ĐỒNG HÀNH VƯỢT KHÓ (*): Sát cánh cùng doanh nghiệp
Để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, nhiều Công đoàn cơ sở đã đề xuất nhiều ý tưởng đột phá, biến thách thức thành cơ hội
Trong tâm điểm dịch bệnh Covid-19, Công đoàn (CĐ) và Ban Giám đốc Công ty TNHH Bánh kẹo Á Châu (ABC Bakery; quận 11, TP HCM) lại tìm thấy hướng ra từ ý tưởng tham gia giải cứu nông sản, hỗ trợ người nông dân đang gặp khó về việc tiêu thụ thanh long. Hình ảnh hàng dài khách chờ mua bánh mì thanh long trở nên quen thuộc tại các cửa hàng của hệ thống ABC Bakery tại TP HCM trong thời gian vừa qua. Công ty TNHH Bánh kẹo Á Châu là một điển hình trong việc năng động, sáng tạo tìm hướng đi mới.
Biến thách thức thành cơ hội
Những chiếc bánh mì thanh long, bánh mì thanh long sầu riêng ra đời nhờ đôi bàn tay vàng của ông Kao Siêu Lực, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Bánh kẹo Á Châu, đã trở thành hiện tượng. Sản phẩm mới không chỉ thu hút khách hàng mà còn góp phần giải cứu thanh long, qua đó đã bảo đảm việc làm ổn định cho người lao động (NLĐ). Đồng thời, tạo đà phát triển cho công ty trong giai đoạn hầu hết các doanh nghiệp (DN) đều chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
Trong thành công ấy có đóng góp không nhỏ của CĐ cơ sở. Lường trước những khó khăn mà DN gặp trong trường hợp dịch bệnh kéo dài, từ sau Tết, CĐ cơ sở liên tục phát động thi đua với trọng tâm chính là nâng cao tay nghề và chất lượng sản phẩm. Tinh thần đồng hành ấy phát huy tác dụng khi ban giám đốc triển khai sản xuất các sản phẩm mới có tính đột phá để thu hút khách hàng. Ông Phan Phú Cường, chủ tịch CĐ công ty, phấn khởi cho biết: "Với tinh thần đồng cam cộng khổ, ban giám đốc và tập thể lao động đã đưa DN vượt khó khăn. Hiện công ty đang phải tuyển thêm lao động để đáp ứng chuỗi sản xuất".
Biến thách thức thành cơ hội là cách ứng xử của nhiều DN trước diễn biến khó lường của dịch bệnh. Ông Đinh Tuấn Kiệt, Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Vĩ Châu (quận 7, TP HCM), cho biết dịch bệnh đã tác động lớn đến hoạt động sản xuất của DN khi sản lượng tiêu thụ giảm, một bộ phận nhỏ NLĐ cũng tâm tư về việc làm. Trong bối cảnh ấy, CĐ cơ sở đã liên tục động viên tập thể công nhân (CN) cố gắng tăng năng suất lao động, đặc biệt là hạn chế sản phẩm lỗi để nâng cao uy tín của DN. Ngoài 2 sản phẩm chủ lực (bóng đèn xe gắn máy và keo), CĐ và ban giám đốc đang thăm dò thị trường để cho ra đời sản phẩm mới (bóng đèn Led) để nâng cao sức cạnh tranh cho DN.
Tại Công ty CP Dịch vụ Du lịch và Thương mại TST (quận 3), ban giám đốc và CĐ thảo luận bố trí cho NLĐ nghỉ phép năm để về quê, thăm gia đình, nghỉ ngơi... Công ty cũng bố trí NLĐ làm việc 5 ngày/tuần (giảm 1 ngày/tuần so với trước) và tranh thủ huấn luyện các kỹ năng, nghiệp vụ cho tất cả NLĐ. "Chúng tôi tin rằng sau dịch bệnh nhu cầu du lịch sẽ tăng cao. Vì thế, NLĐ phải luôn sẵn sàng và phục vụ tốt nhất cho khách hàng. Hiện nay, công ty vẫn trả lương đầy đủ cho NLĐ và luôn động viên anh em cùng cố gắng để vượt qua khó khăn này" - ông Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng Phòng Truyền thông và Marketing công ty, cho hay.
