dân tộc thiểu số, với số tiền trên 20 tỷ đồng đã góp phần giúp đời sống của người dân, đặc biệt là các hộ nghèo, cận nghèo được cải thiện. Đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội được nâng cao và có bước phát triển bền vững. Các mô hình, nội dung hoạt động của ActionAid đã trở thành kinh nghiệm tốt để Lâm Hà áp dụng vào việc phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Mặt khác, mô hình thực hiện hoạt động hỗ trợ thông qua hệ thống chính trị các cấp đã giúp tiết kiệm chi phí quản lý, nâng cao hiệu quả của các dự án. Có thể nói, sự hỗ trợ của ActionAid hơn 10 năm qua đã góp phần rõ nét vào việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng ở hai xã vùng dự án và Lâm Hà, đưa huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020”.

Những ngày đầu tháng 11 này, nhiều sự kiện trong khuôn khổ kỷ niệm 30 năm Ngày ActionAid chính thức có mặt tại Việt Nam được tổ chức tại Lâm Hà. Đó có thể coi là sự ghi nhận xứng đáng cũng thể hiện tình cảm của Đảng bộ, chính quyền và người dân Lâm Hà với những đóng góp của AAV sau 10 năm đồng hành cùng vùng đất này.

VIỆT ANH

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/xahoi/202211/dong-hanh-tren-mot-vung-dat-3142589/