Đồng hành vì hạnh phúc trẻ em Việt Nam
Bà Anjanette Saguisag, Quyền trưởng Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam đánh giá cao những thành quả của Việt Nam trong việc đảm bảo quyền trẻ em, đồng thời nhấn mạnh với sứ mệnh của mình, UNICEF luôn đồng hành vì lợi ích tốt nhất của trẻ em Việt Nam.
Nhân Tháng hành động vì trẻ em 2023 có chủ đề “Chung tay giảm thiểu tổn hại trẻ em”, bà có thể đánh giá những nỗ lực của Việt Nam trong thời gian qua trong việc bảo đảm quyền trẻ em?
Không còn nghi ngờ gì nữa, Việt Nam là quốc gia tiên phong trong khu vực và trên toàn cầu về bảo vệ quyền trẻ em, thể hiện qua việc sớm phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em (CRC) và tiến trình thực hiện Công ước này.
Trong Báo cáo quốc gia định kỳ lần thứ năm và thứ sáu về thực hiện CRC tại Việt Nam, Ủy ban về quyền trẻ em nhấn mạnh các biện pháp về thể chế và chính sách đa dạng mà Việt Nam cam kết thực hiện. Việt Nam tiếp tục củng cố các hệ quy chiếu và cách tiếp cận về giới đối với trẻ em như sức khỏe, dinh dưỡng, nước, vệ sinh, môi trường trong sạch, giáo dục và bảo trợ xã hội.
Trong những năm gần đây, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến mọi khía cạnh trong cuộc sống của trẻ em. Tuy nhiên, Việt Nam đã đạt được một số kết quả tích cực cho trẻ em. Ví dụ, tính đến tháng 12/2022, hầu hết người dân trên 12 tuổi và hơn 90% trẻ em từ 5-11 tuổi đã hoàn thành tiêm các liều vaccine Covid-19 cơ bản.
Kế hoạch dinh dưỡng quốc gia được phê duyệt, các dịch vụ về nước và vệ sinh được tăng cường, đồng thời các hệ thống và dịch vụ bảo vệ trẻ em tiếp tục được củng cố thông qua khung pháp lý bảo vệ trẻ em, tư pháp trẻ em và hợp tác liên ngành chống bạo lực đối với trẻ em (VAC). Giáo dục hòa nhập là lĩnh vực đang được tăng cường, chiến lược chuyển đổi số là bước đi phù hợp bảo đảm trang bị kỹ năng số cho mọi trẻ em.
Ngoài ra, dựa trên một nghiên cứu toàn diện về các yếu tố liên quan đến trường học ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần, việc thúc đẩy, phòng ngừa và lập chương trình sức khỏe tâm thần trong trường học được cải thiện thông qua đào tạo các nhân viên và giáo viên y tế trường học.
Những tồn tại và khó khăn của Việt Nam thì sao, thưa bà?
Giống như tất cả các quốc gia, Việt Nam vẫn đang vật lộn với những tác động kinh tế xã hội sâu rộng do đại dịch Covid-19 mang lại, đặc biệt nghiêm trọng đối với những đối tượng dễ bị tổn thương nhất – trẻ em khuyết tật, trẻ em dân tộc thiểu số và những người bị ảnh hưởng bởi di cư, biến đổi khí hậu hay xung đột.
Tiến độ đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) đã chậm lại trên nhiều khía cạnh, đáng chú ý là tỷ lệ tiêm chủng định kỳ cho trẻ em dưới một tuổi. Cùng với đó, nỗ lực giảm bạo lực đối với trẻ em bị đình trệ, với hơn 72% trẻ em từ 1-14 tuổi bị bạo lực tại nhà. Suy dinh dưỡng cấp tính vẫn là mối nguy hiểm thực sự, với khoảng 200.000 trẻ em mắc phải hàng năm và chỉ 10% trong số đó được điều trị phù hợp.
