Đồng hồ dân số và câu chuyện của quốc gia đông dân nhất thế giới

Rất nhiều người qua đường tò mò khi nhìn thấy chiếc đồng hồ dân số đầu tiên của Ấn Độ, gồm 10 thẻ số màu trắng gắn trên một tấm kim loại lớn màu xanh lá cây.

Cảnh đông đúc tại nhà ga ở Mumbai, Ấn Độ. Ảnh: AFP/TTXVN

Cảnh đông đúc tại nhà ga ở Mumbai, Ấn Độ. Ảnh: AFP/TTXVN

Thoạt nhìn, chiếc đồng hồ giống bản cập nhật tỷ số trong môn criket. Hàng ngày, thông tin trên đồng hồ được cập nhật một cách thủ công. Đồng hồ được dựng lên lần đầu tiên vào năm 1982, năm đó dân số Ấn Độ được dự báo là 684 triệu người.

Dân số của quốc gia Nam Á này đã tăng hơn gấp 2 lần trong những thập niên tiếp theo. Theo số liệu ước tính của LHQ công bố tháng 4 vừa qua, Ấn Độ vượt Trung Quốc và trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới với dân số 1,42 tỷ người tính đến ngày 14/4/2023.

Giáo sư Chander Shekhar tại Viện Khoa học Dân số Quốc tế ở Mumbai, nơi đặt chiếc đồng hồ trên, cho biết dãy số trên đồng hồ này từng có một ô trống để phòng trường hợp dân số Ấn Độ vượt 1 tỷ người.

Các số liệu ước tính hiện nay cho thấy dân số Ấn Độ tăng gần 41.000 người/ngày, tức là cứ 2 giây lại có thêm 1 người, tương đương khoảng 15 triệu người/năm. Tỷ suất sinh của Ấn Độ hiện là 2 con/phụ nữ, dưới mức sinh thay thế 2,1 con/phụ nữ và giảm so với mức ước tính của chính phủ là 4,8 con/phụ nữ vào năm 1981.

Theo kết quả cuộc khảo sát năm 2019 của chính phủ, tỷ lệ sinh khác nhau trên cả nước, với các bang nghèo như Uttar Pradesh và Bihar có tổng dân số hơn 325 triệu người, với tỷ suất sinh cao nhất. Ngược lại, 2 bang giàu nhất là Maharashtra và Tamil Nadu có tỷ suất sinh lần lượt là 1,56 và 1,54, thấp hơn nhiều so với mức trung bình.

Theo Khảo sát quốc gia về sức khỏe gia đình năm 2019 - 2021 của chính phủ Ấn Độ, trách nhiệm kế hoạch hóa gia đình được chuyển sang phụ nữ khi chưa đến 10% nam giới sử dụng bao cao su, trong khi tỷ lệ triệt sản nữ ở mức gần 38%.

Dân số quá đông từ lâu đã trở thành mối lo ngại tại Ấn Độ. Năm 1952, chính phủ thiết lập chương trình kế hoạch hóa gia đình trên toàn quốc. Theo chuyên gia Shekhar, những con số lớn không hẳn là “quả bom hẹn giờ” nếu các chính quyền tập trung vào nhiệm vụ nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Kể từ năm 1982, các lĩnh vực giáo dục và y tế của Ấn Độ đã được cải thiện, như tỷ lệ tử vong ở bà mẹ và trẻ sơ sinh giảm. Nền kinh tế của Ấn Độ đã phát triển trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới. Tuy nhiên ở nhiều thành phố, cư dân tranh giành các nguồn tài nguyên trong khi đối mặt với tình trạng thiếu nước, ô nhiễm không khí và nước.

Theo Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên trong độ tuổi 15 - 24 ở mức 23,2% vào năm ngoái. Dữ liệu của Trung tâm Giám sát Kinh tế Ấn Độ cho thấy tỷ lệ thất nghiệp nói chung tại nước này vào tháng 5 là 7,7%.

Ông Shekhar cho biết điều đáng lo ngại chủ yếu là "Ấn Độ sẽ già đi trước khi trở nên giàu có hơn. Để điều đó không xảy ra, chúng ta cần những người có tay nghề và có nhiều cơ hội việc làm cho dân số trẻ khổng lồ”.

Nguyễn Hằng (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/dong-ho-dan-so-va-cau-chuyen-cua-quoc-gia-dong-dan-nhat-the-gioi-20230626154237170.htm