Đồng hành vì Thủ đô giàu đẹp

Ngày 5/5/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 15 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Bám sát Nghị quyết quan trọng này, Công đoàn Thủ đô đã và đang có những hành động cụ thể để góp phần cùng toàn thể hệ thống chính trị thực hiện thắng lợi Nghị quyết.

Đóng góp quan trọng trong bức tranh kinh tế Thủ đô

Hà Nội là Thủ đô, trái tim đất nước, nên phát triển Thủ đô xứng tầm khu vực luôn được Trung ương, Bộ Chính trị đặc biệt quan tâm. Để phát triển, yếu tố nguồn nhân lực đóng vai trò mang tính quyết định. Chính vì thế, Nghị quyết số 15 nhấn mạnh: “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có năng lực, trình độ cao, chuyên nghiệp, có bản lĩnh, phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, có ý chí vươn lên, khát vọng cống hiến cho sự nghiệp phát triển Thủ đô”.

Đội ngũ cán bộ, công nhân Thủ đô đã tự làm chủ công nghệ triển khai, xây dựng cầu khang trang, hiện đại. (Ảnh Dự án mở rộng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2)

Đội ngũ cán bộ, công nhân Thủ đô đã tự làm chủ công nghệ triển khai, xây dựng cầu khang trang, hiện đại. (Ảnh Dự án mở rộng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2)

Là tổ chức thuộc hệ thống chính trị - xã hội, đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng bộ thành phố Hà Nội; đặc biệt là tổ chức rộng lớn của giai cấp công nhân, người lao động - giai cấp có đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước và Thủ đô (GRDP), nên tổ chức Công đoàn Thủ đô càng có trọng trách nặng nề phải nâng cao công tác đào tạo, bỗi dưỡng để có đội ngũ cán bộ Công đoàn vừa hồng, vừa chuyên đáp ứng những đòi hỏi đặt ra trong giai đoạn phát triển mới. Đồng thời, làm tốt công tác tham mưu cho Đảng bộ thành phố Hà Nội; đẩy mạnh phối kết hợp với các cấp, sở ngành trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, trình độ tay nghề… cho người lao động để tăng năng suất lao động. Vì chỉ có tăng năng suất lao động mới là chìa khóa nâng cao khả năng cạnh tranh, thúc đẩy kinh tế Thủ đô phát triển theo đúng tinh thần của Nghị quyết.

…Để xây dựng được đội ngũ cán bộ Công đoàn đủ mạnh, ngang tầm nhiệm vụ, công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ Công đoàn được các cấp Công đoàn Thủ đô coi là vấn đề then chốt. Theo đó, ngay từ đầu mỗi năm, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Thành phố đều chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và triển khai tới các cấp Công đoàn Thủ đô. Cùng với việc đề ra những mục tiêu, chỉ tiêu về số lượng, LĐLĐ Thành phố luôn chú trọng đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo cán bộ Công đoàn theo hướng thiết thực, phù hợp với từng đối tượng cán bộ Công đoàn. Về nội dung, LĐLĐ Thành phố tập trung triển khai bồi dưỡng lý luận, nghiệp vụ cơ bản về công tác Công đoàn cho đội ngũ cán bộ Công đoàn cơ sở và Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, nhất là cán bộ mới tham gia Ban Chấp hành lần đầu; bồi dưỡng chuyên sâu và nâng cao kỹ năng hoạt động theo các chuyên đề công tác Công đoàn và tổ chức thực hiện nhiệm vụ cho cán bộ Công đoàn các cấp đáp ứng tình hình mới hiện nay.

Đối với cán bộ Công đoàn cơ sở nhất là cán bộ Công doàn cơ sở khu vực ngoài nhà nước, nội dung đào tạo được chú trọng là cập nhật kiến thức mới, nghiệp vụ tổ chức các hoạt động Công đoàn cơ sở, kỹ năng thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể, kỹ năng đàm phán, đối thoại … Cùng đó, các cấp Công đoàn Thủ đô cũng tập trung bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, chính trị, tin học, ngoại ngữ... để chuẩn hóa đội ngũ cán bộ Công đoàn chuyên trách; tập huấn nội dung những điểm mới của pháp luật liên quan đến cán bộ Công đoàn và người lao động...