Chỉ một phần năm hộ gia đình dân tộc thiểu số được tiếp cận với các dịch vụ cơ bản về nước sạch và vệ sinh môi trường. Tỷ lệ nhập học mầm non của trẻ 3-5 tuổi của nhóm dân tộc là 66% so với 92% của cả nước. Báo cáo gần đây đã chỉ ra rằng gần như tất cả trẻ em ở Việt Nam-99,5% phải đối mặt với ba loại sốc khí hậu trở lên, so với 89% trong khu vực và 73% trên toàn cầu.
Những điều này được phản ánh trong Kết luận của Ủy ban về quyền trẻ em, trong đó đề nghị Việt Nam đặc biệt quan tâm và thực hiện các biện pháp khẩn cấp để giải quyết các vấn đề về quyền không bị phân biệt đối xử, bạo lực đối với trẻ em, trẻ em mô côi, giáo dục, bóc lột kinh tế, lao động trẻ em và tư pháp trẻ em. Cần lưu ý là quyền trẻ em phụ thuộc lẫn nhau và không thể tách rời; điều cần thiết là quyền của mọi trẻ em phải được thực hiện.
Trong bối cảnh hiện nay, đâu là những ưu tiên của UNICEF tại Việt Nam, thưa bà?
UNICEF hoạt động tại Việt Nam từ năm 1975 với các chương trình nhằm thúc đẩy sự tôn trọng, bảo vệ và thực hiện các quyền của tất cả trẻ em.
Với mục tiêu cốt lõi là công bằng, UNICEF thúc đẩy sự hòa nhập của những trẻ em dễ bị tổn thương nhất, bao gồm cả những trẻ em thuộc các dân tộc thiểu số. Chương trình hợp tác quốc gia của chúng tôi đang đóng góp vào Chiến lược phát triển kinh tế xã hội (2021–2030) và Kế hoạch hành động quốc gia vì trẻ em 2021-2030 của Việt Nam, trong đó ưu tiên phát triển con người và xã hội công bằng cũng như thích ứng với biến đổi khí hậu.
Chúng tôi tiếp tục tư vấn hoặc hỗ trợ kỹ thuật cho những đối tượng liên quan, đặc biệt chú ý đến Kết luận của Ủy ban về quyền trẻ em.
UNICEF tiếp tục hợp tác với Chính phủ và các bên liên quan trong giải quyết những thách thức đang đặt cuộc sống và sự phát triển của trẻ em vào tình thế nguy hiểm.
“Không còn nghi ngờ gì nữa, Việt Nam là quốc gia tiên phong trong khu vực và trên toàn cầu về bảo vệ quyền trẻ em”.
Dinh dưỡng là ưu tiên hàng đầu. Chúng tôi cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, các sản phẩm chức năng, đồng thời ủng hộ việc tăng cường sự quan tâm, nguồn lực để đảm bảo sức khỏe cho trẻ em. Chúng tôi tiếp tục hỗ trợ chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh, tiếp cận nước sạch và vệ sinh, bảo trợ xã hội và bảo vệ mọi trẻ em khỏi bạo lực, lạm dụng và bóc lột. Trong lĩnh vực giáo dục, các ưu tiên chính của chúng tôi là cải thiện hơn nữa giáo dục hòa nhập và bảo đảm mọi trẻ em đều có được các kỹ năng số, vốn rất cần thiết trong thế giới ngày nay. Thông qua các trường học, chúng tôi cũng hỗ trợ nâng cao sức khỏe tinh thần.
Với các tác động liên quan đến khí hậu và thảm họa ngày càng gia tăng, chúng tôi nỗ lực tăng cường các dịch vụ xã hội nhạy cảm với trẻ em và năng lực giảm thiểu rủi ro thiên tai, ứng phó nhân đạo hiệu quả.
