Đồng hành với phụ nữ phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững

Những năm gần đây, phong trào giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo bền vững đã được các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Vĩnh Linh chú trọng triển khai thực hiện. Thông qua nhiều hình thức hỗ trợ khác nhau, chị em phụ nữ ở Vĩnh Linh đã phát huy tinh thần tương thân tương ái, giúp nhau xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần to lớn vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

 Giới thiệu các sản phẩm của hội viên phụ nữ Vĩnh Linh tại hội nghị kết nối cung cầu tiêu thụ sản phẩm từ các mô hình do phụ nữ sản xuất- Ảnh: MH

Giới thiệu các sản phẩm của hội viên phụ nữ Vĩnh Linh tại hội nghị kết nối cung cầu tiêu thụ sản phẩm từ các mô hình do phụ nữ sản xuất- Ảnh: MH

Đến xã Vĩnh Thái, địa phương bãi ngang ven biển huyện Vĩnh Linh, chúng tôi được Chủ tịch Hội LHPN xã Nguyễn Thị Thủy cho biết: “Hội LHPN xã Vĩnh Thái hiện có gần 640 hội viên. Đa phần đời sống của chị em ở đây còn gặp khá nhiều khó khăn. Nguồn thu nhập thấp, chủ yếu dựa vào nghề biển, sản xuất nông nghiệp và buôn bán nhỏ lẻ. Với những hoạt động thiết thực như hỗ trợ vay vốn; tập huấn kiến thức khoa học kỹ thuật (KHKT) trong sản xuất; phát động phong trào “đỡ đầu phụ nữ nghèo”, người có vốn giúp vốn, người có công giúp công... hội viên phụ nữ của xã đã từng bước giúp nhau vượt qua khó khăn, thoát khỏi đói nghèo, góp phần cùng địa phương xây dựng nông thôn mới”.

Minh chứng cho lời nói của mình, chị Thủy dẫn chúng tôi tới thăm gia đình chị Ngô Thị Thu ở thôn Thử Luật là một trong những hội viên được hỗ trợ lợn giống phát triển kinh tế từ mô hình “Ngân hàng lợn giống xoay vòng” của Hội LHPN xã. Gia đình chị Thu thuộc diện hộ nghèo, có hai người con đều bị dị tật bẩm sinh. Xét thấy hoàn cảnh cần sự giúp đỡ, năm 2017, hội đã trao cho chị Thu một con lợn giống sinh sản và hỗ trợ tập huấn kỹ thuật trong chăn nuôi. Đến nay, từ lợn giống ban đầu, gia đình chị Thu đã gây được đàn lợn hàng chục con, đồng thời trả lại một con lợn giống cho những hội viên khó khăn khác nuôi. Theo tính toán, mỗi năm có 2 lứa lợn được xuất chuồng, mỗi lứa từ 10 đến 15 con đã mang lại nguồn thu cho gia đình ước đạt 35 triệu đồng. Cùng với đó, gia đình chị tích cực canh tác thêm các loại cây trồng như lúa, lạc, ném, môn... mỗi năm có thêm thu nhập khoảng 20 triệu đồng. Chị Thu vui mừng chia sẻ: “Nhờ sự giúp đỡ của Hội LHPN xã mà gia đình tôi đã thoát khỏi hộ nghèo vào năm 2019, có thêm điều kiện để nuôi dạy con cái, vươn lên phát triển kinh tế gia đình”.

Xã Vĩnh Tú, cũng là một trong những địa phương có phong trào phụ nữ hỗ trợ nhau xây dựng kinh tế, vươn lên làm giàu phát triển khá mạnh mẽ ở Vĩnh Linh. Đến nay, Hội Phụ nữ xã đã đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện trên 4 tỉ đồng. Thành lập được 10 tổ tiết kiệm tín dụng với tổng số tiền trên 500 triệu đồng. Bên cạnh đó, hội còn vận động chị em tiết kiệm tại các chi hội với số tiền 200 triệu đồng. Từ số tiền này, trên cơ sở tìm hiểu nhu cầu của hội viên, hội đứng ra cho hội viên vay vốn phát triển kinh tế. Vận động hội viên tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Đồng thời tổ chức tập huấn, chuyển giao KHKT giúp hội viên áp dụng vào sản xuất, kinh doanh góp phần tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình.

