Đồng hành với học sinh cuối cấp
Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán là chặng đường nước rút của học sinh lớp 9 và lớp 12 trên địa bàn thành phố Hà Nội. Các em đều sắp bước vào kỳ thi chuyển cấp có ý nghĩa rất quan trọng, trong đó học sinh lớp 9 đối diện với kỳ thi tuyển sinh lớp 10 có tỷ lệ cạnh tranh không nhỏ; học sinh lớp 12 chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông với nhiều áp lực. Hiện các em rất cần sự đồng hành và hỗ trợ tối đa về mọi mặt để vượt 'vũ môn', đạt kết quả cao nhất.
Nhiều thuận lợi cho học sinh
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 sẽ giữ ổn định về phương thức như năm 2023 với 5 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập toán, ngữ văn, ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, tiếng Đức, tiếng Nhật và tiếng Hàn), 1 bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên (gồm các môn thành phần vật lý, hóa học, sinh học) và 1 bài thi tổ hợp khoa học xã hội (lịch sử, địa lý, giáo dục công dân - đối với học sinh trung học phổ thông hoặc lịch sử, địa lý - đối với học viên giáo dục thường xuyên). Học sinh trung học phổ thông bắt buộc thi 4 bài để xét tốt nghiệp, bao gồm 3 bài thi độc lập và lựa chọn một trong 2 bài thi tổ hợp.
Em Trần Thị Khánh Linh, học viên Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên Đan Phượng (huyện Đan Phượng) cho biết: “Chúng em chỉ phải thi 3 bài, bao gồm 2 bài độc lập là toán, ngữ văn và lựa chọn một trong 2 bài tổ hợp. Môn ngoại ngữ không phải là môn thi bắt buộc nhưng nếu có nguyện vọng, sở trường, chúng em được đăng ký thi để lấy kết quả xét tuyển đại học, cao đẳng. Đây là một thuận lợi lớn bởi điều kiện học tập của đa số học viên giáo dục thường xuyên còn hạn chế, có người vừa đi học vừa đi làm, lại cũng có người lớn tuổi… Hiện nay, chúng em được chia nhóm theo năng lực, nguyện vọng dự thi và được học tăng cường các môn thi trong tất cả các ngày".
Còn em Trần Anh Minh, học sinh Trường Trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều (quận Long Biên) chia sẻ: “Em đang tập trung cao độ cho việc ôn tập chuẩn bị cho kỳ khảo sát chất lượng vào đầu tháng 4 tới. Cả lớp sẽ được xếp phòng, ngồi theo số báo danh với các bạn ở trường khác và làm các bài kiểm tra tương tự như ở kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông”.
Cùng với tăng cường ôn tập, đây cũng là khoảng thời gian học sinh lớp 12 sắp đăng ký dự thi. Giáo viên các trường tăng cường nhắc nhở học sinh về một số quy định không được phép quên, tránh trượt oan vì không thuộc quy chế. Theo đó, học sinh chỉ được đăng ký một bài thi tổ hợp, không được làm cả hai bài tổ hợp hoặc đăng ký bài tổ hợp khoa học tự nhiên nhưng đến khi thi lại làm bài tổ hợp khoa học xã hội và ngược lại.
Nỗ lực giảm áp lực
Năm nay là năm cuối cùng lứa học sinh lớp 9 thi theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006. Vì vậy, so với các năm trước, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 trung học phổ thông năm học 2024-2025 dường như tăng áp lực. Nhiều học sinh cho biết, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 rất căng thẳng vì tỷ lệ chỉ tiêu vào trường công lập chỉ chiếm khoảng 60% trong tổng số học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở. Nếu năm nay chẳng may trượt thì áp lực lại càng lớn bởi kỳ thi năm sau thực hiện theo chương trình mới, các môn thi và nội dung có thể sẽ có nhiều khác biệt.
Xác định lứa học sinh lớp 9 còn nhiều bỡ ngỡ trước các kỳ thi, tâm lý lứa tuổi cũng dễ xáo trộn, đội ngũ giáo viên đều dành cho các em sự quan tâm đặc biệt. Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Chương Dương (quận Hoàn Kiếm) Nguyễn Thị Vân Hồng cho biết, nhà trường ưu tiên các điều kiện tốt nhất đối với học sinh lớp 9. Mỗi sự thay đổi về sức khỏe, kết quả học tập, thái độ hợp tác của từng học sinh đều có thể là những dấu hiệu cho thấy các em có ổn hay không. Vì thế, sự lắng nghe, chia sẻ của giáo viên chủ nhiệm là rất cần thiết. Đội ngũ giáo viên được phân công đảm nhận khối lớp 9 là những người có chuyên môn tốt, tinh thần trách nhiệm cao và nhiều kinh nghiệm đồng hành với học sinh cuối cấp.
Từng có con tham dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10 cách đây 4 năm, năm nay có con thứ hai chuẩn bị thi vào lớp 10, bà Khuất Hồng Anh, phụ huynh học sinh Trường Trung học cơ sở Ngọc Tảo (huyện Phúc Thọ) chia sẻ, nhu cầu được những người xung quanh tôn trọng ý kiến cá nhân của học sinh ở độ tuổi “ẩm ương” này rất lớn. Bố mẹ đừng áp đặt mà cần quan tâm, lắng nghe nhiều hơn để các con tin tưởng, chia sẻ mong muốn, từ đó dẫn dắt các con theo chiều hướng tích cực, tránh được những hành vi tiêu cực có thể xảy ra...
Theo các chuyên gia, với lứa tuổi học sinh phổ thông, nhất là những em cuối cấp đang đứng trước nhiều thách thức và cả áp lực, để tăng hiệu quả đồng hành, giáo viên cần quan tâm đến sức khỏe, kết quả học tập, nguyện vọng cá nhân của các em. Thời điểm này, các nhà trường cũng cần tăng cường các hoạt động giải tỏa căng thẳng, nắm bắt diễn biến tâm lý và kịp thời hỗ trợ, giải tỏa những khó khăn mà các em gặp phải.
Ngày 19-2, thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 trung học phổ thông công lập năm học 2024-2025 sẽ được thực hiện theo phương thức thi tuyển với 3 môn thi bắt buộc gồm toán, ngữ văn, ngoại ngữ và có thể có thêm môn thứ tư. Việc chốt số lượng môn thi của kỳ thi này sẽ được công bố trong tháng 3-2024.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/dong-hanh-voi-hoc-sinh-cuoi-cap-658918.html