Sự hỗ trợ của UNICEF được cụ thể hóa bằng việc hỗ trợ kỹ thuật để tăng cường hệ thống, xây dựng năng lực quốc gia, thử nghiệm các giải pháp sáng tạo và mở rộng quy mô các giải pháp này, tập trung vào chuyển đổi số, nâng cao nhận thức và tạo điều kiện thay đổi các chuẩn mực xã hội để thúc đẩy quyền trẻ em.
Quan hệ đối tác là chìa khóa để đạt được những mục tiêu này. Bên cạnh việc hợp tác với Chính phủ, các tổ chức đoàn thể, các bên liên quan và các đối tác phát triển, chúng tôi hướng tới việc tận dụng tiềm năng của khu vực tư nhân, thông qua quan hệ đối tác công-tư và chia sẻ giá trị nhằm thúc đẩy các chính sách kinh doanh thân thiện với gia đình, bảo vệ lao động trẻ.
Thưa bà, Việt Nam đang xây dựng bộ chỉ số đánh giá về trẻ em hài hòa với các chuẩn mực quốc tế, UNICEF có thể hỗ trợ Việt Nam như thế nào?
Yếu tố cung-cầu và sử dụng dữ liệu thông minh có thể giúp chúng ta mang lại lợi ích tốt hơn cho trẻ em. Khi dữ liệu phù hợp đến đúng người, vào đúng thời điểm, các quyết định có thể được cung cấp thông tin tốt hơn, công bằng hơn và có nhiều khả năng bảo vệ quyền trẻ em hơn.
Việt Nam đã nỗ lực nhiều trong theo dõi sức khỏe và sự phát triển của trẻ em. Nhằm hỗ trợ công cuộc này, UNICEF đã vận động xây dựng Luật Thống kê được sửa đổi để tập trung nhiều hơn vào các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) cũng như trẻ em, bằng cách đưa ra các khuyến nghị và hỗ trợ kỹ thuật, thúc đẩy Chính phủ đưa 14 chỉ số trọng tâm về trẻ em vào Danh sách chỉ số quốc gia nhằm phục vụ báo cáo và giám sát thường xuyên. Đáng chú ý, các chỉ số này bao gồm tỷ lệ đa chiều về trẻ em nghèo, tỷ lệ dân số bị bạo lực phân theo nhóm tuổi, tỷ lệ dân số có kỹ năng công nghệ thông tin, tỷ lệ dân số từ 5-17 tuổi tham gia lao động.
UNICEF hoan nghênh những nỗ lực xây dựng bộ chỉ số liên quan đến trẻ em hài hòa với các tiêu chuẩn quốc tế nhằm đánh giá mức độ hạnh phúc của trẻ em. Với chuyên môn vững vàng và hơn 70 năm kinh nghiệm thu thập dữ liệu toàn cầu, UNICEF có thể hỗ trợ Việt Nam trong sử dụng các định nghĩa và phương pháp tính toán được quốc tế công nhận để theo dõi và báo cáo về các chỉ số SDG liên quan đến trẻ em. Thông qua các hướng dẫn và công cụ của mình, chúng tôi có thể hỗ trợ những nhà hoạt động và người ra quyết sách xây dựng và xử lý dữ liệu để phục vụ trẻ em tốt hơn.
UNICEF khuyến nghị đa dạng hóa các nguồn dữ liệu và thông tin để phục vụ công cuộc theo dõi và báo cáo chính thức, thay vì chỉ dựa vào dữ liệu chính phủ. Sự đa dạng hóa này sẽ giúp xây dựng năng lực phân tích dữ liệu quốc gia trong theo dõi tiến trình thực hiện quyền trẻ em bằng cách đối chiếu dữ liệu của chính phủ với các nguồn phi chính phủ. Cách tiếp cận này giúp cải thiện mức độ phong phú và độ sâu rộng của các bằng chứng sẵn có để sử dụng trong hoạch định chính sách và ra quyết định vì lợi ích tốt nhất của trẻ em ở Việt Nam.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dong-hanh-vi-hanh-phuc-tre-em-viet-nam-231047.html