Đồng hành với các quân nhân hiếm muộn

Với mỗi gia đình, con cái luôn là tài sản vô giá, chan chứa yêu thương. Tuy nhiên, không phải mái ấm nào cũng đón nhận những niềm hạnh phúc vẹn đầy. Nhiều cặp vợ chồng phải chạy chữa khắp nơi, chi phí tốn kém để mong có được niềm hạnh phúc làm cha, làm mẹ, trong đó có những gia đình quân nhân thuộc Quân chủng Hải quân (QCHQ)...

Tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần, Đại úy Lê Minh Tân, Chính trị viên Tàu 383 (Lữ đoàn 167, Vùng 2 Hải quân) trở về với mái ấm của mình, quây quần bên vợ con. Căn nhà nhỏ của gia đình anh nằm trong con hẻm trên đường Bình Giã, TP Vùng Tàu năm nay đã rộn rã tiếng cười nói bi bô của cô con gái 13 tháng tuổi. Điều tưởng chừng rất bình dị ấy lại là niềm ao ước mà vợ chồng anh mong mỏi, kiếm tìm suốt hơn 8 năm. Theo Đại úy Lê Minh Tân, vợ chồng anh kết hôn từ năm 2010. Sau ngày cưới, biết mình khó sinh con nên anh chị đã chạy chữa ở rất nhiều nơi. Thời gian, công sức và cả tiền của dành vào việc này có lẽ anh chị không thể ghi hết được. “Nhiều lúc đi ngoài đường, nhìn mọi người bế con trên tay, vợ tôi lén quay đi lau nước mắt”, Đại úy Lê Minh Tân nói về niềm đau đáu của vợ chồng mình.

 Niềm hạnh phúc của vợ chồng Đại úy Lê Minh Tân bên con gái.

Niềm hạnh phúc của vợ chồng Đại úy Lê Minh Tân bên con gái.

Ngồi bên, vợ anh-chị Trần Thị Thanh Thảo xúc động nói: “Nhiều lúc mệt mỏi quá, chúng tôi đã nghĩ đến chuyện chấp nhận số phận. Nhưng được sự quan tâm, chia sẻ, động viên của người thân, đồng chí, đồng đội, chúng tôi lại tiếp tục cố gắng. Không chỉ nhận được sự hỗ trợ về tinh thần, vợ chồng tôi còn được cấp trên hỗ trợ 50 triệu đồng để thêm vào quá trình chạy chữa. Sau 5 năm kiên trì, tháng 2-2019, chúng tôi được chào đón bé Lê Thảo Ngân-niềm hạnh phúc mà vợ chồng tôi mỏi mòn chờ đợi từ lâu”.

Chứng kiến hạnh phúc vô bờ bến của gia đình Đại úy Lê Minh Tân, Trung tá Nguyễn Xuân Quý, Trợ lý Phòng Quân y, Cục Hậu cần Hải quân không giấu được niềm vui, nói: “Với các trường hợp quân nhân hiếm muộn công tác tại QCHQ, cấp ủy, chỉ huy các cấp đặc biệt quan tâm, tạo mọi điều kiện, nhất là việc hợp thức hóa gia đình. Tuy nhiên, nhiều năm trôi qua, không ít trường hợp vẫn chưa có kết quả. Họ phải nhờ đến sự can thiệp của y học hiện đại với chi phí lên đến hàng trăm triệu đồng, trong khi mức lương quân nhân còn thấp nên không ít trường hợp gặp rất nhiều khó khăn”.

Chuẩn đô đốc Đặng Minh Hải, Phó chính ủy, Chủ tịch Ủy ban Dân số, gia đình và trẻ em QCHQ, cho biết: “Chính sách hậu phương quân đội rất quan trọng và cần thiết, đặc biệt đối với những trường hợp hiếm muộn, vô sinh. Đây là vấn đề nhạy cảm nên các cơ quan chức năng, lãnh đạo, chỉ huy đơn vị càng cần phải quan tâm, động viên, tạo điều kiện kịp thời để bộ đội yên tâm công tác, tích cực phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.

Trong 2 năm (2018-2019), Ủy ban Dân số, gia đình và trẻ em QCHQ đã tổng hợp và đề nghị cấp trên hỗ trợ các trường hợp hiếm muộn, vô sinh với tổng số tiền lên tới hơn 4,9 tỷ đồng (mức hỗ trợ cao nhất là 50 triệu đồng/trường hợp), một số đồng chí được hỗ trợ hai lần. Bên cạnh đó, QCHQ cũng trích quỹ hỗ trợ 15 quân nhân hiếm muộn khác với số tiền 75 triệu đồng. Đến nay, đã có 34 trường hợp sinh con, 3 trường hợp đang mang thai. Mỗi trường hợp vô sinh, hiếm muộn là một nỗi niềm, không ai giống ai nhưng họ đều có điểm chung là mong đón nhận tiếng bi bô của trẻ thơ trong tổ ấm. Sự hỗ trợ này đem đến cho họ tia hy vọng mới trong hành trình chữa trị hiếm muộn vốn đầy gian nan và khó khăn.

Hỗ trợ quân nhân hiếm muộn là chủ trương đúng, đầy tính nhân văn, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Bộ Quốc phòng, QCHQ với các quân nhân chưa có được hạnh phúc làm cha, làm mẹ. Tuy nhiên, quá trình thực hiện chủ trương này ở QCHQ vẫn gặp một số vướng mắc: Một số trường hợp hiếm muộn, vô sinh còn giấu bệnh, không đi khám hoặc khám ở các cơ sở y tế tư nhân, các bệnh viện không đủ điều kiện chữa trị và không nằm trong danh mục được Bộ Y tế công nhận hỗ trợ; quân nhân làm mất hoặc không lưu giữ giấy tờ, hóa đơn nên rất khó khăn trong việc thẩm định để hỗ trợ; quân nhân đi công tác dài ngày trên biển, công tác ngoài đảo, nhà giàn nên nắm bắt chủ trương, hoàn thiện hồ sơ không kịp thời; tuyến đơn vị hướng dẫn quân nhân làm hồ sơ không đủ…

“Vợ cháu có bầu rồi, chú ạ. Cháu mừng quá!", "Vợ em sinh rồi, anh ơi"... Mỗi lần nhận được điện thoại báo tin như thế, tôi mừng và hạnh phúc như thể người thân của mình có tin vui vậy", những chia sẻ ấy cũng chính là những cung bậc cảm xúc mà Trung tá Nguyễn Xuân Quý được trải qua khi đồng hành với các quân nhân hiếm muộn trong QCHQ suốt hơn hai năm qua. Mong rằng, thời gian tới, sẽ còn nhiều gia đình quân nhân có hoàn cảnh hiếm muộn được đón nhận những hỗ trợ về vật chất cũng như động viên tinh thần của các cơ quan chức năng, để niềm vui đến với họ trọn vẹn hơn.

Bài và ảnh: NGUYỄN THANH THỦY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/que-huong/dong-hanh-voi-cac-quan-nhan-hiem-muon-612855