Khó khăn không chùn bước
Cung cấp các sản phẩm thị trường đang "cháy hàng" là hướng đi của Công ty CP May Nhà Bè (quận 7, TP HCM). Bà Phạm Thị Thanh Dung, Phó Chủ tịch CĐ Công ty CP May Nhà Bè (quận 7, TP HCM), cho biết trước tình hình dịch bệnh, DN gặp khó khăn do thiếu nguyên liệu sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chậm, ban chấp hành CĐ cùng ban giám đốc giải quyết khó khăn khi may thêm mặt hàng khẩu trang kháng khuẩn. Ngoài các sản phẩm truyền thống cho thị trường trong nước và xuất khẩu, hiện công ty đang dồn sức sản xuất sản phẩm khẩu trang kháng khuẩn cho Tập đoàn Dệt may Việt Nam và các đơn vị, DN có nhu cầu. Ngoài thông tin tình hình dịch bệnh và cách phòng ngừa, cán bộ CĐ liên tục bám xưởng để động viên CN cùng tham gia sản xuất khẩu trang, xem đây là cách để ổn định việc làm, thu nhập trong tình hình khó khăn.
Bà Lê Thị Thùy Trang, Chủ tịch CĐ Công ty CP Kinh doanh Thủy hải sản Sài Gòn (Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn), cho biết dịch bệnh đã ảnh hưởng đến DN không nhỏ. Trước khó khăn ấy, ban giám đốc và ban chấp hành CĐ đã cố gắng tìm kiếm nhiều giải pháp để tạo việc làm, bảo đảm thu nhập cho CN. CĐ công ty đã đề xuất ý tưởng quảng bá hình ảnh các sản phẩm, món ăn của công ty qua các kênh mạng xã hội như Facebook, YouTube… Ngoài ra, CĐ còn làm các video clip hướng dẫn chế biến các món ăn như súp cua, nấu há cảo, làm cá chiên, chả cá… dành cho các bà nội trợ bận rộn. Với nỗ lực này, sản lượng của công ty được tiêu thụ tăng đáng kể, giúp DN trụ vững trong khó khăn.
Ông NGỌ DUY HIỂU, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam:
Bảo đảm việc làm, thu nhập cho NLĐ
Để tiếp tục đồng hành với Chính phủ, người sử dụng lao động (NSDLĐ) và NLĐ, các cấp CĐ tiếp tục tuyên truyền để NSDLĐ và NLĐ thực hiện nghiêm các quy định của Bộ Y tế về phòng chống dịch Covid-19 tại nơi làm việc, ký túc xá, khu nhà trọ của NLĐ bằng nhiều hình thức nhằm truyền tải một cách chính xác, đơn giản, dễ hiểu để mọi NLĐ cùng hiểu rõ về dịch bệnh, hiểu về những điều cần phải làm và những điều không được làm để phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, CĐ cần phối hợp với chính quyền và NSDLĐ tuyên truyền, vận động NLĐ nỗ lực chung tay cùng DN vượt khó; đề xuất các giải pháp hỗ trợ NLĐ trông giữ con trong thời gian học sinh nghỉ học, bảo đảm việc làm thường xuyên, liên tục; tổ chức đào tạo lại NLĐ để họ chuyển đổi nghề nghiệp và thích nghi với tình hình mới; động viên đẩy mạnh sản xuất, nâng cao năng suất lao động để đạt được "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch, vừa đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế, bảo đảm việc làm và thu nhập cho NLĐ.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 11-3
Kỳ tới: Đồng cam cộng khổ