Dòng họ khoa bảng nổi danh xứ Nghệ
Đó là dòng họ Ngô Lý Trai ở xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu (Nghệ An). Dòng họ có 5 đời liên tiếp đỗ đạt Tiến sỹ. Dòng họ vinh dự được Triều Lê tôn là 'dòng họ công thần', nhân dân ngưỡng mộ xem là 'dòng họ khoa bảng'.
Đặc biệt, đây là dòng họ đầu tiên trong cả nước được hưởng vinh hiển "phụ tử đồng khoa" (cha con cùng đỗ Tiến sĩ lần đầu tiên trong một khoa thi).
Dòng họ khoa bảng
Khoảng thế kỷ XV, cụ Ngô Công Định trên con đường "Nam tiến", sau khi rời đất Châu Ái (Thanh Hóa ngày nay), họ Ngô đến vùng đất mới Hoan – Châu (Nghệ An) và quyết định dừng chân tại xã Lý Trai, huyện Đông Thành (nay là xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu, Nghệ An). Tại đây, Ngô Công Định lập ra dòng thứ họ Ngô ở Nghệ An, hay còn được gọi là họ Ngô Lý Trai.
Đất lành chim đậu, trên vùng đất mới này, dòng họ Ngô từ đời này tới đời khác đã xây dựng cho mình một truyền thống hiếu học, thi cử, đỗ đạt. Tính từ cụ Thủy tổ Ngô Định về sau, theo thống kê sơ bộ thì có đến 18 vị đỗ đạt từ tam trường trở lên trong đó có 5 người đỗ tiến sĩ.
Nhắc đến người thầy nổi tiếng của dòng họ Ngô Lý Trai, phải kể đến cụ Ngô Trí Trạch (SN 1509). Tuy đỗ thấp (Tứ trường) nhưng có công lớn trong việc dạy học, có nhiều trò đỗ đại khoa, làm quan to trong triều đình nên được phong "Đặc tiến kim tử lộc đại phu". Cụ là người có công sinh thành Ngô Trí Tri.
Người đỗ đại khoa đầu tiên của dòng họ Ngô Lý Trai cụ Ngô Trí Tri (SN 1535) và con trai Ngô Trí Hòa đỗ đồng tiến sĩ khoa Nhâm Thìn năm 1592 đời vua Lê Thế Tông. Trong đó, cụ Ngô Trí Tri đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ, Con trai ông là Ngô Trí Hòa đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ (Hoàng giáp) năm 28 tuổi. Trường hợp Phụ tử đồng khoa (hai cha con cùng đỗ một khoa) được xem là lần đầu tiên trong lịch sử khoa bảng của nước nhà.
Chính vì vậy, vua Lê Thế Tông đã đích thân tặng một bức trướng hồng có thêu mười chữ vàng: "Khoa danh thiên hạ hữu / Phụ tử thế gian vô" (khoa danh trong thiên hạ thì ai cũng có thể có, nhưng hai cha con cùng đỗ một khoa thì chưa thấy bao giờ).
Sau này, tại khoa thi năm Bính tuất Phúc thái thứ 4 (1646), người con ruột thứ 2 của cụ Ngô Trí Hòa là Ngô Trí Vinh cũng đỗ Đệ tam giáp Tiến sỹ. Cũng từ đây, câu đối nôm: "Sáng khoai, trưa khoai, khoai ba bữa/ Ông đỗ, cha đỗ, con đỗ, đỗ cả nhà" được dân gian lưu truyền và ca tụng mỗi khi nhắc đến dòng họ khoa bảng này.
Tiếp đó, năm Giáp tuất chính hòa thứ 15 (1694), cụ Ngô Công Trạc đỗ Tam giáp đồng tiến sĩ và Ngô Hưng Giáo đỗ Tiến sỹ năm 1710. Dòng họ Ngô Lý trai đã trở thành dòng họ công thần với 5 đời liên tiếp đỗ Tiến sỹ và làm quan to trong triều. Trong đó, cụ Ngô Trí Tri làm Giám sát ngự sử rồi làm quan đến chức Lễ bộ Tả Thị Lang. Còn cụ Ngô Trí Hòa (con cụ Tri) làm đến chức Thượng thu bộ Hộ kiêm Tế tửu Quốc tử giám rồi lên đến Thiếu bảo, tước Phú Xuân hầu.
