Dòng họ Giàng bản Chiềng Đi thực hiện tốt '5 có, 5 không'
Cụ thể hóa những nội dụng của cam kết '5 có, 5 không', những năm qua, dòng họ Giàng ở bản Chiềng Đi, xã Vân Hồ (Vân Hồ) đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao; thay đổi nhiều hủ tục lạc hậu, gìn giữ bản sắc văn hóa tốt đẹp, góp phần xây dựng bản làng ngày càng phát triển.
Bản Chiềng Đi đa số là người dân tộc Mông sinh sống, trong đó dòng họ Giàng nhiều nhất với 110 hộ, 356 nhân khẩu. Trước đây, dòng họ Giàng cũng như nhiều dòng họ khác trong xã duy trì sản xuất theo lối tự cung tự cấp, phục vụ gia đình là chính, trình độ còn nhiều hạn chế chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đời sống của bà con còn nhiều khó khăn. Bởi vậy, việc thực hiện cam kết “5 có, 5 không” như luồng gió mới đối với bà con người Mông.
Trao đổi với chúng tôi, ông Giàng A Phư, Phó Trưởng bản Chiềng Đi, cho biết: Năm 2007, thực hiện cam kết nội dung “5 có, 5 không” trong đồng bào dân tộc Mông, bản đã họp bàn với trưởng các dòng họ, với bà con để triển khai. Điển hình nhất là dòng họ Giàng, những năm gần đây có nhiều chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, tăng thu nhập gia đình. Đặc biệt có nhiều hộ đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi làm hàng hóa; thu nhập cao gần 500 triệu đồng/hộ/năm từ các mô hình trồng chè kết hợp trồng cây ăn quả và chăn nuôi...
Mặc dù khi tuyên truyền, mọi người đều đồng thuận, tuy nhiên bước vào thực hiện lại gặp nhiều khó khăn, do bản vẫn còn một số dòng họ giữ những thói quen, những hủ tục lạc hậu đã ăn sâu vào tiềm thức, như phong tục cưới hỏi, ma chay kéo dài nhiều ngày gây tốn kém, tảo hôn và sinh nhiều con... Để đưa nội dung cam kết “5 có, 5 không” vào thực tế, các tổ chức đoàn thể, trưởng họ, người có uy tín đã tuyên truyền, vận động bà con từng bước thay đổi cách nghĩ, cách làm, đến các gia đình giải thích cho bà con hiểu về những điểm mới, tiến bộ của bản cam kết, không những vẫn giữ gìn được bản sắc của dân tộc, mà còn hạn chế được nhiều tập tục lạc hậu, đời sống được nâng lên.
Chia sẻ về quá trình thực hiện cam kết “5 có, 5 không”, ông Giàng A Súa, Trưởng dòng họ phấn khởi nói: Từ khi thực hiện cam kết, dòng họ Giàng nói riêng và cả bản nói chung đã có nhiều đổi thay, trẻ em trong độ tuổi đều đi học, các tập quán lạc hậu từng bước được đẩy lùi, đời sống của người dân ngày càng được nâng lên. Đặc biệt, trong phong tục tang ma, người mất được cho vào áo quan, không còn để nhiều ngày, cũng không mổ nhiều trâu, bò như trước kia, hạn chế được nhiều hủ tục lạc hậu, đỡ tốn kém cho gia đình. Cùng với đó, dòng họ không còn tình trạng tảo hôn hay hôn nhân cận huyết thống, tỷ lệ con cháu đi học cao đẳng, đại học tăng. Đời sống của bà con, từng bước nâng lên, thu nhập của các hộ trong dòng họ đạt trên 36 triệu đồng/người/năm...
Để minh chứng cho những đổi thay, ông Súa dẫn chúng tôi đến tham vườn mận trồng xem với cam đường canh của hộ gia đình ông Giàng A Phư. Dọc đường đi, ông khoe vụ mận vừa qua, gia đình ông Phư thu hơn 400 triệu đồng và nhiều năm đạt hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện. Vườn cây của gia đình của ông Phư được chăm sóc cẩn thận, cắt tỉa gọn gàng. Ông Giàng A Phư cho biết: Gia đình tôi có hơn 1 ha cây mận hậu, trước đây chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc nên cây cho lượng quả thu hoạch ít, quả nhỏ. Nay áp dụng nhiều biện pháp khoa học kỹ thuật, cây ăn quả phát triển xanh tốt, cho năng suất và chất lượng cao, đem lại nguồn thu ổn định cho gia đình, hiện gia đình trồng thêm hơn 250 cây cam đường canh xen kẽ cây mận để tăng thêm thu nhập. Nhờ ổn định kinh tế, con cháu gia đình tôi đều được đi học đầy đủ, không có trường hợp tảo hôn, sinh con thứ 3...
Với những những thay đổi tích cực khi thực hiện nội dung cam kết “5 có, 5 không”, dòng họ Giàng nhiều năm liền được UBND xã Vân Hồ tặng Giấy khen. Quan trọng hơn cả là đã đẩy lùi được hủ tục, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân bản Chiềng Đi, xây dựng bản làng ngày càng ấm no, giàu đẹp.