Phương pháp đào tạo bồi dưỡng cán bộ Công đoàn Thủ đô trong những năm qua cũng đã có nhiều đổi mới, kết hợp giữa phương pháp truyền thống với phương pháp đào tạo tích cực, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, phát huy tính tự giác, chủ động và tư duy sáng tạo của người học. Các buổi đào tạo, tập huấn cho cán bộ Công doàn cũng không còn thụ động, một chiều mà tăng cường việc trao đổi thông tin, kiến thức, kinh nghiệm giữa giảng viên với học viên; giữa các học viên theo nhóm trong lớp để cán bộ Công đoàn có thể dễ dàng tiếp thu kiến thức, vận dụng vào thực tế công tác.

Đặc biệt, xác định tầm quan trọng của đội ngũ cán bộ Công đoàn cơ sở doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước, trong 2 năm 2021 - 2022, LĐLĐ Thành phố đã triển khai thực hiện Đề án thí điểm “Đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ Chủ tịch Công đoàn cơ sở ngoài khu vực Nhà nước thành phố Hà Nội, giai đoạn 2021 - 2022, trong đó tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn theo phương pháp học tập tích cực, kết hợp giữa học lý thuyết và thực hành bài tập thực tế với các buổi tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm với nội dung đào tạo, tập huấn chủ yếu là những điểm mới trong Bộ luật Lao động năm 2019 và một số văn bản hướng dẫn thi hành...

Nâng cao chất lượng chuyên môn để đóng góp nhiều hơn

Chỉ tính từ năm 2018 đến năm 2023, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đã tổ chức 173 lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Công đoàn, với 17.635 học viên bằng nguồn kinh phí Ủy ban nhân dân Thành phố (đạt 100% kế hoạch); Phối hợp với Trường Đại học Công đoàn đào tạo 06 lớp lý luận nghiệp vụ công đoàn với 221 học viên; phối hợp với Học viện Hành chính Quốc gia mở 7 lớp chuyên viên với 390 học viên; 5 lớp chuyên viên chính với 235 học viên; tổ chức được 210 lớp An toàn vệ sinh lao động với 16.489 học viên.

Từ chỗ quy mô nền kinh tế còn nhỏ bé, kết cấu hạ tầng lạc hậu, song vận dụng sáng tạo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, dưới sự lãnh đạo của Thành ủy Hà Nội, đến nay Hà Nội đã vươn lên dẫn đầu cả nước về kết cấu hạ tầng, là một trong hai đầu tàu kinh tế của cả nước. Riêng 6 tháng đầu năm 2024, tổng thu ngân sách Nhà nước của thành phố Hà Nội đã tiệm cận tổng thu ngân sách của Thành phố Hồ Chí Minh. Có được bước tiến đó là công sức đóng góp rất lớn của giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn Thủ đô. Thời kỳ mới, tình hình mới, để xây dựng thành công Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại đội ngũ công nhân, viên chức, người lao động, đoàn viên công đoàn Thủ đô sẽ tiếp tục nỗ lực hơn nữa…

LĐLĐ Thành phố cũng chỉ đạo Trường trung cấp nghiệp vụ và dạy nghề công đoàn Hà Nội phối hợp với các LĐLĐ quận, huyện, thị xã mở được 76 lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn cho cán bộ Công đoàn cơ sở theo nguồn kinh phí tại đơn vị với 19.385 học viên tham gia. Riêng năm 2022, LĐLĐ Thành phố đã cử 34 đồng chí Chủ tịch, Phó Chủ tịch tham gia lớp bồi dưỡng công tác Công đoàn cho cán bộ chủ chốt cấp trên trực tiếp cơ sở năm 2022 do Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức.

Song hành với việc nâng cao chất lượng chuyên môn của cán bộ Công đoàn cơ sở, thời gian tới Công đoàn Thủ đô căn cứ chức năng, nhiệm vụ, bám sát Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị sẽ tiếp tục chủ động nghiên cứu, đề xuất, tham mưu với Thành ủy Hà Nội ban hành các cơ chế “đặc thù” phù hợp với Luật Thủ đô (sửa đổi) liên quan đến lĩnh vực đào tạo nghề để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu phát triển của Thủ đô. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong công tác chuyên môn liên quan đến lĩnh vực chuyên môn.

Phát huy bản lĩnh, tính tiên phong của giai cấp công nhân; phát huy truyền thống vẻ vang của tổ chức, Công đoàn Thủ đô sẽ nỗ lực không ngừng, cùng với toàn hệ thống chính trị đưa Nghị quyết 15 của Bộ Chính vào cuộc sống. Vì một Thủ đô nói riêng - Vùng Thủ đô nói chung phát triển xứng tầm khu vực.

Tú Anh

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/dong-hanh-vi-thu-do-giau-dep-174049.html