Chỗ quan trường, cụ Ngô Trí Hòa tận mắt chứng kiến cuộc sống xa hoa vô độ của tầng lớp quan lại, càng thấm nỗi khổ của người dân bị bao tầng áp bức, mất mùa, bệnh tật đói kém...Vì vậy, ông viết "Khải điều trần" dâng vùa gồm 6 điều:
Xin sử đức chính để mệnh trời cứu giúp. Theo ông, nước phải có luật, luật phải được công khai cho dân biết để không bị vi phạm. Quan lại biết để răn trước, phòng sau. Công khai như thế để dân không lo bị nhũng nhiễu; Xin đè nén cường hào để nuôi thứ dân. Triều đình phải ra tay trừng trị một số quan lại bóc lột, hà hiếp, lợi dụng chức quyền để tham nhũng; Xin cấm phu dịch phiền hà để đời sống dân được no đủ, an cư lạc nghiệp; Xin bớt xa xỉ để dân được thừa thãi; Xin dẹp trộm cướp để dân được yên; Xin sửa sang quân chính để bảo vệ tài sản tính mạng người dân.
Trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước, dòng họ Ngô Lý Trai nổi danh với nhiều anh hùng trên mọi mặt trận. Trong đó có pháo thủ xe tăng số 1 Ngô Sỹ Nuyên, anh hùng bắn rơi máy bay địch Ngô Sỹ Ái...
Phát huy truyền thống hiếu học
Đến nay, dòng họ Ngô Lý Trai này đã trải qua 17 đời với nhiều thế hệ con cháu thi cử đỗ đạt thành tài, trong đó có nhiều Giáo sư, Tiến sỹ và nhiều người làm việc ở những vị trí quan trọng trong Bộ máy Nhà nước. Hàng năm cứ đến dịp 21/11 (Âm lịch) con cháu thập phương lại tìm về nhà thờ để làm lễ tế tổ, tri ân, tưởng nhớ đến tổ tiên đã có công "khai canh lập ấp" ở vùng đất này.
Với truyền thống 400 năm lịch sử, nhà thờ họ Ngô không chỉ là nơi thờ cúng tổ tiên, con cháu tìm về cội nguồn mà còn là nơi lưu giữ những bảng thành tích về học tập, làm việc của tất cả các thế hệ con cháu. Nhà thờ có khuôn viên rộng rãi, được dựng hoàn toàn bằng gỗ lim và được công nhận là di tích lịch sử quốc gia vào năm 1991. Phía sau nhà thờ có cây thị 500 năm tuổi và được Tổ chức kỷ lục Việt Nam công nhận là "Bách niên cổ mộc".
Thời chiến tranh, nhà thờ là nơi để lương thực và quân trang, quân dụng phục vụ quân đội. Những năm kháng chiến chống Mỹ, khu vực sông Bùng trở thành điểm bắn phá ác liệt của giặc Mỹ. Xung quanh, giặc ném bom khắp nơi nhưng nhà thờ họ Ngô vẫn hiên ngang, bất khuất trước "mưa bom, bão đạn"" – ông Ngô Sỹ Công, Tộc trưởng dòng họ Ngô Lý Trai cho biết.
Để phát huy truyền thống hiếu học, năm 1992, họ Ngô đã lập ra quỹ khuyến học mang tên Phần thưởng Ngô Trí Hòa. Phần thưởng là số tiền đóng góp của các gia đình trong dòng họ và con cháu đỗ đạt, thành tài. Hàng năm vào dịp giỗ tổ 21/11 (Âm lịch) phần thưởng này sẽ được trao cho những con cháu có thành tích cao trong học tập.
Năm 2007, Hội khuyến học họ Ngô Lý Trai vinh dự được tặng Cúp khuyến học trong Đại hội khuyến học toàn quốc, nhận bằng khen của Mặt trận tổ quốc Việt Nam. Ngày nay, con cháu dòng họ Ngô Lý Trai tiếp tục phát huy tinh thần hiếu học và khoa bảng và có nhiều Tiến sỹ đỗ đạt, thành tài, giữ nhiều chức vụ quan trọng trong bộ máy Nhà nước như các tiến sỹ Ngô Đình Giao, Ngô Nhật Hưng, Ngô Trí Nhân, Ngô Quang Xuân, Ngô Sĩ Hiền, Ngô Hữu Hải, Ngô Sĩ Hóa, Ngô Minh Toàn...
Với lịch sử 400 năm hình thành, dòng họ Ngô Lý Trai đang tiếp tục phát huy, gìn giữ truyền thống bản sắc văn hóa của dòng họ, truyền thống hiếu học, khoa bảng, để con cháu đời sau tiếp tục học tập và noi gương. Đây là dòng họ công thần, dòng họ khoa bảng và dòng họ hiếu học, là niềm tự hào của xứ Nghệ.
Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/dong-ho-khoa-bang-noi-danh-xu-nghe-20200116062915511.htm