Điển hình như gia đình chị Võ Thị Liễu ở Chi hội phụ nữ thôn Huỳnh Công Tây. Trước đây, gia đình chị Liễu gặp không ít khó khăn trong cuộc sống, mặc dù đất đai nhiều song do chưa biết áp dụng KHKT vào sản xuất nên thu nhập cũng chỉ đủ ăn. Từ khi tham gia sinh hoạt hội, được tuyên truyền, vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, dự các lớp tập huấn chuyển giao KHKT, cùng với số vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội do Hội Phụ nữ xã đứng ra tín chấp đã giúp chị thay đổi cách nghĩ, cách làm, mạnh dạn hơn trong đầu tư phát triển kinh tế. Hiện nay, chị nuôi trên 20 con lợn nái và 20 con lợn thịt con. Bên cạnh đó gia đình chị còn trồng 1 ha cao su; 1 ha bơ và trồng mới 3 sào tiêu. Thu nhập ước tính mỗi năm khoảng 300 triệu đồng.

Chủ tịch Hội LHPN Vĩnh Linh Nguyễn Thị Tuyết cho biết: “Một trong những khó khăn của các cấp hội phụ nữ gặp phải trong phát triển kinh tế là đa số lao động nữ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, thiếu kiến thức làm ăn, chưa được trang bị kiến thức về ứng dụng tiến bộ KHKT và thiếu nguồn vốn khiến cho chị em khó có thể bứt phá trong phát triển kinh tế”. Nhận thức rõ vấn đề này, mọi giải pháp liên quan đến đào tạo nghề, giải quyết việc làm đối với lao động nữ luôn được hội đặc biệt quan tâm. Từ năm 2016 đến nay, đã phối hợp đào tạo nghề được 233 lớp cho 3.400 lao động nữ. Sau đào tạo nghề, tỉ lệ phụ nữ có việc làm ổn định đạt 82,6%. Hội Phụ nữ cũng chú trọng đến công tác tuyên truyền, vận động và hỗ trợ hội viên đầu tư, xây dựng các mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Gắn sản xuất với công tác quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm, từng bước tạo dựng thương hiệu cho các sản phẩm sạch được làm ra từ chính hội viên phụ nữ. Các cuộc đối thoại chính sách hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh với các ngành chức năng thường xuyên được tổ chức. Qua đó, nhiều kiến nghị, đề xuất về hỗ trợ vốn vay ưu đãi, hỗ trợ cây, con giống, các thủ tục về đất đai trong xây dựng trang trại... cho hội viên được giải quyết kịp thời, tạo điều kiện để chị em yên tâm, mạnh dạn đầu tư sản xuất.

Hội còn vận động chị em tham gia tiết kiệm để tạo nguồn vốn tại chỗ; đứng ra tín chấp với các ngân hàng giúp chị em tiếp cận các nguồn vốn đầu tư phù hợp. Hiện các cấp hội phụ nữ trong toàn huyện đang quản lý trên 200 tỉ đồng cho hàng ngàn lượt hộ phụ nữ vay vốn để phát triển kinh tế gia đình. Điều đáng ghi nhận là ngày càng có nhiều mô hình làm kinh tế giỏi do phụ nữ làm chủ. Nếu năm 2006, toàn huyện chỉ có 40 mô hình phụ nữ làm kinh tế giỏi, đến nay đã tăng lên 210 mô hình với thu nhập bình quân 80 triệu đồng đến 1 tỉ đồng/mô hình/ năm trở lên. Thu nhập bình quân đầu người của hội viên phụ nữ đạt 50 triệu đồng/năm. Hộ nghèo giảm dần qua từng năm. Từ năm 2016 đến nay hội đã giúp 469 hộ thoát nghèo trong đó 219 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ. Xây dựng được 104 mô hình giảm nghèo bền vững; 48 tổ hợp tác về sản xuất thực phẩm an toàn hoạt động hiệu quả, bước đầu mang về lợi nhuận khả quan.

Ngoài ra, thực hiện chủ trương giảm nghèo bền vững cho 3 xã miền núi, từ năm 2016 đến nay, thông qua các hình thức, hội đã hỗ trợ phát triển kinh tế cho hội viên phụ nữ Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà với tổng số tiền 300 triệu đồng. Góp phần giảm dần tỉ lệ hộ nghèo của 3 xã nói trên qua từng năm, trong đó đến năm 2020, Vĩnh Ô còn 45%, Vĩnh Khê còn 18% và Vĩnh Hà chỉ còn 5%.

Phải khẳng định rằng, phong trào giúp nhau phát triển kinh tế giảm nghèo bền vững của Hội LHPN Vĩnh Linh đã tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho chị em phụ nữ, nâng cao vị thế của người phụ nữ trong gia đình và xã hội, góp phần xây dựng gia đình “ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, đóng góp sức mình xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Mỹ Hằng

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=152301